Tuesday, April 30, 2019


Tôn tạo Từ đường họ Phạm
Tại làng Xuân Hòa
Hình ảnh: Vinh Hồ:

______________________


Mời xem trên mạng tại link:

http://vinhho11.blogspot.com/search?updated-max=2019-06-16T07:15:00-07:00&max-results=7&start=2&by-date=false



Ngôi Từ Đường gần hai trăm năm 
vẫn đứng vững trước giông bão:




Thờ phượng, trang trí bên trong
 ngôi Từ đường:




Bàn thờ trang nghiêm: đặc biệt bức Hoành Phi rất đẹp có 3 chữ Hán viết kiểu đại tự, 
(thiếu 2 câu đối 2 bên 2 cây cột).

Tấm hình Bà Ngoại hiền lành phúc hậu, sống một cuộc đời từ bi nhân đức thương người.

Tấm hình Ông Cậu Hai rất hiền hậu, thân phụ của ba gái ba trai 
mà trưởng nam là anh năm Phạm Lùn 


Tấm hình Bà Mợ Sáu Sườn - bà Phạm Kỳ (Trung).







Bên trong ngôi từ đường:






Mái ngói nhiều chỗ dột nát.






Bức vách mặt tiền bị xuống cấp. 






Bên ngoài ngôi từ đường:







Bàn thiên, hai cây si, cổng trước, hương lộ chạy ngang, bên kia lộ nhà hàng xóm, kế cận bên phải là nhà anh Sáu Lùn Em, nhà anh Sáu Khương, quán Sáu Khương.

Sân trước: bàn thiên, hai gốc si, giếng nước.



HỘI NGỘ CÙNG CHÚ NGỌC HÙNG 
Tại nhà Đoàn Thuỵ Khoa
Chiều 12/11/2018
Bàn về việc nên tổ chức một buổi họp gia tộc 
để trùng tu ngôi từ đường xuống cấp:

Hội ngộ chú Ngọc Hùng và cô dượng Mười: cùng thống nhất ý kiến nên có 1 cuộc họp gia tộc gồm bà con nội ngoại và tất cả con cái của anh Năm Lùn để bàn về việc có nên trùng tu ngôi từ đường xuống cấp hay không? Chú Hùng đã mở phone gọi ngay cho cháu trưởng nam Phạm Lưu, cho biết ý tưởng trên đã được Lưu đồng ý, Lưu cho biết sẽ liên lạc mời gọi mọi người trong gia tộc đến tham dự buổi họp dự kiến sẽ tổ chức vào sáng Chúa Nhật 17/11/2018.
Thật vui mừng, không ngờ cuộc hội ngộ cùng chú Hùng và cô dượng Mười lại có sự đồng cảm sâu xa, và cũng là một cái duyên tốt lành dẫn đến việc trùng tu tôn tạo ngôi từ đường sau này. 





BUỔI HỌP GIA TỘC TẠI XUÂN HOÀ
Sáng Chuá Nhật 7/11/2018: 



Cháu Phạm Lưu, Trưởng nam của anh Năm Lùn khai mạc buổi họp, ngỏ lời chào mừng tất cả bà con trong họ tộc đã đến tham dự buổi họp gia tộc, cùng sự hiện diện của Ô Thôn trưởng thôn Xuân Hoà. Về phía họ tộc gồm có: Anh chị sáu Phạm Lùn Em, anh chị Hồ văn Thinh, cô Mười Thung, Cậu Út con trai chị hai Phạm thị Bé về từ Tuân Thừa, các con cái của anh năm Phạm Lùn: đặc biệt cháu Tô bay về từ Bình Dương. 
Thuỵ Khoa đến từ Điềm Tịnh, v.v...

Chú Lê Ngọc Hùng - trưởng nam của bà Dì Chín được bầu làm Thư Ký ghi chép biên bản nội dung buổi họp. Cháu Tô mặc áo cụt tay đang tươi cười đã có tâm tu sửa từ đường, người đầu tiên lên tiếng đóng góp 30 triệu VN tạo cơ duyên và thúc đẩy mạnh mẽ việc tu sửa, khi bước vào buổi họp cháu Tô đã được mọi người vỗ tay hoan nghênh tấm lòng hiếu thảo nhớ ơn nguồn cội của cháu.

Chú Nguyễn A - Thôn trưởng thôn Xuân Hòa phát biểu trước họ tộc. Chú A là cháu nội của bà Ngoại Sáu em ruột của bà Ngoại thư Tư.

Mặc áo sọc ngang là Phạm Luyến, con trai thứ của anh năm Lùn.

Phạm Luân, con trai Út của anh năm Lùn bên trái mặc áo đen, đang ở tại nhà từ đường 
đã có vợ con. 















Chú Ngọc Hùng đọc biên bản buổi họp và danh sách số tiền hứa đóng góp của mọi người.
Mặc áo đen là cô Mười Thung, người sốt sắng trong việc liên lạc tổ chức buổi họp, cũng là người đầu tiên đóng góp tiền mặt cho Thủ quỹ. 

Cháu Phạm Lưu bế mạc buổi họp gia tộc, cảm tạ và vỗ tay hoan nghênh những tấm lòng hào phóng đã hi sinh thời giờ tiền của và công sức cho việc tôn tạo ngôi từ đường họ Phạm tại Xuân Hoà. 

Tấm ảnh cũ treo tại nhà dưới: Các con cháu của anh năm Lùn rất đông chụp hình chung trong 1 ngày vui.


THƠ VĂN, CÂU ĐỐi 
VIẾT VỀ NGÔI TỪ ĐƯỜNG:

Buổi họp gia tộc họ Phạm chấm dứt vào lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật 17/11/18.
Ngoài hiên, trời mưa như thác đổ, nhưng trong lòng mọi người tham dự đều cảm thấy ấm áp và hi vọng 1 ngày nào đó ngôi từ đường sẽ sớm được trùng tu, xin mời đọc 8 câu lục bát sau đây:



Tu Sửa Từ Đường Cảm Tác
Giấc mơ còn đó vấn vương
Mà anh Năm đã lên đường đi xa.
Đàn con hiếu kính mẹ cha
Khiêm cung, đoàn kết, thuận hòa, yêu thương.
Quyết tâm tu sửa từ đường
Giữ nguyên di tích khói hương ngày nào.
Gần xa chung sức mong sao    
Công trình thành tựu dạt dào niềm vui. 
Vinh Hồ
25/11.2018


Từ Đường Cảm Tác
Đứng đó từ hai thế kỷ rồi
Ai qua chẳng xót xa bồi hồi?
Nền hư cửa nát, rui mè mục
Mái dột tường xiêu, gạch ngói rơi.
Sân trước, cỏ hoang lan tới giếng
Nhà trong, hàng cột đứng nhìn trời.
Trầm tư nhớ một thời vang bóng
Nhân chứng của bao cuộc đổi dời.
Vinh Hồ
26/4/2019

