Friday, June 17, 2016


HOME 
 

NINH HÒA QUÊ EM 

     Họa nguyên vận bài thơ lục bát "Xuân Hòa Quê Em"
của cụ Ðỗ Quyên làng Xuân Hòa, thân phụ của Anh Đỗ Trọng Quý (CA) 
đã đăng trên www.Ninh-Hòa.Com.

 

Nguồn: NET

 Quê em chất phác, hiền lành
Sông Dinh trong trẻo chảy quanh các làng...
Thương sao những chuyến đò ngang!
Vẫn chờ em mỗi chiều tan trường chiều...
Thương sao những gánh cá tươi!
Những xe lam nặng, người vui dọc đường!
Tháng Năm phe phẩy nam non
Tháng Bảy nam rút... trăng tròn sáng soi
Tháng Mười bão lụt đen trời
Bắt con cá lúi nhớ người tình chung
Chiều chiều lên Vọng Phu trông
Mong người khang kiện, mong xuân thái bình *

Quê em từ mấy trăm năm
Chứng nhân bao cuộc chiến tranh lan tràn
Mồ hoang mã phế bên đàng
Xương khô chật bãi, khăn tang trắng đầu
Thái Khang cờ xí giục sầu
Bình Khang ngựa hí đục ngầu bến mưa
Cô thôn vẳng tiếng gà trưa
Cầu tre vọng tiếng chuông chùa xa xa
Ðoàn quân đi lạnh cắt da *
Nhưng hồn còn tưởng cây cà cây bông
Còn mơ hình bóng bên sân
Còn thương dây mướp rối quăn trên giàn
Ðoàn quân đi trong im lìm *
Nhưng hồn còn vọng tiếng em thơ đùa...

Miền Nam nắng đẹp, mưa thưa
Ðã yêu từ thuở trăng xưa Hồng Bàng
Hồn Nhân chủ, Hội đình làng
Nước non ngàn dặm mai vàng rợp Xuân.

VINH HỒ

 
 -Năm 1653 Chúa Nguyễn Phúc Tần sai quan cai cơ là Hùng Lộc đem quân vượt đèo vượt núi Thạch Bi (Ðèo Cả) chiếm đất Chiêm Thành đến tận Phan Rang... lập phủ Thái Khang (tức huyện Ninh Hòa ngày nay) trực thuộc dinh Thái Khang, đến năm 1692 Chúa Nguyễn Phúc Chu đổi thành phủ Bình Khang trực thuộc dinh Binh Khang.
Thái Khang, Bình Khang, Ninh Hòa cùng có nghĩa là Khỏe Mạnh, Thái Bình, Yên ổn, đó là ước mơ của Tổ Tiên chúng ta khi mới đến định cư 350 năm về trước và cũng là ước mơ của chúng ta bây giờ.

-Năm 1692 Chúa Nguyễn sai cai cơ Nguyễn Hữu Cảnh đem quân đi đánh chiếm phần đất còn lại là Bình Thuận của Chiêm Thành được thăng Chưởng cơ Trấn thủ Bình Khang, tức Ninh Hòa ngày nay.

-Năm 1699, Chúa Nguyễn phong Nuyễn Hữu Cảnh làm thống binh đem quân thủy bộ từ dinh Bình Khang đi đánh Chân Lạp chiếm được Nam Vang.

HOME 
 
CÁC VĂN THI SĨ
VIẾT VỀ THƠ-VĂN VINH HỒ
Hình ảnh minh họa trích từ NET

Ban Biên Tập Trang Hai Bờ Giấy
(Tổng Hợp và Giới Thiệu)

Giới thiệu tác giả Vinh Hồ:
Nguồn:
http://haibogiay.net/index.php?nv=gioithieu&op=Ban-Bien-Tap/CHU-DE-GIOI-THIEU-TAC-GIA-KY-IV-VINH-HO-BBT-30


Chân dung Vinh Hồ

Tổng Quát:
Chủ đề kỳ IV, BBT trân trọng Giới thiệu nhà thơ Vinh Hồ.
Xin mượn vài nhận xét sau, gợi lên mấy nét  tổng quát về nhà thơ quê quán Khánh Hỏa này:
 -“Vinh Hồ đã đến với thơ từ những năm cuối thập niên 60. Chẳng những làm thơ, anh còn viết truyện ngắn… Vinh Hồ thường làm thơ về Tình Yêu, Quê Hương, Gia Đình, Bằng Hữu, Chiến Tranh, Tù Đày, Lưu Vong và Thân Phận… Thơ Vinh Hồ có nhiều thể loại, nhưng thể thơ Đường luật vẫn chiếm đa số. Tiếng thơ của Vinh Hồ là tiếng thơ thuần hậu, chất phác, chân thành. Vinh Hồ có cái nhìn rất đôn hậu, dùng ngôn từ rất trong sáng, giản dị nên người đọc dễ cảm thông với anh.” .

