Wednesday, September 21, 2016

               
  CHUYẾN ĐI SAN JOSE

                                        Bài viết của VINH HỒ
                
PHẦN I.
 
1. Kể chuyện trên đường đi:
Sau 1 tuần giông gió sấm sét, ngày lên máy bay nắng đẹp, trời xanh. Chuyến bay cất cánh đúng giờ từ phi trường MCO, Orlando trực chỉ San Diego.

Tại phi trường Orlando - Quầy ăn uống.
Từ cao độ 10,000 mét, nhâm nhi ly cà phê nhìn xuống địa cầu thấy đời vẫn đẹp sao! Mây trắng bay đầy như muốn ôm trái đất vào lòng. 
 
Khi qua khỏi địa phận Houston máy bay bay qua vùng sa mạc trắng xóa rồi bay đến vùng đồi núi gồ ghề một màu xám xịt khô khốc , không hồ, không sông suối, không nhà cửa...

Vùng đồi núi nhìn từ phi cơ.
Tôi đoán đó là vùng bắc Texas - tiểu bang rộng lớn thứ hai trong 50 tiểu bang của Hoa Kỳ, rộng gấp đôi nước VN.  Máy bay tiếp tục bay qua địa phận của hai tiểu bang New Mexico và Arizona (của BS Lê Ánh) cũng chỉ thấy toàn là núi đồi hoang vu trùng điệp trước khi đến thành phố San Diego ở cực nam tiểu bang CA.

Thành phố San Diego nhìn từ phi cơ.
-Đến phi trường San Diego:
Thành phố San Diego nằm sát biển cách biên giới nước Mexico chỉ độ 15miles, cách thành phố Los Angeles độ 150 miles. Từ  trên máy bay nhìn xuống thấy trên sườn đồi nhà cửa nằm san sát. Phía dưới là thành phố toàn cao ốc nguy nga tráng lệ soi bóng bên bờ Thái Bình Dương.
 
Máy bay đáp xuống phi đạo an toàn. Ra khỏi máy bay, tôi kéo vali vừa tìm đường vừa... chạy. Cuối cùng cũng đến được Gate 1A để đổi chuyến bay đi San José. Trước khi đến Gate 1A lại phải qua trạm kiểm soát an ninh (Security Checkpoint).
 
Chạy bở hơi tai, vậy mà khi đến Gate 1A, hành khách đã vào cổng gần hết, chỉ còn lèo tèo năm bảy người. May quá! Chỉ cần chậm 1 chút xíu thôi là đã trễ chuyến bay rồi! Tôi thở phào nhẹ nhỏm kéo vali bước vào cổng. Là người cuối cùng lên máy bay nhưng vẫn còn một ghế trống sát cửa sổ - dành cho tôi. Tôi mê mải ngắm biển Thái Bình Dương xanh thẫm một màu ở phía dưới. Máy bay bay dọc theo bờ biển tiến về phía bắc. Ngoài khơi nổi lên nhiều hòn đảo có hình thù kỳ dị. Sau hơn 1 giờ, máy bay êm ái đáp xuống phi trường San José.  Phi trường San Jose (SJC) cách trung tâm thành phố chừng 2 miles.
 
-Anh Nguyễn Văn Thành đến đón tại phi trường San josé:
Khi còn ở phi đạo, tôi đã gọi anh Nguyễn Văn Thành, tiếng anh vang lên trong phone:
-Khi ra ngoài đường, bạn nhớ cho tôi biết bạn đang đứng ở khu A hay khu B, sau 10 phút tôi sẽ có mặt để đón bạn.
Dù không phải là cư dân San Jose, nhưng anh Thành rất rành đường. Với tinh thần trách nhiệm hiếm có, từ  MN anh đã bay đến San José trước 3 ngày  trọ tại hotel để phụ giúp Thầy Ngô -Trưởng Ban Tổ Chức- trong việc đưa đón khách xa.
San José buổi chiều nắng ngã vàng như mật ong và mát mẻ dễ chịu làm sao!
Từ phi trường San José, anh Thành lái chiếc Van 8 chỗ ngồi chở tôi rẽ vào đại lộ US-101 boong boong trên đường dài. Sau hơn 40 phút, vượt qua khoảng 33.0 miles, chiếc Van đến phi trường San Francisco, nơi bà xã anh Thành - chị Giỏi - đang chờ anh đến đón. Chị Giỏi cũng vừa đến từ tiểu bang MN.
Rời phi trường San Francisco,  anh NVT cho xe rẽ trái vào đường CA-92 băng qua Vịnh San Francisco với hảo ý muốn cho tôi được nhìn thấy cây cầu dài nhất tiểu bang CA: cầu San Mateo-Hayward Bridge. 