Từ Đường Dột Nát
Con cháu ai qua chẳng ngậm ngùi?
Hai trăm năm đứng đó buồn vui.
Cửu huyền thất tổ ai thờ cúng
Nội ngoại tương tề ai tới lui?
Dòng họ từng bao thời hiển đạt
Võ văn vẫn một mực rèn trui.
Mà nay dột nát buồn hiu quạnh
Con cháu ai qua chẳng ngậm ngùi?
Vinh Hồ
26/4/2019

Duyên Lành 
Thân tặng chú thiếm tư Lê Ngọc Hùng
Duyên lành đã đến tuyệt vời thay!
Nội Ngoại tương tề cùng bắt tay.
Tôn tạo từ đường đầy cổ kính
Trùng tu di tích thật hăng say.
Gần xa hưởng ứng, lòng từ hiếu
Trên dưới tham gia, dạ thảo ngay.
Kỷ Hợi tri ân Bà Thuỷ Tổ
Sau hai thế kỷ có ngày này.
Vinh Hồ
26/4/2019




Tìm câu đối:

Từ Bình Định, Tổ Tiên vào lập nghiệp
Tại Xuân Hoà, Họ Phạm mở hai chi


Từ đường tôn tạo muôn đời thịnh
Con cháu thảo hiền vạn kiếp vinh

Bà Tới hiền lương thờ đạo Nghĩa
Cụ Thuyền hiếu học giỏi văn Nho

Bà Ngoại nhân từ thương rể khó
Anh Không cảm động nhớ ơn sâu

Cội nguồn họ Phạm từ Bình Định
Lập nghiệp cụ Thuyền đến Khánh Hoà

Từ Đường bách thế hương hoa cúng
Tộc Phạm thiên thu phước thọ trường

Từ đường họ Phạm vừa tôn tạo
Di tích cụ Thuyền được bảo tồn 

Xưa Bình Định tổ tiên vào lập nghiệp
Nay Xuân Hoà con cháu nhớ công ơn

Từ đường họ Phạm trang nghiêm cổ kính
Con cháu cụ Thuyền hướng vọng tôn thờ

Ơn bà Thuỷ Tổ ngời năm tháng
Đức cụ Phạm Thuyền rạng cổ kim

Họ Phạm phồn vinh ơn bà Thuỷ tổ
Hai Chi thạnh đạt nhớ cụ Thuyền xưa

Chắt chiếu cụ Thuyền luôn hiếu thảo
Từ đường họ Phạm sửa khang trang

Dòng họ Phạm cháu con hiển đạt
Cả hai Chi văn võ trau dồi

Rường cột hai Chi nhiều phước đức
Nhánh cành họ Phạm lắm hương hoa

Cậu Bốn giống Cha khôi ngô tuấn tú
Cậu Hai giống Mẹ dễ dãi hiền từ

Bà Sơ từ Bình Định, quyết tâm dẫn hai trẻ, đi tìm đất sống
Ông Cố đến Xuân Hoà, lập nghiệp mở hai chi, hướng đến tương lai

Ông Cố giỏi chữ Nho thông minh hiếu học
Ông Ngoại thờ đạo Nghĩa tuấn tú khôi ngô

Ông Cố tạo lập từ đường cổ kính
Chắt Chiếu trùng tu di tích khang trang

Tổ tiên tạo lập từ đường thịnh
Con cháu trùng tu họ tộc hưng

Tổ tiên tích đức muôn đời vững
Con cháu tu nhân vạn đại bền 

Công ơn tiên tổ khai cơ nghiệp
Hiếu thảo cháu con sửa tổ đường  

Chắt chiếu trùng tu ơn thuỷ tổ
Họ hàng tề tựu cúng tiên linh 

Một thuở tổ tiên bồi ruộng phước
Ngàn năm con cháu phụng gia tiên

Thờ cúng nhớ ơn công đức lớn
Vui mừng họp mặt họ hàng đông

Họ tộc yêu thương đoàn kết
Cháu con thành đạt hiển vinh

Ruộng phước tài bồi truyền hậu thế
Cân đai hiển đạt rạng tông môn 

Từ đường cổ kính cháu con sửa
Cây đức sum sê thuỷ tổ trồng

Ruộng phước cây lành sinh trái ngọt
Con hiền cháu thảo để danh thơm

Đất phước tổ tiên khai một thuở
Cây nhân con cháu dưỡng muôn đời

Từ đường cổ kính hương hoa cúng
Con cháu siêng năng sự nghiệp hưng 

Tu sửa từ đường nhớ ơn thủy tổ
Thờ cúng tiên linh gìn giữ gia phong

Nhà có phả, quốc gia có sử
Cây có cội, dòng nước có nguồn

Tu sửa từ đường nhiệm vụ con cháu 
Dưỡng nuôi cha mẹ bổn phận làm con

Ơn nghĩa sinh thành như biển rộng
Công lao dưỡng dục tựa non cao

Từ đường tôn tạo muôn đời thịnh
Con cháu vươn lên vạn kiếp hưng

Bài vị trang nghiêm thờ thuỷ tổ
Từ đường cổ kính phụng tiên linh

Tôn tạo từ đường gìn nét cổ
Tương thân con cháu giữ gia phong

Tu sửa từ đường thờ thuỷ tổ
Vun bồi đạo đức nhớ ơn xưa

Chữ nghĩa thơ văn noi tổ phụ 
Cân đai áo mão rạng tông môn 

Tổ tiên dày công xây dựng
Con cháu ra sức bảo tồn

Tổ tiên hiền đức muôn đời thịnh
Con cháu thảo ngay vạn kiếp vinh

(Đề nghị viết bằng chữ Việt kiểu thư pháp, không dùng chữ Hán)

--------------


-Từ đường còn gọi là Nhà thờ họ:  ngôi nhà dành riêng cho việc thờ cúng tổ tiên của 1 họ.
-Tổ đường còn có tên là Cửu Huyền Thất Tổ, hay Cửu Huyền, Gia tiên.
-Đại tôn từ đường: tức Nhà thờ đại tôn thờ Thuỷ tổ khi chưa chia thành các  chi.
-Bản chi từ đường: thờ vị tổ đứng đầu mỗi chi. 