Nhà thơ Hoa Văn (Boston, USA) trích Thư tháng 2/2004.
 -“Được biết  Vinh Hồ (vô hình) bắt đầu viết từ năm 1965, và 2 truyện ngắn đầu tiên của ông được chọn đăng trên mục truyện ngắn chọn lọc của báo Dân Quyền. Từ năm 1968, ông đã có thơ đăng trên Tạp chí Văn thời còn trong nước. Hiện Vinh Hồ có thơ đăng rải rác trên các tạp chí văn học hải ngoại như Văn, Tuyển Tập 2, Tiếng thơ hải ngoại 1998, Tuyển tập VAALA/FL và một số báo chí khắp nước Mỹ….” .

Ban Biên Tập Văn Nghệ Ngàn Phương.
-“…Chi hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ Florida (VAALA) đã tổ chức buổi ra mắt tập thơ đầu tay của nhà thơ Vinh Hồ tại nhà hàng Sài Gòn, Orlando vào tối 24/7/1999.
   Qua phần trình bày diễn ngâm một số tác phẩm Vinh Hồ, người tham dự có thể nhìn thấy nét đặc thù trong thơ của một người sinh trưởng tại chân núi Vọng Phu trông ra vùng biển Hòn Khói và với những lời thơ chân chất tình quê hương xuất phát mãnh liệt tự tâm tư tác giả. Như lời thổ lộ của chính tác giả: “…thơ không phải là đám mây lơ lửng trên dòng đời mà chính dòng đời đó. Thơ đâm rễ từ thực tại, nở hoa từ thực tại và giải thoát từ thực tại…”. Với chiều hướng ấy, tác giả đã tự tìm cho mình một sắc thái riêng biệt, đó là sự diễn tả cảm xúc trước tất cả mọi hình ảnh quanh mình bằng hình thức  tương phản giữa những bài Đường thi xuất hiện bên cạnh những dòng thơ mới. Chính những tương phản này tạo ra một Vinh Hồ riêng biệt mà theo danh từ của Du Tử Lê là “tấm thẻ nhận dạng Vinh Hồ…”.

Florida Việt Báo số tháng 9/1999 (trích bài “Chi hội VAALA
ra mắt “Thơ Vinh Hồ”).

I.Sơ Lược Tiểu sử, Quá Trình Tham Gia Sinh hoạt VHNT:
Vinh Hồ tên thật Hồ Văn Thinh, sinh 1948 tại làng Điềm Tịnh, Ninh Hòa, Khánh Hòa.
Bút hiệu khác: Phạm Ninh Hòa, Tú Trinh, Hồ Tịnh Vinh Điềm.
Qua Mỹ năm 1995, định cư tại Orlando.
-1967 lập thi văn đàn Tiếng Vọng tại xóm Cầu Gỗ, Ninh Hòa.
-1989 cùng các thi hữu lập nhóm thơ Bát Tiên tại làng

Điềm Tịnh, Ninh Hòa.
-1997 hội viên Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ/ Chi Hội FLorida.
-1999: hội viên Hội Thơ Tài Tử Việt Nam Hải Ngoại.
-2000 hội viên Văn Bút VNHN/ Florida & ĐNHK (hiện là đương kim chủ tịch phân hội  Văn Bút/VN HN/Đông Nam Hoa Kỳ BBT. Ghi chú).
-2009 cùng các văn/thi hữu lập Hội Văn Nghệ Tự Do.
-1965 có 2 truyện ngắn đầu tiên được chọn đăng trên báo Dân Quyền mục “Truyện Ngắn Chọn Lọc” với tiền thưởng $300.
-1968  Tạp chí văn học Văn đăng bài thơ đầu tay của Vinh Hồ.
-1996 Giải đồng hạng Cuộc Thi Thơ của Thi Đàn Lạc Việt

tại CA, Hoa Kỳ.
-Hiện có thơ/văn đăng trên 20 tờ báo + 10 trang Web, cùng nhiều tuyển tập, đặc san tại hải ngoại.
-Có trên 50 bài thơ được các nhạc sĩ Linh Phương, LMST, Vĩnh Điện, Huỳnh Trọng Tâm, Cung Đàn, Nguyễn Kim Loan phổ nhạc, có nhiều nhạc phẩm được các ca sĩ trình bày.
-Có tên trong bộ sách “Tác Giả Việt Nam 1905-2005” của Nhà văn Lê Bảo Hoàng tại Canada.
-Tác phẩm đã xuất bản:
-Ngàn Hương, thơ, 1994 (chung với Điềm Ca).
-Thơ Vinh Hồ, thơ, 1999.
-Mưa Nguồn, Trầm Tích, Chim và Rêu, thơ, 2003

(chung với 2 tác giả).
-Bên Này Biển Muộn, thơ, 2005.
-Tác phẩm sắp xuất bản Hè 2015: “Quê Hương Ninh Hòa” biên khảo (in chung với 5 tác giả).

II.Sáng Tác Đầu Tay:
Bài thơ:
Cõi Về Âm U
Năm mươi tượng đá buồn
Những đôi mắt ngủ mê
Về đâu bờ bến?
Tương lai mịt mờ

Ngày trước
Ta bước lên
Một nấc thang gãy đổ
Một khúc nhạc buồn

Cõi về âm u
Cõi về khói sương
Những linh hồn
Đui mù và ảo ảnh

Ta cành đông vời vợi
Ta biển sáng mù mưa
Con chim bay mất hút
Về đâu thăm thẳm mơ hồ?