Anh Thành lái xe qua cầu San Mateo-Hayward Bridge.
2. Cầu San Mateo-Hayward Bridge:
Dài 11,3 km, cầu San Mateo Bridge là cây cầu dài nhất ở tiểu bang CA, cũng là cây cầu dài thứ 25 trên thế giới bắt ngang qua Vịnh San Francisco, nối liền bán đảo San Francisco với East Bay, được xây dựng năm 1929, trùng tu năm 1967. Đoạn cao nhất được nâng lên hơn 41m cho tàu bè qua lại. Trung bình mỗi ngày có khoảng 81.000 lượt xe cộ lưu thông. Năm 1999 cầu được mở thêm 2 làn đường, tổng cộng 6 làn. Hiện cầu được lắp đặt thiết bị phát hiện địa chấn nhằm chống động đất.
 
Ra khỏi bờ Vịnh phía Tây chừng 1.5 km, cây cầu rẽ phải, rồi chạy thẳng, lẫn khuất trong sương mù, không nhìn thấy bờ phía Đông.
 
3, Trực chỉ hotel Fremont Marriott:
 Qua khỏi cầu, anh Thành cho xe rẽ phải chạy băng băng trên đường I-880 S trực chỉ hotel Fremont Marriott nằm trên đường Landing Pkwy, Fremont, CA. Không biết khách sạn 5 sao JW Marriott 9 tầng nằm trên đường Đỗ Đức Dục, Hà Nội - nơi TT Obama đã lưu trú trong chuyến viếng thăm VN mới đây ra sao?  Chớ khách sạn Fremont Marriott này có tới 10 tầng sừng sững, trông nguy nga tráng lệ vô cùng là nơi mà anh chị Thành và anh chị Khâm sẽ vào ở trong tối nay và trong 4 ngày kế tiếp.
 
 
 
Tìm chỗ trong parking khách sạn đậu xe xong, anh Thành cùng mọi người xuống xe. Tôi tiến vào hotel lobby để làm thủ tục check-in, nhận 2 chìa khóa 2 phòng giảm giá một cho anh chị NVT và một cho anh chị PTK sẽ ở đó 5 đêm. Xong xuôi, ba người lên xe. Từ hotel Fremont Marriott đến nhà Thầy Cô Ngô (nằm trên đường Yerba Buena Rd, San Jose) xe chạy mất nửa tiếng (18 miles). Về tới nhà vừa đúng 7:30 PM, trong nhà đã đủ mặt "bá quan văn võ" đang ngồi chờ chúng tôi để cùng đi ăn tối: Thầy Cô Lê Văn Ngô, Chuyên gia Phạm Thanh Khâm & Phù Linh Trân, Bác sĩ Lê Ánh và phu nhân, Thầy Hiệu trưởng Trần Hà Thanh.
 
4. Ăn tối tại Phở Bằng:
Thầy Ngô mời tất cả lên 2 xe trực chỉ nhà hàng Nha Trang trong Khu thương mại Lion Plaza nhưng khách đông quá (đứng sắp hàng dài như con rắn). Có người đề nghị vào Phở Hòa, nhưng Cô Ngô và quý Bà lại muốn đi Phở Bằng nằm bên kia đường cho rằng ngon hơn. Mọi người lội bộ chừng 150m thì tới.  Giờ này ai cũng đói nhừ tử. Trọn 1 ngày ngồi máy bay, tôi chỉ ăn có 4 gói Chips, nên khi thưởng thức tô phở bò bốc khói thấy ngon chưa từng thấy.
 
ÔB Bác sĩ Lê Ánh.
 
Anh Phạm Thanh Khâm, Thấy Cô Ngô.
 

Thầy Trần Hà Thanh, anh Nguyễn văn Thành, chị Giỏi.
 
