Friday, October 21, 2016

Trang Thơ Văn Duy Xuyên
 
 
Tiếng Thu Xa
 

Tiếng Thu xa
Thu chưa vàng lá!
Lá Thu chưa lạnh
Mưa Thu chưa gợi buồn
Mà em đã nói lời xa ta.
 Mùa Thu hãy qua nhanh đi
Đừng để giọt buồn cho ai!
Mình với em, đã nghoéo tay cùng thề.
Ta luôn bên em
Và em vẫn luôn là niềm khát vọng như thủy triều nâng tâm tư ta trong niềm vui òa vỡ!
Thế mà! Sao em lại nói lời ra đi? Nghìn trùng xa cách!
Ta mất em! Nhưng những chiếc lá xanh còn đang nẩy lộc để đợi Xuân về, mà trong đó có lời thơ Nắng Hạ của em, sẽ ru đàn chim nhỏ đang tập chuyền cành!
Ta van em! Ta xin quỳ gối để níu em dừng bước!
Bên ta! Trong em còn có những cánh chim trời chưa mọc đủ lông, không biết bay về đâu, trong đêm này. Đêm mai và những đêm đông sắp đến.
 
Em hãy vì ta, khoan bước đi vội!
Khoan dung! Vị tha! Mà tâm tư em đã bao lần bỏ qua những lỗi lầm của ta!
Cái tổ thật ấm! Căn nhà thật xinh! Hồn thơ thật lai láng mà em đã là NGƯỜI tìm kiếm từng cọng cỏ non, đem về vun xới. Nay em chỉ hờn dỗi ta mà ra đi... Em có biết bao người buồn lắm không?
Đêm trăng đi bắt chuồng chuồng
Cò trăng chuồng đậu, trăng về chuồng đi!
Bên em vẫn có ta.
Người Cổ Tích

Tám Mươi
 

Tám mươi tuổi tôi còn lang thang trên hè phố
Thất thểu tìm em trên những áng thơ tình
Thường ngồi say sưa bên men rượu đắng
Thả tâm tư theo từng tiếng nhạc buồn
 
Tám mươi tôi vẫn tràn đầy mơ mộng
Mơ mái tóc dài và tà áo nữ sinh
Mơ cùng ai trao chén rượu ân tình
Dù bao kiếp anh vẫn ngồi đây đợi
 
Ai bảo tám mươi tuổi là già
Không! không! tôi vẫn còn là người tình si
Thích ngắm hoa nhìn bướm lượn bay vòng
Nghe tiếng em hát mà thấy lòng thênh thang

Thường ngồi ngắm ánh trăng tan
Nhìn tóc em rũ bên hàng trúc xanh
Trái tim dập dồn nghe hồn rộn rã
Cảm thấy lòng vội vã khi nghe bước chân em
 
 Hồn tưởng tượng theo cánh gió mềm
Thả đi hoang như hạ trắng rong rêu
Em hững hờ tiếng oanh vàng thỏ thẻ
 
Sách vở nào cũng phải vứt bỏ đi
Những mơ ước theo hồn ai hối hả
Đứng giảng bài ngày tháng thật bơ vơ
Nhớ sân truờng thơ mộng buổi ban sơ

Đợi giờ học sao em chưa  vội đến
Buổi học nào em vẫn cứ lặng thinh
Mái tóc dài em vào đời vội vã
Nghe xôn xao tim vỡ tự hồi nào

Thương em lắm!
Áo trắng thơm cuả tuổi học trò
Mắt em buồn như ẩn hiện áng mây trôi
Sao thiên sứ chờ gì mà chưa nói

Cô học trò bé nhỏ bây giờ ở nơi đâu đó
Có mơ về tình lỡ thật lênh đênh
Nhốt kỷ niệm vào tim nghe hồn lạc
Thật hay hư, sao thấy thật hững hờ

Niềm mơ ước nghe chừng như chẳng có
Máu lệ trào lớp học vắng bóng em.
Tuổi đã tám mươi vẩn còn đây hy vọng
Mong một ngày được sống thật với ước mơ...
 
duy xuyên
Tacoma, 1/6/2013
Cảm Nhận Thơ Song Phượng
                            Duy Xuyên
Tình Mong 
 


Trời thường ảm đạm lúc vào đông
Nuối tiếc làm sao ánh nắng hồng
Cảnh cũ còn đây người chẳng thấy
Vườn xưa vẫn đó bóng thì không
Em luôn giữ mãi câu thề hẹn
Anh đã quên rồi chữ nhớ mong
Lặng lẽ một mình nơi bến vắng
Tình khi được gặp thoả tâm lòng 
Song Phượng 28.05.2013
 