Qua các định nghĩa trên, anh Thinh đề nghị ghi tại ngôi nhà đang trùng tu là: 
TỪ ĐƯỜNG HỌ PHẠM hoặc NHÀ THỜ HỌ PHẠM (đại tôn từ đường). 
Còn tại nhà anh 10 Sâu hay nhà anh 6 Thiều thì thuộc Bản chi từ đường. 
Do đó Chúng ta không dùng chữ Tổ đường Họ Phạm mà dùng chữ Từ Đường Họ Phạm hay Nhà Thờ Họ Phạm.
------


Tìm chữ ghi trên bức hoành phi 
treo tại nhà từ đường:
-Từ đường họ Phạm 
-Công đức tổ tiên
-Nhớ ơn nguồn cội
-Uống nước nhớ nguồn
-Hiếu nghĩa vi tiên
-Phúc như Đông hải
-Ngũ phúc lâm môn 
-Đức lưu quang

Đề nghị viết bằng chữ Việt, tất cả nét chữ thư pháp 
đều không dùng chữ Hán.
Vài dẫn chứng trích trên NET: 

Related imageRelated image


Image result for hoành phi câu đối bằng chữ Việt tại nhà từ đuong


Related image


Related image



Phổ hệ = Phả hệ = Phả đồ = Sơ đồ gia phả: là cái khung mà chú Tư Hùng đã  bỏ công thực hiện.
Gia phả = gia phổ: là cuốn sổ ghi chép, nội dung gồm có: Lời nói đầu hay Lời tựa: (anh Thinh và anh Cửu sẽ hợp soạn), và những ghi chép nguồn gốc dòng họ, công trạng, sinh, mất, mộ ở đâu, các huy chương nếu có...
------

Bức Hoành Phi: khắc 2, 3, 4 chữ đại tự thí dụ: ĐỨC LƯU QUANG, TỪ ĐƯỜNG HỌ PHẠM... có cặp liễn ghi 2 câu đối treo 2 bên.
------

Ngoài nội thất, còn có công trình phụ như: nhà vệ sinh, bếp, sân gạch, hồ sen trước ngôi nhà, hòn non bộ, bonsai, hoa kiểng...
-----

Đề nghị giữ nét cổ kính của ngôi nhà cổ, các trang trí mới thì nên khiêm nhu hơn là loè loẹt
---

Gia phả không chỉ giúp con cháu biết gốc gác mình từ đâu, họ hàng là ai, công đức tổ tiên ra sao, mà gia phả còn là gia bảo là lịch sử dòng họ chứa đựng những điều quý giá mà tổ tiên muốn truyền lại cho con cháu. 
----

Việc tu bổ, tôn tạo, trùng tu, hay xây dựng nhà từ đường là nghĩa vụ của mỗi người trong tộc họ, không phân biệt trai gái nội ngoại... Khi cần tất cả cùng làm, cùng đóng góp kẻ công người của, không vô cảm, lơ là, thoái thác hay bàn ra... Nếu không làm là có lỗi, là không làm tròn chữ hiếu với ông bà tổ tiên. 
------


-BÀI KHẤN TỔ TIÊN TẠI NHÀ THỜ HỌ:

Nam mô Nhật Nguyệt Quang Minh Phật
Nam mô Địa Vương Mẫu Phật
Nam mô Ta bà Giáo chủ Bổn sư Thích ca Mâu Ni Phật
Nam mô Mười phương chư Phật, Chư Phật mười phương
Nam mô Chư vị Bồ Tát
Kính lạy: Hội đồng Thánh Mẫu
Kính lạy: Ngọc Hoàng Thượng Đế.
Kính lạy: Chư Tiên, Chư Thánh, Chư Thần
Kính lạy: Thổ Thần, Thần Linh, Thổ Địa, Táo Phủ Thần Quân, Ngũ phương Địa mạch,Tiếp dẫn Tài Thần, Tiếp dẫn Lộc Thần, Tiền Hậu địa chủ, Chúa Bà bản cảnh, các tiểu Thần trong khu vực.
Kính lạy: Cửu huyền Thất Tổ, 
Cao Cao tằng Tổ khảo, Cao Cao tằng Tổ tỷ, Cao tằng Tổ khảo, Cao tằng Tổ tỷ, Hiền khảo, Hiền tỷ, Bá, Thúc, Đệ, Huynh, Cô, Dì, Tỷ, Muội.
Cộng đồng nội - ngoại Gia tiên dòng họ ...
Kính lạy: Chầu Tổ Cô, Hoàng Tổ Mãnh, Bà Cô, Ông Mãnh dòng họ...
Hôm nay là Ngày... Tháng... Năm...
Con tên là:
Đang cư ngụ tại địa chỉ:................
Đại diện cho con cháu dòng họ ..............
Xin kính dâng lễ vật, cầu xin bề trên chấp lễ chấp bái.
Chúng con cầu xin các vị Gia tiên Tiền Tổ dòng họ.......... độ trì dạy bảo dẫn dắt cho tất cả con cháu trong dòng họ để mọi gia đình trong dòng họ ...... Già được mạnh khỏe, trẻ được bình an. Con cháu hiếu thảo với Ông Bà Cha Mẹ.
Chúng con cầu xin, gia tiên tiền tổ độ trì để toàn thể con cháu trong dòng họ: Cầu tài đắc tài, cầu lộc đắc lộc, cầu sức khỏe được sức khỏe, cầu tiến tới được tiến tới, cầu con được con, cầu cháu được cháu. Để cho toàn bộ dòng họ ngày càng đông đúc, phú quí, giàu sang, nhà cửa khang trang, hiển vinh mãi mãi.
Chúng con xin hứa: Luôn luôn ghi lòng tạc dạ công ơn sinh thành dưỡng dục của Tổ tiên. Giữ vững truyền thống nội ngoại thương yêu, đoàn kết, sống có tôn ti trật tự trên kính dưới nhường. Phát huy truyền thống cần cù lao động, siêng năng học tập của cha mẹ ông bà tổ tiên. 
Cẩn cáo. 
(Nguồn từ NET)
------

-Bài văn khấn gia tiên  
được sử dụng nhiều nhất:

Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
- Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư phật mười phương.
- Kính lạy ngài Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.
- Con kính lạy ngài Đông Trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân, Ngũ phương Ngũ thổ, Phúc đức chính Thần.
- Con kính lạy các ngài Thần linh cai quản trong xứ này.
- Các cụ Cao Tằng Tổ khảo, Cao Tằng Tổ tỷ
- Thúc bá đệ huynh và các hương linh nội, ngoại.
Hôm nay là ngày ........ tháng ..... năm ..............
Tín chủ con là .................................................. ....
Ngụ tại ........................................................ cùng toàn gia quyến.
Thành tâm sửa biện hương hoa, lễ vật, trà quả và các thứ cúng dâng, bày lên trước án
Chúng con thành tâm kính mời:
- Các vị Tôn thần cai quản trong khu vực này.
- Hương hồn Gia tiên nội, ngoại
Cúi xin các Ngài thương xót tín chủ
Giáng lâm trước án. Chứng giám lòng thành. Thụ hưởng lễ vật
Phù trì tín chủ chúng con:
Toàn gia an lạc, mọi việc hanh thông
Người người được chữ bình an,
Tám tiết vinh khang thịnh vượng,
Lộc tài tăng tiến, tâm đạo mở mang
Sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm.
Giãi tấm lòng thành, cúi xin chứng giám.
Cẩn cáo!
(Nguồn từ NET)







LỄ KHÁNH TẠ 
NGÔI TỪ ĐƯỜNG HỌ PHẠM 
THÔN XUÂN HOÀ
Ngày 6 tháng 8 năm 2019
_________