Chị Phù Linh Trân, Chị Kim Hoàn ngồi đầu bàn.
5. Bác tài cần mẩn:
Ăn xong, tôi lên xe Thầy Ngô về nhà Thầy trú ngụ. Còn anh Thành thì chở ACE về lại hai khách sạn của họ nằm cách xa nhau gần15 miles.
 
Có thể nói chỉ trong 1 buổi tao ngộ chiều thứ Năm mà "bác tài" Thành đã di chuyển quá nhiều. Từ hotel ở trung tâm San José chạy lên phi trường San José, rồi chạy đến phi trường San Francisco, rồi lai chạy đến hotel Marriott, rồi lại chạy tiếp để về nhà thầy Ngô đúng hẹn, anh đã vượt qua cả 100 miles bằng từ Vạn Giã đi Phan Rang. Chưa hết, từ nhà Thầy Ngô anh còn chạy đến Phở Bằng  3.5 miles, rồi từ Phở Bằng chạy đến hotel của Bs Ánh 6.5 miles, rồi từ hotel của Bs Ánh chạy đến hotel Marriott 13 miles nữa, vị chi gần 25 miles mà anh đã lái chạy tới chạy lui trong đêm tối Thứ Sáu. Nói ra như thế để thấy tấm lòng của anh đã dành cho mọi người đậm đà như thế nào?
 
6. San José, thành phố hoa phượng tím:
Thầy Cô Ngô dành cho tôi 1 phòng trên lầu rộng rãi thoáng mát, có cửa sổ nhìn ra vườn sau. Khu vườn trồng vài cây ăn trái, 1 giàn nho đang ra lá tốt tươi, có cả sân bóng rổ mini. Sáng sớm thức dậy, Thầy Cô bận việc  lên xe chạy đến nhà cô con gái Út lấy đồ đạc bông hoa... Ở nhà một mình, trong lúc chờ hai ông bạn vàng đến đón chở đi dạo phố Little Sài Gòn San José, tôi bưng ly cà phê ra sân trước nhâm nhi, rồi đi bách bộ 1 đoạn ngắn trên con đường vắng trước nhà Thầy. Hai bên đường có những cây phượng tím nở hoa tím ngát. Lần đầu tiên nhìn thấy, tôi ngắm nghía và lấy máy chụp vài tấm hình.
 Lê văn Ngọ, Vinh Hồ, cây phượng tím.
Trên nhiều con đường rợp bóng cây tại San José mà tôi đã đi qua, có nhiều cây phượng tím cao lớn tàn lá sum sê đang nở rộ để chào đón mùa Hè đã tạo nét trữ tình lãng mạn cho thành phố vốn đã thơ mộng.
 
Ngô Cửu, Lê Văn Ngọ và cây hoa phượng tím.
Có lẽ nhờ sống trong 1 thành phố trầm mặc êm đềm, có khí hậu mát mẽ, có hoa vàng mùa Xuân, có phượng tím mùa Hè, có mái chùa cong cong núp bóng dưới tàn cây mà Thầy Nguyên Ngộ và Cô Hà đã phát tâm cầu đạo, siêng năng đi chùa, trì chí tụng niệm và đã làm nhiều thơ Phật thơ Thiền.
 
Hoa phượng tím.
San José là thành phố lớn nhất ở Bắc CA, lớn thứ 10 ở Mỹ, nằm trong Thung lũng Silicon, thuộc phía Nam Vịnh San Francisco.
 
San José (theo tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là Thánh Giuse) được thành lập năm 1777 là thị trấn đầu tiên của thuộc địa Tây Ban Nha tại vùng Nueva California. Năm 1850 nhận được quy chế tiểu bang, San Jose là thủ phủ đầu tiên của tiểu bang California. Trong thập niên 70, San Jose có nickname là Thủ đô Thung lũng Silicon, có tên chính thức là The City of San José.
 
Người Việt San Jose: có chừng 82.834 người (năm 2000) là thành phố có đông người Mỹ gốc Việt nhất, chiếm 9.2% dân số toàn thành phố. Năm 2007 Viet Museum hoạt động trong Kelley Historic Park. Tháng 11 năm 2007, Hội đồng thành phố San Jose bỏ phiếu tán thành khu phố dành cho công đồng người Việt trên đường Story với tên là "Saigon Business District". Nhưng cộng đồng người Việt tại đây đã biểu tình phản đối danh xưng này, sau 1 năm đấu tranh, năm 2008, Hội đồng thành phố San Jose chấp thuận danh xưng "Little Saigon". Đến năm 2011, khánh thành Bia Đá Little Saigon San Jose.
 