Ta âm thầm nỗi chết
Ta chờ đợi ngày qua
Mười ngón tay củi mục
Giơ lên bầu trời xa

Lời ai vừa hát?
Linh hồn rách nát
Trái tim đói khát
Tình vẫn tha ma

Đời như cây sầu đông
Trơ phận người khô héo
Ta như chim lìa rừng
Còn vang lời ảo não

Người như thuyền xa sông
Còn để hồn gió bão
Ta như mây phiêu bồng
Nghìn năm còn ngó lại.
Vinh Hồ
1968
Ghi chú: Bài thơ này đã được nhạc sĩ Vĩnh Điện phổ nhạc, tải tại: link:
http://www.ninh-hoa.com/vh-Nhac-CoiVe.ht
III.Sáng Tác Mới Nhất:

(Giới thiệu 3 bài)
Bão Tuyết
Tặng các văn thi hữu vùng bão tuyết.
Cả một vùng non thẳm nước khơi,

Đắm chìm trong bão tuyết tơi bời.
Máy bay nằm ụ trời mờ mịt,
Phố xá thu mình bóng cút côi.
Gió thổi buốt xương rừng trụi lá,
Tuyết vun đầy đất suối im hơi.
Đêm dài, lữ khách nhà không có,
Rít điếu thuốc tàn nhìn tuyết rơi…
Vinh Hồ
28/1/15

Vịnh Con Dê
Thơ tếu
Ngôi trời lại phó thác “ba lăm”
Thời thế nhiễu nhương quả oái oăm!
Đầu mễnh, chân cheo đi chậm chậm,
Mình lừa, cổ ngựa ngó đăm đăm.
Việc triều bỏ phế râu cong quặp,
Chuyện đó thì hay mặt cúi gầm.
Ngựa chiến về vườn để triển lãm,
Dê xồm ra trận có chơi khăm?
Vinh Hồ
4/1/15
Như Trái Tim Yêu
Có thể, không thể, một trời cách biệt
Chẳng khác tri, hành, mấy biển ngăn chia?
Hai con đường mờ mịt giữa đêm khuya
Có gặp gỡ ở tít mù vô tận?

Tôi yêu em nhưng đời còn lận đận
Có thể nào em hiểu được trái tim?
Đi bên em vẫn lặng lẽ im lìm
Khi tiễn biệt mới hay sầu mấy bệ?

Tri và hành, có thể và không thể
Vẫn muôn đời đứng vắt vẻo hai phương
Biết bao giờ hết đối đãi sầu vương
Trở thành một như vòng tròn viên mãn.
Như trái tim chỉ biết yêu chiều sáng…
Yêu một lần là mãi mãi thiên thu.
Vinh Hồ
25/2/13
IV. Sáng tác Đắc ý nhất:
-Về Thơ
Sầu Tôi

Sầu tôi lửa nhoáng bên rừng
Một vầng nguyệt bạch soi từng bước chân
Sầu tôi tuyết đổ trên sông
Một bầy hải cẩu ngẩng trông phong hàn

Sầu tôi ngọn sóng bàng hoàng
Thuyền lênh đênh ván, cảng hoang vu người?
Về đâu em giữa cuộc chơi?
Tìm đâu em giữa một đời lặng căm?
Về đâu em tuyệt tích tăm?
Tìm đâu em biệt bắc băng dương sầu?
Hai mươi năm bạc mái đầu
Hai mươi năm bạc phếch màu thời gian
Sầu tôi đèn thắp, canh tàn
Sầu tôi chiêng trống hai hàng tương tư.
VINH HỒ
10/17/03

Tháng Hai
1.
Như sáng nào đi dưới rặng đào
Tháng Hai trời ngọc. Nắng ôi chao!
Nắng xuyên kẽ lá non mơn mởn
Nắng sấy chùm hoa nhỏ ngọt ngào
Nắng cứ long lanh màu mắt gởi
Nắng như xao xuyến nụ hôn trao
Khi hay chim khướu say sưa hót
Nắng đậu, tình đan, biển dạt dào.
2.
Tháng Hai trời đẹp quá! Như thêu
Tu hú bên sông ra rả kêu...
Đồng trống bò ù rong trững cái
Trời cao nồm rót vút cao diều
Hoa cau nở ngát hoa xoài ngợp
Gốc rạ cháy đen gốc cỏ khêu
Đứng sững! Hòn Hèo xanh tựa mực
Bóng chiều gội gội, nắng phiêu phiêu...
3.
Đến bến Bà Đa nắng muốn chiều
Tháng Hai sông Lốt nước trong veo
Dưới sông cát bãi lên biền chéo
Trên đất dưa bầu đãi ngọn leo
Oùng ánh đậu xanh gương lí rí
Rung rinh cà tím trái đu đeo
Xa lâu về lại quê mình đó!
Vẫn mái tranh xưa đứng lạnh nghèo.