Mời xem YouTube: 
"LỄ KHÁNH TẠ TỪ ĐƯỜNG HỌ PHẠM 
NINH HOÀ KHÁNH HOÀ"
tại link:



https://www.youtube.com/watch?v=UVU9kMVqb8k


Preview YouTube video LỄ KHÁNH TẠ TỪ ĐƯỜNG HỌ PHẠM NINH HÒA KHÁNH HÒALỄ KHÁNH TẠ TỪ ĐƯỜNG HỌ PHẠM NINH HÒA KHÁNH HÒA






THI CÔNG ĐẠI TRÙNG TU


Ngôi từ đường được ráo riết đại trùng tu suốt 5 tháng: từ ngày 19/2 ÂL năm Kỷ Hợi đến 30 tháng 6 năm Kỷ Hợi là hoàn thành rất trang nhã, giữ y nguyên hình dáng cũ, chỉ có nâng nền cao hơn, xây vách gạch, lợp ngói tây, làm sân, che mái vòm. Hồ sen bên thềm nở chục bông đỏ thắm. Cột kèo cũ giữ y nguyên đánh màu nâu láng bóng, cửa gỗ làm mới (cũ đan bằng tre). Bên trong, tại gian giữa có treo 1 bức hoành phi, và hai câu đối, nơi đó đặt 1 bàn thờ chính, tại 2 gian 2 bên đặt 2 bàn thờ phụ. Trên mỗi bàn thờ có đặt Bài vị (đề tên người đã khuất tương đồng như di ảnh).

Năm Kỷ Hợi Âm lịch: 
-Ngày 19/2: Lễ cúng triệt hạ 
-Ngày 24/2: Mở móng
-Ngày 29/2: Xây đế trụ : 16 đế
-Ngày 30/2: Kiềng móng. Qua hôm sau, đổ đất vô nền móng.
-Ngày 16/3: Dở nhà: rui, mè, ngói. tháo cột kèo
-Ngày 22/3: Ráp cột kèo. Những ngày sau đó lợp mái 
-Ngày 19/3: Tô vách. Những ngày kế tiếp lót gạch men màu giả gỗ. Làm sân, làm mái vòm.

TRANG HOÀNG BÊN TRONG:
-Đặt mới: 2
-Đặt mới 1: Dượng Mười đóng
-Đồ thờ: chân đèn lư hương... tận dụng cũ được 1 bàn thờ chính. Hai bàn thờ phụ và bàn Phật phải mua.  




LỄ Khánh Tạ: được tổ chức thành công mỹ mãn vào ngày 6 tháng 8 năm 2019, chấm dứt cùng ngày trong không khí thiêng liêng, trang nghiêm, cảm động. 

Bà con về dự gần 100 người. Hàng vai vế cao nhất: vai cô cậu dì có: Cậu Sáu Trừ, (Cậu Bốn Lụa giờ chót không đến được), Dì Mười Ri, Cậu Mười Định. Vai anh chị em có: Chị Hai Bé, Anh Chị Sáu Lùn Em, Chị Ba Gia, Chị Bích Vân, Cô Dượng Mười Thung, Thiếm Tám Thịnh. Cánh Chi 1 có: Phạm Nhỏ, Phạm Thướt, Phạm Tha... và rất đông không nhớ hết tên. Riêng con cháu anh Năm Lùn về đủ: đời vợ lớn: 3 trai: Lưu, Luyến, Ly, 3 gái: Minh, Lê, Lệ. Đời vợ nhỏ: 2 trai: Lành (ở Khánh Vĩnh) Luân, 4 gái: Tô, Lai, Nô, Linh. Và rất đông anh chị em con cháu không nhớ hết tên. Là cơ hội để bà con họ hàng gặp nhau tay bắt mặt mừng, chiêm ngưỡng ngôi từ đường mới, lạy Ông Bà Tổ Tiên, đóng góp tài chánh, dùng bữa cơm chay, nâng ly bia chúc mừng nhau sức khoẻ, đọc, và ngâm 2 bài thơ. Đặc biệt mỗi người nhắm 1 ly nhỏ rượu XO nồng nàn hương vị đoà n kết thân tình. 


Diễn tiến:

Mướn dịch vụ lo bàn ghế, làm lều che nắng. Cúng cơm chay, có bánh tết, bánh ít...

Họ hàng con cháu Nội Ngoại đã
tề tựu về rất đông gần 100 người. 
Thầy chùa Xuân Hoà chủ lễ. 

5: 30 sáng đi thỉnh kinh
6: 30 sáng: khai kinh
9: sáng cúng ngọ
10 giờ sáng họp gia tộc.
Chú Ngọc Hùng chủ trì
Chú Thư: lập biên bản.
Có nhiều ý kiến xây dựng. 
Biểu quyết chấp thuận:
-Trưởng tộc: Phạm Thướt
-Phó tộc: Phạm Lưu
-Phó tộc lễ nghi: Phạm Nhỏ
-Thủ Quỹ: Ngọc Hùng
-Hương khói từ đường: Phạm Luân


THƯ CỦA Ông PHẠM NGỌC CỬU
(Đọc tại Lễ Khánh Tạ):


Kính thưa: -Bà con cô bác, anh chị, 
                  -Cùng các em, các cháu trong họ hàng,

Nhân dịp họ hàng họp mặt mừng Lễ Khánh Tạ ngôi Từ Đường họ Phạm ở Xuân Hoà, từ nửa vòng trái đất, tôi viết đôi dòng tâm sự gởi về, uỷ nhiệm cho chú Hùng thay mặt đọc trước Họ hàng Nội Ngoại. 

Thưa tất cả quý vị, 
Người xưa dạy rằng: "Chim có tổ, người có tông", Tổ tông là nguồn cội của Gia tộc. Là con cháu, chúng ta phải nhớ lấy trách nhiệm để sao cho Gia tộc được trường tồn, lưu lại tiếng thơm cho đời sau.
Trong chiến tranh, các bậc lớn tuổi qua đời, đa số bị bệnh lao phổi do bị tra tấn trong thời kháng chiến chống Pháp: Bác Hai (Phạm Phùng, Ba tôi (Phạm Thanh Xuân), Dượng Năm (Hồ Hưng), Chú Sáu (Phạm Kỳ), Dượng Chín (Lê Nhuận), ngay cả chị Mọn cũng ở tù tại lao ông Corse chỗ cầu Dinh. Con cháu thì vì cuộc sống khó khăn phải bươn chải, có một số phải sống nơi xứ người... Nên mối ràng buộc về trách nhiệm Gia tộc ngày một xa dần, trước mắt là ngôi Từ Đường ngày một hư nát.  Phận làm con cháu, chúng ta không khỏi chạnh lòng, thấy buồn, thấy mình có lỗi với Tổ Tiên.
                               *****