Khí hậu San Jose mát mẻ gần như Đà Lạt, có trên 300 ngày nắng trong 1 năm được bao quanh 3 mặt là núi nên ít mưa, lượng mưa trung bình hằng năm chỉ bằng 1/3 so với các nơi khác trong vùng Vịnh. Ngồi trên máy bay nhìn xuống thấy núi đồi trùng điệp. Sông thì vắng bóng. Chỉ có 1 con suối (khô) chạy dài xuyên qua thành phố. Hồ nước rất hiếm, đếm trên đầu ngón tay. Tuy nhiên có dăm ba hồ có bề dài từ 2 đến 6 miles nằm trên vùng núi đồi hoang dã xa thành phố. Mùa xuân hoa cỏ nở vàng trên sườn đồi, nên người Việt đã đặt tên cho San Jose là "Thung Lũng Hoa Vàng".
 
San Jose còn có tên là "Thung lũng Silicon" vì là nơi tập trung các đại bản doanh của các công ty lớn nhất thế giới về kỹ nghệ điện tử như Google, Apple, Oracle, Adobe, Facebook, IBM, Intel, AMD, Sun Microsystem, Oracle, Cisco, eBay, Yahoo, v.v...
 
Ở San Jose đông nhất là người da trắng, kế đến là người châu Á. Trong số người châu Á: Việt Nam đông nhất rồi mới đến Trung Quốc, Philippines, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Campuchia, Thái Lan, Pakistan, Lào.  Có 33% người nói tiếng Tây Ban Nha mà đông nhất là người Mexico.
 
7. Little Saigon San Jose:
San Jose là thành phố đa sắc tộc, mà cộng đồng người Việt đông nhất trong số các cộng đồng người Á châu như Tàu, Phi, Nhật... Văn hóa ẩm thực San Jose theo từng cộng đồng, nếu muốn ăn món Tàu thì tới China Town, món Nhật thì đến Japan Town, món Tây thì đến các nhà hàng Ý, Pháp…
Little Saigon San Jose là khu vực thương mại Người Việt gồm các malls, cửa hàng, nhà hàng...  nằm dọc theo đường STORY. Năm 2007, nghị viên thành phố chấp thuận đặt tên là Vietnamese Business District - Khu Thương Mại Việt Nam cho đoạn đường Story từ McLaughlin đến Senter Rd, năm 2008, chấp thuận đổi tên là "Little Saigon". Năm 2013 trên hai xa lộ 101 và 280 đều có bảng chỉ dẫn Exit ra "Little Saigon".
 
a. Trung tâm thương mại Lion Plaza: tọa lạc tại góc đường Tully Rd. và S. King Rd. với siêu thị Lion và các hàng quán Việt Nam chung quanh.
Lion Plaza
Cuối tuần người Việt thường tập trung tại Khu Lion Plaza có nhiều món ăn thuần túy Việt Nam như: Phở, bún việt, cơm tấm, cơm mặn, cơm chay, bánh mì thịt nguội, bánh bao (mặn, lạc)… Mỗi ngày đều có người ngồi quây quần quanh một bàn cờ tướng, có ít nhất là 3 đến 10 bàn cờ được bày ra tranh tài. Có nhiều vị cao niên ở nhà buồn ra đây đọc báo, đánh cờ hay coi đánh cờ. Lion Plaza là một trung tâm thương mại của người Việt có sớm nhất tại thành phố San Jose. Lion Plaza có nhiều cửa hàng bán áo quần, gift, băng đĩa nhạc, nhiều restaurant và một Lion Supermarket với đủ các loại thực phẩm Á Châu.
 