Tứ Tuyệt Chị Về:

1. NINH HÒA
Mai chị về thăm quê tháng Chạp
Lên đèo Bánh Ít bấc u u ...
Mưa phùn thổi tạt qua Hòn Lớn
Ắt thấy tình em: đỉnh Vọng Phu

2. VẠN GIÃ
Chị có về thăm quê Vạn Giã
Xuống ga “Không Thật” lòng bâng khuâng
Qua Tu Oa nhớ mưa Đồng Cọ
Chợt nhớ tình ta đêm ấy ... Xuân!

3. NHA TRANG
Chị nhớ về thăm phố biển em
Quê hương của cát trắng môi mềm
Thiên đường của những tình thơ dại
Vạn dặm còn mang theo trái tim.

4. DIÊN KHÁNH
Chị chắc về thăm sông Cái xưa?
Thuyền nan ngược gió vượt rừng dừa
Qua Thành thuyền cặp vào Thanh Lệ
Bến nước ngày yêu nhau dưới mưa!

5.
CAM RANH
Ngập tràn ký ức xanh: Cam Ranh
Vàng rộm tình em: trái trĩu cành!
Ngọt lịm hồn em: đôi mắt chị!
Xuân về bán đảo sóng long lanh...

6. PHỤC SINH
Chị ơi! ngàn quả đời cay đắng
Bỗng hóa bồ đào rực cháy tim
Tình đã phục sinh trong ngục địa
Và Xuân cũng gõ cửa Thiên đường.

Vinh Hồ

Về Văn: Giới thiệu 2 bài biên khảo tâm huyết:
-Chùa Thiên Bửu Thượng Link:
http://haibogiay.net/thovan/Vinh-Ho/Bai-Bien-Khao-1-126/
- Ninh Hòa Sông Ngòi
Link -
http://haibogiay.net/thovan/Vinh-Ho/Bien-Khao-VH-2-127/
V. Các Bài Viết về Vinh Hồ và Tác Phẩm:
-Trần Minh Hiền (nhà thơ/văn/ biên khảo/ dịch thuật); Du Tử Lê (nhà thơ); Trần Hoài Thư (nhà văn/thơ):
Link:
http://haibogiay.net/gioithieu/Ban-Bien-Tap/3-Tac-Gia-viet-ve-Tac-Gia-Tac-Pham-Vinh-Ho-29/
-Mai Quang:
Link: 
http://haibogiay.net/thovan/Mai-Quang/Trich-Doc-7-Cap-Ket-cu-130/
VII. Sách Đã Xuất Bản
:
-Bên Này Biển Muộn


-Thơ Vinh Hồ

-Mưa Nguồn-Trầm Tích- Chim và Rêu

(chung với 2 tác giả)

-Ngàn Hương (chung với Điềm Ca)

Ban Biên Tập Trang Hai Bờ Giấy
(Tổng Hợp và Giới Thiệu)
Bên Này Biển Muộn
Kết Thơ Họa Tình

Bài viết của Vịnh Thanh

Tác giả không là thi hào ôm ấp bầu rượu quý say sưa rao bán vũ trụ trăng sao trang điểm nét đẹp kiều diễm của hằng nga.  Tác giả cũng không là thi sĩ lạc bước vào thung lũng tình yêu mãi mơ duyên tình thơ mộng đắm đuối quên cả lối về.  Thi phong của tác giả man mác phảng phất vóc dáng tao nhân thong thả chuyển tâm ươm tơ từ kết sợi ngữ trên ghe thi thơ để đưa đón hương sắc tình tự nhân hậu trên dòng sông văn chương đa dạng.  Ấn hiện đó đây sâu đậm được gởi gấm trong hồn thơ là hình ảnh thanh nhã của vị khách lữ hành trầm tĩnh trên lối sống phất phơ cát bụi trần ai để ưu ái đi tìm tình tự cuộc đời.
*   *   *

 
 
 
 