May thay duyên cơ đã đến: chú Thinh, con bà Cô Năm, hiện ở Hoa Kỳ, năm 2012 về thăm nhà, có ghé thăm ngôi Từ Đường, khi trở lại Hoa Kỳ, chú có cho tôi xem một số hình ảnh và tha thiết đề nghị: "Anh Tư ơi, phải làm sao sớm tu bổ chớ nếu không, sẽ sụp đổ và mai một với nắng mưa."
Hai anh em ngồi trầm tư suy nghĩ: Ai sẽ đứng ra cáng đáng? Liệu rằng các con cháu anh Năm Lùn hiện đang cư ngụ trên khuôn viên có khả năng, quản trị sau khi tu bổ? Liệu rằng có sự đồng tâm hiệp lực  của  con cháu Nội Ngoại hay không?
Ngày đó, bà Cô Chín còn sống, chúng tôi có gợi ý với chú Hùng, mong chú đứng ra thay mặt đảm nhận, như một món quà tinh thần dâng lên Thân Mẫu của mình. Chú Hùng tâm đắc nhưng duyên cơ vẫn chưa đến...
Năm rồi, chú Thinh về thăm nhà, có gặp chú Hùng và vợ chồng cô Mười Thung cùng ngồi bàn bạc... nhân duyên thuận lợi, con cháu đều nhất lòng... Tin tức này là niềm vui lớn đối với tôi, tôi cầu nguyện Tổ Tiên gia hộ để ngôi Từ Đường được tu bổ, có nơi thờ phượng trang nghiêm, để mọi người không còn lo lắng. 

Hôm nay, trước mặt Họ hàng làm Lễ cúng bái Tổ Tiên, mừng công tác đại trùng tu ngôi Từ Đường đã hoàn thành. Từ nửa vòng trái đất, cho tôi nói lời cám ơn đến chú thiếm Hùng, chữ cám ơn tôi nói ở đây mong chú thiếm thông cảm vì dẫu là công việc chung của Tộc Họ Nội Ngoại, nhưng nếu không có tấm lòng tích cực của chú thiếm thì không biết có cơ hội để thực hiện hay không? Xin một tràng pháo tay hoan hô chú thiếm Hùng, riêng tôi luôn ghi nhớ công đức của chú thiếm.
Người thứ hai là chú Thinh, nếu không có sự quan tâm tha thiết của chú, thì tôi nghĩ không biết lúc nào mới có sự khởi đầu? Tiếp theo, tôi xin cám ơn tất cả bà con cô bác, anh chị em, con cháu đã nhiệt tình đóng góp từ vật chất đến tinh thần. Đặc biệt cô Chín Rỡ đã dặn dò: "Nếu có làm thì làm cho xong luôn, đừng bỏ nửa chừng. Cháu Rô thì quan tâm đến việc giữ gìn ngôi từ đường sau khi hoàn tất. Cháu Tô dù là gái, nhưng lại là người đầu tiên phát tâm đã cùng với cháu Lai đóng góp số tiền lớn tạo cơ duyên thuận lợi trong việc trùng tu. Đề nghị tất cả cùng hân hoan vỗ tay chào đón kết quả xây dựng này. Đừng đặt câu hỏi ai góp công góp của nhiều hay ít, tất cả tuỳ vào tấm lòng cùng bổn phận đối với Gia tộc Tổ tiên. Đường trần còn dài, mọi việc trong đời đều có cơ duyên đưa đẩy. Tôi chỉ mong sao gia tộc được vững bền. Nay tôi cũng đã sắp sửa 80 tuổi, đau yếu triền miên, khó lòng mà đủ sức trở về để quỳ gối cúi đầu trước Tổ Tiên tạ tội.
Tôi không quên ngôi nhà Tổ này, Cha tôi đã nhắc tôi mỗi lần Tết đến phải về lau chùi các bộ lư đèn, quét dọn từ mái đến các khung cửa... Ngày mùng Một phải lên sớm để lạy Tổ Tiên, sau đó lạy mừng tuổi bà Nội... Bà Nội là hình ảnh đẹp nhất, cao quý nhất của Bà Mẹ Việt Nam, goá bụa từ khi còn trẻ, nhưng đã thủ tiết thờ chồng nuôi con, một đàn con đông, rồi nuôi dạy các cháu (chị Bé, chị Mọn, chị Mạy, anh Lùn lớn, Lùn nhỏ, bảy Lắng) và dựng vợ gả chồng. 
Tôi cũng không quên và mãi mãi không thể nào quên cái hình ảnh mà tôi đã chứng kiến lúc bác Hai mất. Đó là một buổi trưa mùa Hè nắng chói chang, Cha Má tôi sai tôi mang thức ăn lên thăm Bà Nội và thăm bệnh tình Bác Hai nghe đâu đang trở nặng. Bác Hai đang nằm trên võng mắt trủng sâu, thân thể ốm, vai nhô cao, ngực lép... Tôi ngồi trên bộ phảng gần cửa ra vào, chợt Bác Hai lên cơn ho, khó thở, Bác ngồi dậy và thổ huyết... Bà Nội đang nằm trên chiếc giường nhỏ bên cạnh, bước vội xuống giường, đến ôm lấy đầu Bác Hai vào ngực mình, vuốt mặt mũi Bác Hai lúc này máu đang tuôn ra nhuộm đỏ cả bàn tay và áo cánh của Bà Nội, không sợ bị lây lan. Bà Nội lấp bấp: Con ơi, con ơi !!!
Hình ảnh này đã theo tôi vào đời, nhắc rằng: Trên đời này không có gì lớn hơn tình mẫu tử, tình thương của Mẹ dành cho con lúc con lâm chung. Bà Nội của chúng ta lớn lao như vậy, chúng con thương Bà Nội biết chừng nào!
Nhân đây, tôi xin được nhắc đến chị Ba tôi (Phạm thị Gia) là phận gái, nhưng chị đã nghĩ đến trách nhiệm và hoàn cảnh của tôi, của họ hàng, nên đã bỏ công sức, tiền bạc di dời mồ mả Tổ Tiên kẻo bị mai một, cũng như đã tiếp tục thờ cúng Tổ Tiên mà Cha tôi đã đảm nhận lúc còn sinh thời. 
                                                               