Khúc đường Tully Road: từ tiệm Bún Bò Huế An Nam 2 đến đường South King Road dài không quá 500m mà đã thấy chợ búa, nhà hàng, tiệm cà phê... nằm dày tréo ở cả 2 bên đường, có thể kể ra là:
-Huong Lan Sandwich, Pho Bang, Tully Market, Tully Market, Bon Mua Restaurant, Dai Loi Bakery, Pho Ga Ho Hoan Kiem, Han Kee 2 Restaurant, Long Phung Sandwich & Food, Bánh Bao Kim Lợi, Com Tam Thien Huong, Pho 90 Degree.
-Bánh Cuốn Bắc Ninh, The Vape Cafe, Pho Huot Noodle House Corporation, Em Quyen Cafe, Pho Hoa Noodle Soup, Nha Trang Restaurant, Kim Loi Banh Bao, Quan Hue Restaurant, Lion Supermarket, Quyen Coffee Shop, Le Goi Tien Le, Da Thao Cafe,  Nam Thanh Restaurant, Pho Ga Nha, Banh canh 3 mien, Thuy Em Cafe, Dong Thuong Tofu, Cháo Vịt Thanh Đa, Cơm Tấm Đạt Thành, Ánh Hồng Restaurant (có Bò 7 món với 7 cách chế biến khác nhau:  bò nhúng dấm, bò nướng lá cách, bò mỡ chày nướng, bò sa tế, bò bít tết, chả đùm, cháo bò).
 
 Xa hơn trên Tully Road qua khỏi đường King Rd có Huong Lan Sandwich...
 Không xa Trung tâm thương mại Lion Plaza có:
-Phở Tàu Bay trên đường Hostetter Road
-Thien Thanh Supermarket trên đường Keyes Street
-Cafe Vietnami trên đường Seacliff way.
-An Dong Tofu, New Van Loi, Nam Vang Restaurant trên đường Alvin Avenue.
-Cao Nguyen Restaurant, Que Huong Fast Food trên đường South King Road.
 -Tiệm Cơm Chay Di Lặc trên đường E. Capitol Express Way.
-Mì La Cay trên đường McKee Rd.
-San Jose Flea Market trên đường Berryessa Rd.
 
b. Grand Century Mall: Tọa lạc tại góc đường Story Rd. và McLaughlin Ave (cách Khu Lion Plaza chưa tới 2 miles). Vào cuối tuần, người Việt thường lui tới để ăn uống, mua sắm. Grand Century Mall là một thương xá lớn nhất nằm trong khu vực thương mại Little Saigon San Jose, với trên trăm cửa hàng buôn bán áo quần thời trang, tiệm vải, tiệm bán quà tặng và các đặc sản từ Việt Nam và các nước Á Châu khác.
Cổng Chính đi vào Grand Century Mall 
Trong Grand Century Mall có một Khu Vực Ăn Uống (Food Court) gồm hàng chục cửa hàng  thức ăn. Lees Sandwiches và nhà hàng Phở Hòa đã thiết lập đầu tiên ở đây. Ngoài ra còn có Paloma Cafe,  Cơm Tam Thien Huong,  Quan Ngon, Huong Duong...
 
c. San Jose Vietnam Town: cách Grand Century Mall chỉ  600 feets cũng nằm trên đường Story Rd  là một phần của Little Saigon San Jose, khánh thành năm 2010 cùng với Japan Town, Korea Town, China Town làm phong phú thêm nền văn hóa đa dang của San Jose. San Jose Vietnam Town có trên 250 gian hàng toàn bộ là của người Việt tọa lạc trên diện tích khoản 20 mẫu tây. Mỗi cửa hàng được thiết kế hiện đại, lôi cuốn hàng ngàn du khách người Việt đến thăm mỗi tuần.
 
d. Khu thương mại Carribbees: trên đường Senter Road giữa xa lộ Capitol Expressway và đường Burke (gần Costco là chợ Senter ở ngã tư hai đường Senter và Lewis) mà người Việt ở đây đặt tên là làng Việt Nam. Mới 7 giờ sáng mà quán cà phê Queen Bakery (còn có tên gọi là cà phê H.O.) đã có khách, nhiều vị cao niên cùng bạn bè hẹn nhau ra đây. Ngoài hành lang có đăt những chiếc ghế bằng sắt dài theo lối đi. Mọi đề tài, tin tức từ nhỏ đến lớn, từ quốc nội đến quốc tế đều được đem ra bàn cãi ở đây. Trên đường Senter Rd còn có các tiệm: Bánh cuốn Tây Hồ, May Hong Restaurant, Venus Bistro Cafe, Gio Hoe May Café.
 