Thơ có nhiều thể loại từ phép Đường luật, song thất lục bát đến phá luật, thể tự do nhưng thơ hay tùy thuộc hoàn toàn vào ý tứ và phong cách kết từ cấu tạo âm hưởng.  Thơ càng cô động đòi hỏi ý tứ càng đặc sắc.  Ý tứ hay thì người đọc có thể bỏ qua sai cách thể loại nhưng thơ họa đúng phép mà khiếm khuyết ý tứ diễn đạt hài hòa thì khó đưa đẩy người đọc vào thế giới tình tự của thi nhân.   Có nhà bình luận thơ gọp chung ý tứ thành tình cảm chính và gọi cách chọn từ diễn đạt là phong cách.  Có nhà bình luận thi ca phân chia rõ ràng giữa ý và khái niệm “tứ thơ” để phân tích “cấu tứ” hay “siêu cấu tứ,” v.v. Tôi nhận thấy thả hồn thưởng thức thi cú nghiền ngẫm ý tứ gần gũi với sự cảm khái thanh nhã hơn.
Ý tứ là linh hồn huyền diệu của thơ, thi cú (câu thơ) là chiếc thuyền kết từ họa ngữ đưa thi ý lơ lửng trên dòng sông văn chương đa dạng đến bến tâm hồn của độc giả tạo ra các rung động âm giai tuyệt diệu.  Sáng tác là nổ lực đặc biệt riêng rẽ của tao nhân;  có vị chăm chú kỷ lưỡng đến vần, điệu, luật, từng dấu chấm dấu phẩy nhưng có vị chỉ thả tâm theo tình tự riêng biệt một cách tự do vô bờ bến cho nên có thể lạc bước ra ngoài  khung lồng quy luật thể loại.  Dó đó thưởng lãm thơ theo thiển ý của tôi là cảm thông lĩnh hội thi ý đặc sắc của tác giả và chính lối chọn từ kết ngữ cầu kỳ hay thanh thoát thu hút độc giả vào khu vườn tình cảm dạt dào của tao nhân.
Thưởng thức âm giai thi thơ hình như tùy thuộc vào sự rung động đáy tim, cảm khái tâm tư hay đồng thanh hợp ý của độc giả vốn bị chi phối sâu đậm bởi hoàn cảnh cuộc sống cũng như quá khứ kinh nghiệm đặc sắc.  Cá nhân tôi chỉ thích đọc thơ khi cảm thấy hoàn toàn thanh thản để có thể tận hưởng được trọn vị ngọt ngào hay chất cay đắng quấn luyến giữa các vần thơ nhằm tránh phụ lòng gởi gắm thi ý của tác giả trong tơ từ sợi chữ đan dệt nên lưới thi thư gợt vớt sắc hương cuộc đời bởi vì nếu không đón đạt diễm ý của tác giả thì khó cảm nhận ẩn tình được ưu ái gởi gấm gói ghém trong các vần thơ.
Nếu tâm tình của thi nhân bị bó buộc trong thế giới vô minh thì độc giả khó đến gần được ẩn dụ tình tự của các vần thơ.  Hạnh phúc là những người may mắn hiểu được thi ý khi thưởng lãm những làn thơ tao nhã.   Gần đây tôi có được một khoảng thời gian và khung cảnh thanh tịnh để lẳng lặng lắng nghe hơi thở của thơ hòa cùng âm giai diễm điệu chứa đựng trong thi tập Bên Này Biển Muộn với hy vọng len lỏi cảm nhận trọn vẹn tâm tình được tác giả gởi gấm trong tơ từ sợi ngữ.
Tác giả Bên Này Biển Muộn không là thi hào ôm ấp bầu rượu quý say sưa rao bán vũ trụ trăng sao trang điểm nét đẹp kiều diễm của hằng nga.  Tác giả cũng không là thi sĩ lạc bước vào thung lũng tình yêu mãi mơ duyên tình thơ mộng đắm đuối quên cả lối về.  Thi phong của tác giả man mác phảng phất vóc dáng tao nhân thong thả chuyển tâm ươm tơ từ kết sợi ngữ trên ghe thi thơ để đưa đón hương sắc tình tự nhân hậu trên dòng sông văn chương đa dạng.
Dòng thơ của tác giả đã được rất nhiều nhà bình phẩm nghiêm luận cho nên tôi tuyệt đối không dám múa rìu qua mắt thợ để đưa ra ý kiến riêng tư.  Song song, tôi cũng chưa bao giờ bàn luận về thơ vì như Bùi Giáng suy nghĩ: “Thơ là cái gì không thể bàn tới, không thể dịch, diễn gì được. Người ta có thể diễn tả một trận mưa rào bằng lời thơ. Thì có lẽ muốn diễn tả một bài thơ, người ta chỉ có thể phát động một trận mưa rào, hoặc một cơn gió thu. Mà muốn thực hiện sự đó, thì ngoài việc làm thơ ra, con người không còn phép gì khác. Thế có nghĩa là: muốn bàn tới thơ, diễn dịch thơ, người ta chỉ có thể làm một bài thơ khác. Người xưa am hiểu sự đó, nên họ chỉ vịnh thơ, chứ không bao giờ điên rồ gì mà luận bàn về thơ. Người đời nay trái lại, họ buộc phải luận thơ có mạch lạc luân lý, không được “bốc đồng” vịnh lăng nhăng.”
Là một độc giả tầm thường thưỡng lãm Bên Này Biển Muộn, tôi không dám bình luận mà chỉ mạo muội cất bước đi tìm chân dung tâm tình ẩn dụ đó đây trong phong thái ươm tơ từ kết sợi ngữ minh họa nét đẹp tuyệt vời của tình tự thanh nhã trên dòng sông văn chương cũng như giây khắc xót xa của bụi đời trần ai.