                                 *****
Thưa tất cả quý vị,
Đối với gia tộc, có thể nói hai việc lớn mà mọi người đều quan tâm đã xong: đó là Mồ mả và ngôi Từ đường. 
Làm sao chúng ta không vui mừng và nhắc cho nhau nhớ rằng: Trong cuộc sống vì hoàn cảnh nên mỗi người một nơi, người sinh sau không biết mặt người sinh trước, nhưng lạ lùng là mối huyết thống họ hàng đã mang lại sự gần gũi bên nhau khi khởi sự trùng tu lại ngôi Từ Đường này. 
Tôi xúc động vô cùng khi chú Thinh kể lại: Các cháu ở xa tận Sài Gòn, Bình Dương, nhưng sốt sắng, mau mắn hưởng ứng lời kêu gọi, đã lên xe ngày đêm chạy về cho kịp để dự buổi họp tu sửa Từ Đường. Và nhân đây xin được ghi nhớ cháu Rô (cánh anh Sáu Thiều) ở Boston, Cô Chín Rỡ ở New York đã chia sẻ tấm lòng, khuyến khích chú Hùng xúc tiến ước nguyện vào dịp chú Hùng đến Hoa Kỳ. 
Sau hết, tôi xin mọi người tha thứ và thông cảm về lá thư dài dòng này, vì đây là nỗi niềm của người con, người cháu xa quê hương. Chúng tôi hình dung trong giờ phút này, từng khuôn mặt, từng ánh mắt, từng lời nói, của Cô Bác, Anh chị em, các con cháu Nội ngoại đang tề tựu trước Bàn Thờ Tổ Tiên với hương trầm ngào ngạt, với ánh nến lung linh, chúng tôi tin Ông Bà Tổ Tiên của tộc Nội Ngoại đang hiện diện chứng kiến lòng thành của mỗi người. Tổ Tiên sẽ độ lượng gia hộ cho mọi người an lạc.
Trân trọng kính chào tất cả. 
Đứa con ở xa,
PHẠM NGỌC CỬU
Orlando, ngày 29 tháng 7 năm 2019

                           


NGŨ PHÚC LÂM MÔN:
(khắc trên hai tấm gỗ quý đặt tại 
2 bên cửa chính nhà từ đường):

PHÚC: là sự may mắn, là điều tốt lành.  
NGŨ PHÚC LÂM MÔN: là năm phúc vào cửa.

                Ngũ Phúc là gì?

Theo Hán-Việt từ điển của Đào Duy Anh cắt nghĩa như sau: Năm thứ hạnh phúc là: phú, quý, thọ, khang, ninh. Phú là giàu. Quý là sang. Thọ là sống lâu. Khang là mạnh khỏe. Ninh là bình an. 

Tuy nhiên trong cuốn Kinh Thư của Tàu cắt nghĩa hơi khác, nhưng chúng ta nên căn cứ vào cuốn Tự điển của Đào Duy Anh ở trên dễ nhớ hơn. 

Phúc còn có nghĩa là con dơi. Do đó, hình ảnh con dơi được tượng trưng cho điều tốt lành, may mắn. 

Ngoài ngũ phúc còn có thập phúc, bách phúc, vạn phúc hoặc hằng hà sa số phúc ( phúc đẳng hà sa).




CUỐN GIA PHẢ: 
(cuốn sổ ghi chi tiết từng người trong họ tộc từ Bà thuỷ tổ và Ông cố Phạm Thuyền trở xuống, cất giữ tại nhà từ đường)

LỜI MỞ ĐẦU CUỐN GIA PHẢ:

Ơn bà Thuỷ Tổ ngời năm tháng
Đức cụ Phạm Thuyền rạng cổ kim

-Năm 1829, Bà thuỷ tổ từ Gò Bồi vào Xuân Hoà lập nghiệp: 
Chú Phạm Rô cho biết khi còn sinh thời, Ô. Phạm Sâu (Mười Sâu) có ra tận Gò Bồi để tìm hiểu nguồn cội họ Phạm làng Xuân Hoà, về nhà ghi lại trong tập Gia Phả hiện lưu giữ tại Từ đường bản chi, Chú Ngọc Hùng có đến xem và cho biết  như sau:
Năm 1829 thời Vua Minh Mạng, Bà thuỷ tổ không rõ tên họ, cư ngụ tại Gò Bồi, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định đã dẫn hai người con vào làng Xuân Hoà, huyện Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà bây giờ để lập nghiệp.

-Gò Bồi ở đâu?
Theo tài liệu từ trên mạng: 
Gò Bồi là tên của một "vạn" tức "làng chài" thuộc xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, nằm bên sông Gò Bồi (chi nhánh của sông Côn) chảy vào đầm Thị Nại. Gò Bồi cách biển 3km về hướng đông, cách TP Qui Nhơn 15km về hướng nam, là nơi sinh của nhà thơ Xuân Diệu.
Vào cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, cửa Kẻ Thử bị cát bồi lấp, phù sa sông Côn không thoát ra biển, các nhánh sông đều cạn thuyền không vào được phố cảng Nước Mặn để buôn bán khiến phố cảng suy tàn, từ đó Gò Bồi ra đời. Gò Bồi ruộng đồng trù phú, hải sản bắt từ sông biển dồi dào, ngoài số người Việt đến khai phá ruộng đồng, người Minh Hương đến mở tiệm buôn, còn có nhiều ghe thuyền từ Phan Thiết, Khánh Hoà, Phú Yên đến mua bán cá tôm, nước mắm. Gò Bồi nổi tiếng với nghề làm nước mắm: 

Gò Bồi nước mắm thật ngon
Ăn xong ba bữa còn thơm còn nồng

Gò Bồi đông đúc người tứ phương, phố chợ buôn bán phồn thịnh kéo dài đến tận đầu thế kỷ 20, có những câu ca dao được truyền tụng: 

-Đi đây đi đó không bằng cái xó Gò Bồi

-Gò Bồi trên bến dười thuyền
Ghe bầu theo lạch đậu liên tiếp bờ

Từ bối cảnh Gò Bồi được mô tả ở trên, chúng tôi tin rằng Bà thủy tổ đã đến Ninh Hoà bằng thuyền, khởi hành từ cửa Thị Nại xuôi nam ghé vào địa phận Ninh Hoà: có thể cập bến tại bến đò Bình Tây, Hòn Khói? cũng có thể vào cửa Hà Liên cập bến tại Bến Đò thuộc xã Ninh Giang?

-Vì lý do nào Bà thuỷ tổ phải lìa bỏ Gò Bồi để đến phương xa lập nghiệp?
Theo bài viết "Nhà Nguyễn", Bách khoa toàn thư mở Wikipedia:
Nguyễn Công Trứ là tác giả của ba chính sách khẩn hoang lớn: đồn điền, doanh điền và khai khẩn ruộng hoang. 
-Đồn điền là chính sách mộ dân nghèo cùng tội phạm, binh lính, đi khai khẩn đất hoang, sau khoảng 10 năm cuộc sống ổn định sẽ chuyển sang hình thức làng xã. Đồn điền xuất hiện nhiều nhất ở vùng Gia Định. 
-Doanh điền là hình thức khai hoang có sự kết hợp giữa triều đình và nhân dân thực hiện việc di dân lập ấp mới. Hình thức này bắt đầu được thực hiện từ năm 1828 dưới thời Vua Minh Mạng theo đề nghị của Nguyễn Công Trứ. Theo đó, triều đình sẽ bỏ vốn ban đầu và cử một quan chức đứng ra chiêu mộ dân chúng đưa đi khai hoang. 
-Ngoài ra, triều đình nhà Nguyễn còn khuyến khích nhân dân tự do khẩn hoang kết hợp phục hóa

Qua tài liệu trên, chúng tôi tin rằng trước chủ trương "di dân lập ấp mới" của Vua Minh Mạng bắt đầu thực hiện từ năm 1828, Bà Thuỷ tổ đã chấp hành mệnh lệnh, một năm sau - tức năm 1829, Bà dẫn hai con lên đường vào Xuân Hoà theo sự khuyến khích của triều đình lúc bấy giờ: nhân dân tự do khẩn hoang kết hợp phục hóa.