e. Phương tiện giao thông thông công:
 Rời San Jose du khách chắc không quên: Cà phê Cánh Diều, Cheo Leo, Quyên, Lú, Dĩ Vãng... Để du khách di chuyển, tại San Jose có các  phương tiện giao thông công cộng như:
DASH - Downtown Area Shuttle (Hệ thống chuyên chở miễn phí phục vụ khu trung tâm thành phố.
VTA - Santa Clara Valley Transportation Authority: Hệ thống xe lửa và xe buýt phục vụ vùng Thung lũng Santa Clara
CALTrain - California Train - Hệ thống xe lửa nối liền San Jose và San Francisco.
 
 
-San Jose Municipal Rose Garden:Nằm trên Naglee Ave., San Jose.
Vườn hồng có cả ngàn bông đủ màu, từ hồng nhạt đến đỏ đậm, tứ trắng đến vàng,...

 -San Jose Heritage Rose Garden:Parking Lot nằm trên Seymour St, San Jose: Vườn hồng có hàng ngàn loại hồng khác nhau.
 
-Japanese Friendship Garden:Nằm trên Senter Rd, San Jose.
Khu vườn tĩnh mịch nằm giữa trung tâm thành phố, bài trí theo kiểu Nhật Bản.
 
-Alum Rock Park: Nằm trên Alum Rock Ave, San Jose.
Đây là một trong những công viên xưa nhất của California. Tọa lạc trong khu Alum Rock Canyon dưới chân núi của dãy Diablo Mountain Range, là nơi có nhiều cảnh thiên nhiên tươi đẹp.
 
-Winchester Mystery House:Nằm trên Winchester Blvd, San Jose.
Ngôi nhà với những lối đi bí ẩn làm ta có thể bị lạc, không tìm được lối ra. Truyền thuyết về những bóng ma ám ảnh tòa biệt thự này với những kiến trúc lạ thường bên trong sẽ đưa ta vào  thế giới  hoang tưởng. Bên cạnh, một phòng triển lãm các loại súng trường, súng lục của các tay cao bồi thời Viễn Tây.
 
-San Jose Flea Market:Nằm trên Berryessa Rd, San Jose.
Khu chợ trời nổi tiếng với tất cả các mặt hàng "thượng vàng, hạ cám".
 
-The Tech Museum of Innovation: Nằm trên South Market Street, San Jose.
Ở đây được thấy sự tiến bộ của công nghệ hiện đại với các phát minh phục vụ cuộc sống con người.
 
-Rosicrucian Egyptian Museum & Planetarium:Nằm trên Park Ave, San Jose.
Viện bảo tàng với các di vật cổ Ai Cập.
 
Đến San José, du khách không quên vếng thăm nhiều thắng cảnh tại thành phố kế cận San Francisco. Từ trung tâm San Jose đến thành phố San Francisco chỉ có  55 miles.
 
Từ trung tâm San Jose đến Golden Gate Bridge 56.5 miles.
Từ trung tâm San Jose đến San Francisco International Airport 35 miles.
 
9. THẮNG CẢNH  TẠI SAN FRANCISCO
 
-Golden Gate Bridge:Cây cầu nổi tiếng này chính thức khởi công xây dựng từ năm 1933, và hoàn tất vào năm 1937, bằng thép bắt ngang qua cửa biển của vịnh San Francisco, sơn màu đỏ, trở thành một biểu tượng của nước Mỹ, và là một trong những kỳ quan của thế giới.
 
Cầu có 6 lanes. Hai sợi dây cáp treo trên hai trụ có hình 2 chiếc võng ẩn hiện trong sương khói xa trông rất thơ mộng, tới gần to bằng cái thùng phi. Tổng cộng chiều dài cầu: 1.7 miles (2.7 km).
 
Bờ phía Nam cầu có South Vista Point.
Bờ phía Bắc cầu có North Vista Pont.
 
-Golden Gate Park:Khu Vườn Nhật Bản (Japanese Tea Garden) trong công viên này có lẽ là nơi được nhiều du khách ghé thăm hơn hết với những cây cảnh và kiến trúc xứ Phù Tang.
 
-Fisherman's Wharf và Pier 39:Đây là nơi tập trung du khách nhất với nhiều hàng quán bán đồ ăn, đồ lưu niệm. Đáp một chuyến tàu đi quanh vịnh San Francisco.
 