Kính gởi Quý Niên Trưởng, Quý Văn Thi Hữu Văn Nghệ Tự Do 
Tôi lang thang trong vườn hoa của một chiều Đông ảm đạm. Trời mây thật buồn. Bất giác tôi tiếc nuối những tia nắng hồng, xuyên qua kẽ lá cành cây của một buổi sáng có gió nhẹ. Vài vệt sáng long lanh nằm trên mái tóc Biển  đang chảy dài như dòng suối chảy ngược về tim.
Tôi xoa nhẹ tóc nàng: - Em có nhớ gì không?
Nàng ngẩn ngơ chưa hiểu tôi muốn hỏi nàng những gì, nên Biển hỏi lại: - Anh nói gì mà em chưa hiểu?
Tôi dỗ dành nàng: - Ngày xửa... ngày xưa ... trong muôn ngàn kiếp trước, anh đã dìu em đến dòng suối này, Ngay phiến đá trắng, di tích của nụ hôn cổ tích vẫn còn in dấu môi em đây. Tôi chỉ cho Biển thấy, hai vệt cong có hình bán nguyệt chấp lại như một vành môi.
Biển tư lự hỏi tôi: - Em không tin. Theo em  nghĩ đây là lần đầu tiên anh và em đến nơi này.
Tôi giải thích thêm: - Đúng vậy! Trong kiếp này, đây là lần đầu, tại  dòng suối này, anh đưa em đến đây. Nhưng trong tiền kiếp, anh luôn mời mọc cho bằng được, em phải đến đây, để dòng suối chứng kiến tình sử của đôi ta trong nhiều kiếp. Dòng suối mơ mộng này, anh đã đưa em đến, rồi em lại bay đi. Em đã về Trời vì em là Thiên Sứ. Nhưng em luôn giữ câu thề hẹn và cứ mỗi năm khi những cành huyết phượng nở đỏ rực em lại về. Em ạ! Anh cũng chưa bao giờ quên nỗi nhớ mong. Anh sống trong vô vọng, chỉ một mình lặng lẽ đứng chờ em suốt những ngày dài bên bờ suối mộng này. Trời cao cũng hiểu thấu tâm tình của gã tình si này nên cứ đến Hạ, ngài cho anh gặp em một lần  rồi sau đó bắt em về Tây phương, để anh cô quạnh một mình... Tôi mơ màng trong men tình dịu vợi…
Choàng thức giấc, cơn mộng du vẫn còn âm ỉ trong tôi. Tôi vội xuống bếp, pha một ly cà phê thật đậm, ngồi ngay tại cánh cửa sổ để nhâm nhi giọt đắng. Tôi thêm sữa vào cốc cà phê, tôi lấy thìa đưa nhẹ dưới đáy ly. Tiếng động làm bày chim đang ngủ trên hiên nhà hoảng sợ bay vun vút, rồi đậu rãi rác trên cành phượng trước sân nhà. Còn đang mùa Xuân , Hạ chưa về, nên  hoa phương còn giấu mình dưới những chiếc lá xanh, chờ khoe sắc thắm.
Sau một vài hớp cà phê,  tôi vội tìm máy điện toán và mở điện thư ra đọc. Bất ngờ tôi tìm thấy bài TÌNH MONG của nữ sĩ Song Phượng. Tôi ngấu nghiến và mơ hồ nghĩ vẫn ... Tôi đọc kỹ bài thơ với một nỗi xúc động vừa dằn vặc vừa đam mê… Chữ nghĩa của Song Phượng quá tuyệt vời ! Nàng dùng chữ rất giản dị nhưng thanh âm cao vút đã nói lên được ý thơ, lời thơ một cách tuyệt hảo. Có ai thấy trong một bối cảnh của một mùa Đông ảm đạm thì Song Phượng lại mơ ước ánh nắng hồng. Chỉ chừng ấy thôi, tôi đã nghe thấy âm vang giao động của những giọt nắng đang nhảy múa, hát vang trong một buổi sáng mà những hạt sương long lanh đang ấp ủ những chiếc lá cô đơn trong vườn hoa tươi thắm mà môi ai đang nồng.
Trời thường ảm đạm lúc vào đông
Nuối tiếc làm sao ánh nắng hồng*
 