-Trước khi lên đường, hoàn cảnh gia đình và đời sống của Bà thuỷ tổ ra sao?
Theo bài viết "Nhà Nguyễn", Bách khoa toàn thư mở Wikipedia: 
Thời Nguyễn, mỗi người dân đinh phải chịu 60 ngày lao dịch cho triều đình để xây dựng kinh thành, lăng tẩm, sửa đê điều, đào kênh rạch, đắp thành lũy... khổ sở trăm bề. Giáo sĩ Pháp Guérard có nhận xét: 
"Vua Gia Long bóp nặn dân chúng bằng đủ mọi cách, sự bất công và lộng hành làm người ta rên xiết hơn cả thời Tây Sơn: thuế khóa và lao dịch đã tăng lên gấp ba.” 
Việc xây kinh đô Phú Xuân kéo dài suốt 27 năm (1805-1832) dưới 2 triều Vua tốn kém ngân quỹ khổng lồ và làm thiệt hại hàng ngàn nhân mạng; tại hiện trường có tới mười vạn người làm việc liên tục; riêng dưới triều vua Minh Mạng đã huy động hàng vạn lính và dân từ khắp các tỉnh, thành trong cả nước mà chủ yếu đến từ miền Trung.  Có câu ca dao mô tả sự nặng nề của chế độ lao dịch:

Binh tài hai việc đã xong,
Lại còn lực dịch thổ công bao giờ.
Một năm ba bận công trình,
Hỏi rằng mọt sắt dân tình biết bao...

Trong 60 năm (1802-1862) tại Bắc Hà có hàng trăm cuộc nổi dậy của dân chúng, chỉ riêng dưới thời Minh Mạng đã có 254 cuộc nổi dậy. Có nhiều lý do, trong đó có lý do quan lại nhũng nhiễu dân chúng trong lúc dân chúng phải gánh chịu sưu cao thuế nặng, mất mùa, dịch bệnh, thiên tai...  
Chaigneau người Pháp có ghi nhận vào năm 1807: 
“Dân chúng hết sức khốn khổ, vua và quan lại làm khổ dân ... kẻ giàu có thể đánh đập người nghèo mà không sợ bị trừng phạt gì..." 
Nạn đói thường xuyên, dân đói lang thang kiếm ăn có lúc lên tới hàng vạn người. Bão lụt miền Trung, có trận làm sụp đổ hàng vạn ngôi nhà, làm chết hàng ngàn người, kéo theo mất mùa đói kém. Dịch bệnh có khi làm chết hàng vạn người.
Thời Minh Mạng thích sử dụng vũ lực với các nước láng giềng, có những cuộc chiến lớn ở Chân Lạp... Từ Quảng Bình đến Bình Thuận: cứ 3 đinh lấy một lính.
Đời sống cơ cực trăm bề đã xô đẩy hàng vạn gia đình phải lìa bỏ quê hương làng mạc lưu vong phiêu tán. Nạn lưu vong ở thế kỷ XIX đã trở thành một hiện tượng phổ biến, thường xuyên, nhất là ở Bắc và Trung.

Qua tài liệu lịch sử nói trên, chúng tôi tin rằng chồng Bà Thuỷ tổ qua đời có thể nằm một trong các trường hợp: bệnh tật, tai nạn, bão lụt, dịch bệnh, nạn đói, lao dịch, chết trận... Một mình Bà phải nuôi dưỡng con cái, đời sống gia đình lâm vào cảnh đói khổ bần hàn. Đời sống đói khổ bần hàn cũng là một động lực xô đẩy Bà phải lìa bỏ quê hương làng mạc lưu vong phiêu tán.

-Chân ướt chân ráo đến làng Xuân Hoà:
Thời gian này có một mất mát to lớn không thể bù đắp: một người con phát bệnh qua đời, Bà thuỷ tổ như đứt từng đoạn ruột... Người con còn lại tên là Phạm Thuyền ngày đêm an ủi chăm sóc Mẹ hiền mong vơi đi bao niềm đau khổ... Trước hoàn cảnh vô cùng neo đơn buồn thảm nơi xứ lạ như thế hỏi ai không rơi nước mắt? 

-Cuộc sống mới tại Xuân Hoà từ từ ổn định:
Ông Phạm Thuyền đến làm công tại nhà Ông Xã trưởng họ Nguyễn, tức Ông Nội của chú Bốn Lụa và chú Bảy Trừ bây giờ. Ông Xã trưởng Xuân Hoà vốn là một nhà Nho nhân đức, thấy cậu Thuyền sau giờ làm việc thường đứng nhìn những hoành phi câu đối treo nơi bàn thờ, hoặc đứng coi Ông Xã viết liễn... Ông Xã lên tiếng hỏi:
-Cậu mày có đọc được không mà nhìn?
Cậu thanh niên trả lời:
-Dạ thưa đọc được. 
Rồi Cậu đọc một mạch, hết câu này tới câu khác không sai một chữ. 
Ông Xã thấy cậu Thuyền là một thành niên cao ráo đẹp trai, khôi ngô tuấn tú, lại giỏi chữ Nho, nên đem lòng thương mến mới đứng ra làm mai mối cho người Chị ruột của mình là cô Nguyễn Thị Tới. 
“Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ” 
Trai tài gái sắc phải lòng nhau đã nên duyên chồng vợ, được cấp viên gia tại bìa làng để cất nhà, là ngôi Từ đường họ Phạm mà con trai Ô. Phạm Lùn đang ở. 

-Ông Tổ họ Phạm tại Xuân Hoà phát triển hai Chi:
Hai vợ chồng trẻ lý thú làm ăn từ từ ổn định cuộc sống mới, đã hạ sanh hai người con trai: trưởng nam là Ô. Phạm Hậu, thứ nam là Ô. Phạm Thiện. Sau khi Ô. Hậu lập gia đình thì ra ở riêng có nhà gần đó, tức nhà Từ đường bản Chi mà con trai của Ô. Phạm Sâu đang ở. Còn Ô. Thiện thì sau khi có gia đình vẫn ở với Cha Mẹ tại nhà Từ đường chính. Hai anh em ruột sinh con cái khá đông, làm ăn phát đạt có nhiều ruộng đất tư. 