-The Trolley Cable Car:
Chỉ có ở San Francisco là đi xe trolley được kéo đi bằng dây cáp dưới lòng đường. Ghé Cable Car Museum để xem tận mắt hệ thống dây cáp ngầm đang vận chuyển, và lịch sử của hệ thống chuyên chở công cộng này.
 
-Lombard Street:Con đường nổi tiếng với tám khúc quanh ngắn trên con dốc 40 độ dẫn du khách trở về thời hồng hoang: một khu rừng nguyên sinh với những cây đại cổ thụ 4000 năm tuổi cao ngút trời.  
 
10. GẶP LẠI HAI NGƯỜI BẠN VÀNG:
Hai người bạn vàng đã từng chiến đấu chết sống cùng tôi trong thời quân ngũ trước 1975, nghe tin bạn mình đến San Jose đã lấy xe chạy đến nhà Thầy Ngô sáng Thứ Sáu để chở bạn đi dạo thành phố hoa phượng tím - San Jose. Cả hai chiến hữu này đã từng chiến đấu hiên ngang mình đầy thương tích, đó là anh Ngô Cửu dân Sài Gòn và anh Lê Văn Ngọ quê Vũng Tàu. Anh NC thì đã đến Orlando thăm tôi 10 năm trước, còn anh LVN thì sau 44 năm tôi mới gặp lại anh. Hai anh còn khỏe mạnh nhưng nét phong trần nắng mưa ngày nào vẫn chưa bôi xóa. Anh NC đãi chúng tôi cà phê sáng tại Paloma Cafe trên đường Story Road trong khu Grand Century Shopping Mall, rồi đưa chúng tôi đến tiệm Bún Bò Huế An Nam trên đường Tully Road đãi tiếp.
 Lê Văn Ngọ, Lê Phi Ô, Ngô Cửu, Nguyễn Thiếu Nhẫn.
Một giờ trưa, anh Ngô Cửu còn đưa chúng tôi về nhà mời ăn cơm trưa uống rượu ngâm thuốc bắc đại bổ. Tôi có dịp thăm hỏi chị Cửu bịnh nặng trong tháng trước phải vào bệnh viện nay đã khá nhiều. Chúng tôi ba người cựu binh ngồi lai rai/ trò chuyện, kể lại khúc phim đời lính gian truân chiến đấu trên các chiến trường nghiệt ngã từ Bình Long đến Long Khánh, Bình Tuy, Xuyên Mộc. Sau Tháng Tư Đen 1975 vào tù khổ sai của cs, rồi qua Mỹ diện HO. Đó là anh NC. Còn anh LVN thì đã có 1 lần bị thương rất nặng ở chiến trường Núi Nhọn-Sông Rai, Bà Rịa. Sau 1975 đã liều mạng dẫn cả gia đình vợ con (chục người) vượt biển Đông qua Mỹ. Anh cho xem hình cả nhà định cư tại thủ phủ của CA,  trông ai cũng xinh đẹp. Anh mua đất làm chủ Farm có tới 60 cái greenhouse, trồng rau cải cung cấp cho hai thành phố San Jose và Sacramento - thủ phủ xinh đẹp của CA (nằm bên dòng sông Sacramento River and American River đổ ra Vịnh Sunsul Bay thông với vịnh San Francisco Bay) là quê hương thứ hai của anh.  Từ Sacramento đến San Jose xa 120 miles, nhưng anh vẫn lái xe đến, ở lại hai ngày đêm để gặp gỡ bạn bè và còn mong muốn mỗi năm gặp nhau 1 lần. Tình bạn, tình chiến hữu cao quý mà hai anh còn ôm ấp giữ mãi tới bây giờ đã làm cho tôi thật sự cảm động, bấy nhiêu đó cũng đã làm cho chuyến đi San Jose của tôi có ý nghĩa. Chúng tôi còn gặp lại nhau suốt buổi trưa ngày Chủ Nhật trong buổi Ra Mắt Sách và buổi tối yến tiệc tại nhà Thầy Ngô. Xin cám ơn hai anh đã dành cho bạn cũ tình cảm nồng hậu. Xin chúc hai anh và gia đình an khang.
 
(còn tiếp)