Tác giả Bên Này Biển Muộn là tao nhân hài hòa biết yêu và đã yêu.  Biết yêu và đã yêu?  Chỉ riêng những tình nhân may mắn đắm đuối với sự phập phòng bất trị của con tim - đôi khi đóng băng buốt giá, đôi khi cuồng nhiệt nóng bỏng - mới tận hưởng được diễm phúc thăng trầm khó tả của tình yêu đôi lứa. Trên đường đời vạn nẻo trần ai, người may mắn biết yêu và đã yêu tự hiểu rằng Yêu là chết một nửa con tim vì mong chờ, vì khẩn cầu, vì chưa được đáp lời, vì trắc trở, vì chưa hợp cẩn, vì rơi lệ ly tán, v.v.... v.v. và vân vân bất tận.  Và có lẽ chỉ biết yêu và đã yêu mới cảm nhận được như tác giả là “Tình yêu em: tuổi dại khờ, Cháy rừng dục vọng, cạn bờ đam mê” (Rừng, Sông Em).
“Em là một nửa trong ta
Nên suốt đời ta không thể
Xa em chỉ một ngày
Xa em đời ta dâu bể”
(Ta Đi Tìm Em)
Có lẽ đúng khi người ta nói tình yêu lứa đôi được ông tơ bà nguyệt xe duyên bằng những sợi chỉ óng ánh đầy hấp lực đam mê sẳn từ kiếp nào ở mãi tận chân trời cao xa vời vợi ngoài tầm nhìn của thế giới nhân loại, ngoài khả năng hiểu biết của loài người, ngoài sự suy đoán hay tính toán của thế gian.
“Hỡi im lặng có cái gì đang đến
Từ kiếp nào, xa xôi lắm, đâu đây?
Trái tim tôi tiếng hát của tình say
Linh hồn tôi tiếng nói của tù đày”
(Từ Kiếp Nào Yêu Em)
Yêu là sự bất ngờ khó diễn tả đưa dẫn trói buộc siết chặt con tim nhưng cũng phảng phất ý muốn tự nguyện của tâm tư điên rồ cố ý xô đẩy sự ngây thơ ngày nào rơi xuống vực thẳm của sự đam mê tình ái.  Con tim thảnh thơi tự do nhiều năm lại bị tù đày mãi mãi bởi song sắt tình yêu say đắm, đôi khi ngọt ngào tuyệt diệu nhưng đôi khi cũng đầy chua chát đắng cay.  Chỉ có thử thách thời gian vạn niên vạn nhật mới chứng minh được sự tinh khiết cao cả và nhịp độ sâu đậm của tình yêu chân thật.
“Bên này biển Đông sầu
nhớ thương mùa Hạ cũ
biển xanh thẳm một màu
gọi mãi người yêu dấu..”
(Bên Này Biển Đông Sầu)
Ưu tư lao đao chờ đợi đếm giây tính phút cộng tháng nhân năm mới thật sự cảm nhận rõ nét được sức cuốn hút cuồn cuộn thiết tha và mãnh liệt của tình yêu da diết ẩn hiện mập mờ trong tâm tư bập bùng lên xuống với thủy triều cao thấp theo nhịp đập của con tim buốt giá lạc loài ở tận mãi góc trời xa xôi nào đó.
“Hai mươi năm rồi hai mươi năm
Ta mõi mòn tìm em âm thầm
Ta oán hờn tìm em tản lạc
Chân trời, góc biển, sóng âm âm...”
(Hai Mươi Năm Tình Sầu)
Tác giả Bên Này Biển Muộn là một lữ khách trên con đường tình ái với hành lý cảm xúc dạt dào “Trăm lá thư màu tím, Viết bằng lời yêu thương, Em gởi ra sa trường, Ép nhành lan tim tím” (Tình Yêu Màu Tím).  Chính hành lý thân thương này đã giúp vơi đi gánh nặng của đời trai “lấy thân làm bia đỡ đạn, ngược suôi sinh tử bao lần” (Gã Khờ).
Cuộc đời thay đổi tàn khốc với cơn lốc khói lửa tháng Tư đốt cháy tình tự lãng mạn, thơ mộng, dễ thương của xã hội miền Nam.  Trong cơn lốc đổi đời, nạn nhân thời cuộc hình như đã vơi hết lệ sầu để khóc cho nước, cho nhà, cho thân nhân và cho số phận mình cho nên có người cứ mãi sửng sờ nhìn đời, nhìn trời và tự hỏi:
“Ngày ấy, anh và tôi
Nơi khu rừng kỷ niệm
Bên dòng sông êm đềm
Anh vẫn thường đêm đếm..
Vì sao nào đổi ngôi?
..
Vì sao nào đổi ngôi?
Ở cuối đời băng giá..”
(Người Thương Binh, Dòng Sông và Khu Rừng)
“Ba mươi năm khói lửa loang mờ
Cửa nát nhà tan lệ đá khô
Sống sót còn người lê cuối phố
Đau thương có kẻ nghẹn bên mồ”
(Mặt Trời Đen)
Phủ trùm lên đất nước là một màu máu tanh rợn của loài ác quỷ rừng rú đánh mất nhân tính để trở thành mũi xung kích phục vụ chủ nghĩa ngoại lai bằng cách thiêu đốt sức sống cùng kiệt chập chờn của dân tộc.  “Hai mươi năm rồi hai mươi năm”.  Tương tự như những người con anh dũng của dân tộc trong bối cảnh lịch sử cận đại, cuộc đời của tác giả là những chuỗi dài gian nan từ chinh chiến đến tù đày rồi lưu vong.
“Ôi! Tôi còn gì nữa
Ngoài vết thương muộn phiền
Sau mười năm binh lửa
Và nghìn đêm bàng hoàng”
(Vết Thương Muộn Phiền)
“Khi tỉnh giấc ác mơ
mồ hôi tôi lạnh toát
thần trí bỗng thẫn thờ
tôi thầm cầu Phật, Chúa
cứu giúp người xa cơ”
(Lời Cầu Thầm Trong Trại)