-Ông Tổ họ Phạm giỏi chữ Nho: 
Ông tổ Phạm Thuyền giỏi chữ Nho, lúc sinh thời thường giúp dân làng trong các việc: đơn từ, sổ sách, giấy tờ, hộ tịch, điền địa… được dân làng trọng vọng biết ơn. 
Con cháu Ông tổ sau này đã thừa hưởng tư chất thông minh (chất xám) của Ông, có nhiều người thông minh hiếu học,  từng coi tử vi, phong thuỷ, hôn nhân, giá thú như Ô. Phạm Công (Sáu Thiều), Ô. Phạm Sâu (Mười Sâu); có người từng làm Xã trưởng như Ô Phạm Thanh Xuân; có người từng làm Phó tỉnh như Ô. Phạm Ngọc Cửu; có người từng làm Sĩ quan như Ô. Phạm Rô và nhiều thế hệ tuổi trẻ thông minh thành đạt sau này.

-Bà Trần Thị Xù yêu thương giúp đỡ người nghèo:
Ông Phạm Thiện kết hôn với người con gái thứ bốn họ Trần, Bà Trần Thị Xù, sinh ra nhiều con, đặc biệt người con trai thứ bốn là Ô. Phạm Thanh Xuân giống Cha như đúc, cao ráo khôi ngô có giọng nói sang sảng như tiếng chuông đồng. Và người con gái thứ chín là Bà Phạm Thị Nghỉ cũng giống cha, thông minh, thành công trên thương trường, có lòng nhân hậu, thường giúp đỡ người nghèo khó, đã sống tới 87 tuổi. 
Bà Trần Thị Xù là một người vợ, người mẹ đảm đang, hiền lương nhân đức. Bà luôn ăn ở đối xử tốt đẹp với gia đình làng xóm, đặt tình nghĩa hiếu thảo lên hàng đầu "hiếu nghĩa vi tiên", luôn thương con mến cháu, thường giúp đỡ người nghèo khổ. Trong hôn nhân, Bà không có tâm phân biệt giàu nghèo mà coi trọng tình yêu thương, như trường hợp anh năm Không ở Tuân Thừa nhà nghèo xơ xác, nhưng Bà vẫn gả chị hai Bé, cháu nội yêu quý của Bà cho ảnh, Bà nói "hễ thương là tao gả". 

Tổ tiên nhân đức muôn đời thịnh
Con cháu thảo hiền vạn kiếp vinh

Là con cháu, chúng ta hãnh diện về hành trạng và công đức  to lớn của tổ tiên. Chúng ta cảm động trước hoàn cảnh khó khăn của Bà thuỷ tổ, người goá phụ chân yếu tay mềm nhưng lòng đầy dũng cảm đã dẫn hai con làm cuộc phiêu lưu đi tìm đất mới, không khác những thuyền nhân hôm nay đã lìa bỏ quê hương đi tìm đất sống.
Con trai Bà trở thành Ông Tổ họ Phạm làng Xuân Hoà đã mở ra hai Chi phát triển mạnh mẽ, từng có 1 thời danh tiếng lẫy lừng không thua kém bất cứ một dòng họ nào tại Ninh Hoà. 

-Bảng sơ đồ Gia phả: 
Bảng sơ đồ Gia phả còn gọi là Phổ hệ hay Phả hệ.
Sau nhiều năm tháng tìm hiểu, sao chép, chú Ngọc Hùng có hệ thống hoá thành một bảng sơ đồ gia phả họ Phạm làng Xuân Hoà khổ lớn đóng khung trang trọng gồm cả hai Chi, sẽ treo tại ngôi Từ đường nhân Lễ khánh thành tôn tạo dự trù tổ chức vào Lễ Vu Lan năm Kỷ Hợi (2019) sắp tới. Bảng sơ đồ được sắp xếp khoa học, nhìn vào đó, con cháu sẽ dễ dàng nhận ra nguồn gốc của mình từ đâu, bà con họ hàng của mình là ai?

-Cuốn Gia Phả (còn gọi là gia phổ):
Ngoài Lời mở đầu (hay Lời tựa), phần nội dung ghi chép chi tiết về nguồn gốc, sự nghiệp, công trạng, huy chương, ngày sinh, ngày mất, mộ phần... của từng người trong dòng họ, từ Bà thuỷ tổ tức Bà sơ (cao tổ mẫu), Ông cố, Bà cố (Tằng tổ phụ, Tằng tổ mẫu) trở xuống.

Bài viết này là Lời Mở Đầu của cuốn Gia Phả, ước mong sẽ được ghi chép rõ ràng đầy đủ để lưu truyền hậu thế. 

Nhà có phả, quốc gia có sử
Cây có cội, dòng nước có nguồn

Ngày 9 tháng 6 năm 2019
Đồng biên soạn,
Phạm Ngọc Cửu
Vinh Hồ
Ngọc Hùng
Phạm Rô




HÌNH ẢNH : 








Hồ Sen trước thềm






Bàn Thờ Chính






Bàn Thờ Phật



Ba Bàn Thờ


Ba Bàn Thờ. Phía trước là Bàn Thờ Phật







Áo xanh: Đời Vợ Sau của Anh Năm Lùn: có 2 trai 4 gái.


Bản Sơ Đồ Gia Phả 



Bản Vàng Đại Trùng Tu




Bàn Thờ Phật thỉnh từ Chùa Xuân Hoà. Lễ tụng kinh cầu an:
Áo trắng: Phạm Lưu, trưởng nam của anh Năm Lùn





Áo trắng bên trái: Phạm Luân, Út nam của anh Năm Lùn














Chú Ngọc Hùng chào đón bà con

Thiếm Ngọc Hùng chào đón bà con



Chị Hai Bé đến từ Tuân Thừa.



Cô Mười Thung đứng giữa tươi cười.

Chị Năm Bích Vân áo xanh.





















Chị Ba Gia áo bông


Cháu Tô con gái anh Năm Lùn

Chú Hùng khai mạc buổi họp toàn gia tộc.
Cậu Sáu Trừ phát biểu đầu tiên

Ngâm thơ giúp vui của vị cao niên.


Chú Phạm Tha đọc Lá Thư của 
Anh Phạm Ngọc Cửu gởi về từ Hoa Kỳ.




Con gái của chị Hai Bé diễn ngâm 1 bài thơ









Chị Ba Gia và Dì Mười Ri








Nâng ly chúc sức khoẻ




Nâng ly chúc sức khoẻ


Cô Tuyết áo ca rô con gái bà Dì Chín














CHÂN THÀNH CÁM ƠN









1 comment:

  1. Thoại Liên chỉ là "rễ" Ninh Hòa... hân hạnh được đọc câu chuyện trùng tu Tổ Đường do Quý Anh Chị và các Hậu Duệ đã bỏ công sức, tài vật, chung xây thật uy nghiêm, thật cảm động. Xin ngã nón kính chào Quý Anh Chị. Hy vọng một ngày thật gần vợ chồng em sẽ có dịp ghé vào thắp hương, chiêm bái...

    ReplyDelete