Người lính VNCH oai dũng ngày nào phải lê lết kiếp sống tù đày trong những trại tập trung nơi rừng thiên nước độc.  Họ trở thành nô lệ tân thời của đỉnh cao trí tuệ Mác-xít thường trực đối diện chết chóc, đói khổ, bệnh tật, buốt rét, kiệt sức, v.v.  Nguời chết uất ức, kẻ kiệt lực khi may mắn sống sót trở về nếu không bị tàn phế thể xác thì cũng bị tổn thương tinh thần và đôi lúc lại gặp cảnh ly tán đau lòng.
“Mai về, em cũng đã ra đi
Tìm mãi một đời vẫn cách ly
Trái tim hoang phế từ chia biệt
Tôi và tôi thế kỷ ai bi.”
(Mai Về)
“Mười hai năm lưu lạc
Tôi trở về phố xưa
Nha Trang buồn heo hắt
Hàng cây đứng bơ phờ
..
Em ra đi phương nào?
Mái hiên xưa đổi chủ
Con đường cũ thay tên
Nỗi sầu tôi cô lữ”
(Trở Về Phố Xưa)
Đau khổ nhất có lẽ là những nạn nhân tàn tật của chiến tranh phải lê lết kiếp sống phế nhân để rồi âm thầm ra đi trong lặng lẽ hiếm người thương kẻ nhớ.  Họ đã cống hiến không những cả cuộc đời trai trẻ cho quê hương mà còn can đảm đem một phần thể xác tác tạo vòng đai trường thành bảo vệ sự tự do vô giá của khối người Việt quốc gia.  Qua cơn bảo máu họ gắng gượng tồn tại bên lề xã hội bị xiềng xích bởi loài quỷ đỏ và bị lãng quên như những gánh nặng tàn tạ cuối đời.
“Tôi lại về xóm nổi
Gặp người thương binh sầu
Đầu bù xù, tóc rối
Đứng dưới trời mưa mau
..
Có về nơi cuối bãi
Nghe tiếng đàn oán than
Hăm lăm năm dầu dãi
Sầu u uất chưa tan.”
(Đàn Oán)
“Đêm nay trời rét căm căm
Bấc thổi đằng đằng
Mặt trời yên ngủ
Nghĩa trang căng huyền
Nhưng người thương binh tật nguyền
Vẫn thao thức với muôn vì sao lấp lánh”
(Anh Vẫn Là Một Con Người)
“Người thương binh đứt lìa hơi thở
Kèn ễnh ương xô động mái lầu
Truy điệu cây nghiêng mình tiễn biệt
Cử tang mưa gạt lệ u sầu”
(Ôi! Người Thương Binh)
Tác giả đã hạ bút trang trọng đơm kết tình người, tình chiến hữu, tình non nước thành vòng hoa chiêu hồn với ánh sáng diệu kỳ của vũ trụ tình thương long lanh “Lời ai than khóc trong mưa gió, Dạ bạc sầu đông đứng héo khô” nghe xót xa sâu đậm cõi lòng, đau thấu suốt tận đáy tâm tư, xoáy nghiến sự xót xa của vạn vạn con tim biết thao thức với tình người lắng đọng suốt chặn đường đời trần ai dài thăm thẳm.
“Mang mang thiên địa hồn thi sử
Mặc mặc trường giang cọc nhọc trơ
Triệu triệu vong linh còn vất vưởng
Nương dâu hạ bạn phải đi về
Ngàn vạn hồn oan không trở lại
Cô phòng ngọn nến cháy vu vơ
Lời ai than khóc trong mưa gió
Dạ bạc sầu đông đứng héo khô”
(Hồn Oán)
Khi xã hội mới của loài ác quỷ rừng rú đánh mất nhân tính để chỉ biết nhìn mọi người với cặp mắt cú vọ thù hằn ý thức hệ thì chọn lựa ly hương trở thành nhu cầu thiết thực của nạn nhân.  Bị bắt buộc xa quê nhà là niềm bất hạnh, nhưng bị đàn áp xua đuổi ra khỏi đất nước bởi loài ác quỷ rừng rú là một thảm trạng khó có thể tưởng tượng nổi.  Sự nhất quyết ra đi của người Việt quốc gia bất chấp cái chết chứng minh tinh thần phản kháng không chỉ chính sách ý thức hệ mà còn luôn cả sự dã man của guồng máy bạo lực mà loài ác quỷ sử dụng để kềm chế nhân dân.  “Tự do lẽ sống người di tản, Nhân bản niềm tin kẻ lữ hành” (Như Đóa Đỗ An).  May mắn là những người vượt thoát thành công và đã đến được bến bờ tự do.
“Đi đâu? tận nửa vòng trái đất
Lang thang như những kẻ không nhà
Con ốc mượn hồn ai nhập xác
Sóng đời gõ mãi những âm xa.”
(Lâu Rồi Tôi Chưa Về)
Ra đi là đánh mất cái gì đó bàn bạt sâu kín trong tâm hồn thật khó diễn tả.  Ít hay nhiều thì những người ly hương cũng còn lưu giữ vài kỷ niệm riêng tư mà khi nhớ đến nếu không rơi lệ trong tâm tư thì cũng chạnh lòng xót xa khoảnh khắc.  “Ngày đi, nhà, chái mưa xô dạt, Nay còn xiêu dột ở trong hồn” (Mùa Xuân Lưu Lạc).
“Người xa tôi xa một biển Đông
Mười năm u tịch hải triều dâng
Bạc đầu lượng sóng vô âm tín
Bờ bến nào đâu giữa cõi trần?”
(Ôi! Thuyền Nhân)
“Chỉ nhớ thương thôi đã xế đời
Chim về biển bắc, núi mù khơi
Trập trùng song vỗ niềm cô tịch
U uất canh tàn lá rụng rơi”
(Hiu Hắt Tình Quê)
Bên Này Biển Muộn hài hòa đan tứ vào ý để thêu dệt những ấn tượng đặc sắc chứa đựng hương vị đậm đà của tình yêu, tình bạn, tình chiến hữu, tình người, tình nước non...  Ấn hiện đó đây sâu đậm được gởi gấm trong hồn thơ là hình ảnh thanh nhã của vị khách lữ hành trầm tĩnh trên lối sống phất phơ cát bụi trần ai để ưu ái đi tìm tình tự cuộc đời.

Tác giả của thi tập Bên Này Biển Muộn đượm tình người là nhà thơ Vinh Hồ Hồ Văn Thinh, một thi nhân hiền hậu từng sáng lập nhóm thơ Tiếng Vọng vào năm 1967 ở Ninh Hòa, sau này khi đi tù cải tạo về lại đồng khởi xướng nhóm thơ Bát Tiên vào năm 1987 và 5 năm sau đã cùng bằng hữu xuất bản tập thơ Ngàn Hương trước khi rời quê cha đất tổ.  Nhà thơ Vinh Hồ hiện giờ là đương kim Chủ Tịch vùng Đông Nam Hoa Kỳ VBVNHN.
Tôi có dịp trà tửu với anh Vinh Hồ suốt Đại Hội VBVNHN kỳ 10 vì chúng tôi lưu nghỉ cùng khách sạn.  Anh rất hòa nhã lại có nghệ sĩ tính đậm đà cho nên đã cùng với VH Thanh Sơn, VH Tuyết Nga gởi rất nhiều nụ cười thoải mái đến cho quý văn thi hữu tham dự Đại Hội 10.
“Vì em tôi vác thập tự đời
Đi giữa mênh mông sa mạc người
Đá chạy cát bay hồn bão nổi
Mưa cuồng sóng dữ tình băng trôi
...
Chiến tranh chẳng giết lòng chung thủy
Tù ngục nào ngăn tiếng sáo diều
Hy vọng vẫn còn trong tuyệt vọng
Và tình em rực sáng tim yêu.”
(Ôi! Thơ)
Các ý tứ dạt dào chứa đựng trong thi tập Bên Này Biển Muộn đưa độc giả lần theo dấu chân của tao nhân qua lối mòn lữ hành quanh co đi tìm tình tự của cuộc đời.  May mắn vô vàn là tác giả Bên Này Biển Muộn đã tìm ra được sự kỳ diệu đặc sắc của tình tự cuộc đời hài hòa trong tình yêu đậm đà dạt dào của nàng thơ khả ái.
Thật hạnh phúc cho thi nhân Vinh Hồ được nàng thơ kiều diễm dệt lụa tình ngữ, đan tơ ái từ khích lệ thi tâm thả lưới cảm xúc nhẹ nhàng gợt vớt hương vị ngọt ngào của cuộc đời để minh họa đặc sắc sự kỳ diệu tuyệt vời trong bức tranh tình tự thanh nhã.  Thật hạnh phúc cho độc giả được thưởng thức những vần thơ trân trọng tình yêu, tình bạn, tình chiến hữu, tình người, tình nước non của một tao nhân thong thả kết thơ họa tình trên dòng sông văn chương đa dạng dâng hạ nhẹ nhàn cao thấp theo từng nhịp đập
kỳ lạ của cuộc đời.
Đa tạ thi sĩ Vinh Hồ đã “ươm tơ thơ dệt sợi ngữ
đan kết lưới thi thơ vớt hương sắc, họa tình đời.”


Vịnh Thanh
Mùa Hoa Anh Đào 2015
Tokyo, Nhật Bản
 
QUÊ TÔI THỊ TRẤN GIỮA ÐÀNG
      Tặng Nguyễn Văn Thành


      Quê tôi thị trấn u buồn
Nằm trơ vơ giữa con đường thiên nan
Người ra Bắc, kẻ vào Nam
Dừng chân uống bát dừa xiêm mát lòng
Người lên Tây, kẻ xuống Ðông
Trái bồ quân chín ngọt lòng xóm quê
Lá chùm ruột gói nem chua
Em tôi còn đứng ngẩn ngơ bên đường
Sông Dinh nước chảy bình thường…
Chảy từ tim Mẹ sắt son một đời
Xiết bao dâu biển đổi dời
Tình quê hương vẫn rạng ngời thiên thu
Từng chiều mây phủ Vọng Phu
Từng Thu em đợi người phiêu du về.

VINH HỒ