Cảnh cũ mà Phượng đang ngóng trông là một khu vườn cổ tích, có người xưa đã dìu Phượng trong giấc mộng thật xa xưa. Rồi người tình biền biệt ra đi, để Phương ngóng trông từng giây trong cõi quạnh hiu. Chữ nghĩa của Song Phượng là một thế giới vô hình, nó vừa thước tha như đàn bưóm trong vuờn hoang vùa trang nghiêm như cảnh chùa tĩnh mịch.
Tôi là người chưa biết làm thơ nên không am tường lắm nhưng qua thơ của Song Phượng đã gieo vào tim tôi dãy đầy nụ ấm như răng môi tôi đang hôn nhẹ người tình trong mộng mị. Chỉ có 8 câu ngắn ngủi, từ ngữ chất phát, giản dị mà nữ sĩ Song Phượng đã nói lên được nỗi lòng cách biệt, chờ mong. Rất tiếc tôi chưa có đủ tài năng để diễn đạt những ý nghĩ sâu xa trong thi ca mà Song Phượng đã là một trong những người đã làm cho Văn Học, thi ca, nghệ thuật của hội Văn Nghệ Tự Do mõi ngày mỗi phong phú Cho phép tôi được học thuộc lòng những từ ngữ tuy thật đơn giản nhưng đã mang nhiều hàm ý mà chính tôi cần học hỏi của Song Phượng. Cho phép tôi được ca tụng Song Phượng như một nữ sĩ tài danh... như các Văn Thi Hữu trong Văn Nghệ Tự Do .
Duy Xuyên
 
 Cảm Nhận Thơ Vinh Hồ
                    Duy Xuyên
 
Nhớ
Họa thơ Song Phượng
Tết đến rồi nhưng trời vẫn đông
Rừng trơ cành đứng nhớ xuân hồng
Công viên im ắng mơ sương khói
Ghế đá lạnh lùng mộng sắc không
Bến nước hoang liêu hoài tiếc nuối
Người tình thất lạc mãi thương mong
Chiều nay ngồi đọc bài thơ cũ
Bỗng nhớ về Em héo hắt lòng.
Vinh Hồ  24/5/13
 
Rồi chỉ trong một thoáng giây như ngậm ngùi, như tiếc nuối, nhà thơ Vinh Hồ không chần chừ gieo vận để họa lại bài thơ của Song Phượng, với tựa đề NHỚ.
Chỉ vỏn vẹn có một câu nhập đề 7 chữ, thi sĩ Vinh Hồ đã sáng tạo được một bức tranh mùa Đông rét mướt. Tết đã đến mùa Xuân còn lạnh lẽo, giá buốt phủ giăng, cho ta cái cảm giác cô đơn và lạnh giá! Trời mây ảm đạm. Bầu trời như u - uẩn một tình khúc trong một buổi sáng buồn.
Thơ Song Phượng nói lên nỗi nhớ, niềm mong đợi thì ngẫu nhiên Vnh Hồ cũng đã đáp lại được Người tình vẫn chờ. VH đã không để cho một người tình đang chờ đợi mà thi sĩ Vinh Hồ còn nhân cách hóa cả một rừng thơ đang đứng ngẫn ngơ với những cành cây dường như mõi mòn chờ đợi! Sao người tình chung chưa đến? Hàng cây vẫn  lặng thinh đứng đợi trong vô vọng... khi người tình vẫn mãi mãi phương xa.
Thơ Song Phượng có vườn  hoa, thơ Vinh Hồ có công viên thuở xa xưa, có mây trời hiu hút mờ khói sương chiều, có mây bay thật thấp trên chiếc ghế đá lạnh câm trong im ắng, mà người tình đang ngồi để chờ đợi một hình bóng xa xưa, nhưng hoài công. Vô thuờng là thế!  Có,,, có!  Không ... Không. Vì chẳng còn tồn tại trên cõi đời này. Thơ của Vinh Hồ là bài thơ tình nhưng bao dung cả thiền, cả những triết lý Phật giáo mà bản ngã của con người từ không đến có, rồi thân xác cũng sẽ thành cát bụi. Cát bụi phải trở về cát bụi. Ồi ! CÁT BỤI từ cái không lại trở thành có, quanh quẩn trong ta. Vô thường là thế!
Rồi bỗng chốc Vnh Hồ dở lại những dòng thư cũ, gợi nhớ lại người mình yêu thương, song một thoáng giây tận cùng của nỗi nhớ cho đến vĩnh hằng và vô thường trong tình yêu đôi lứa.Vinh Hồ là một nhà thơ đã thành danh tại hải ngoại.
Tôi đã không dám bình thơ Vinh Hồ mà tôi chỉ đọc thơ Vinh Hồ qua cảm xúc ghi nhận của con tim trong nhiều bài thơ của Vinh Hồ.
Giữa Song Phượng,  Vinh Hồ và cá nhân tôi chưa bao giờ gặp gỡ nhau. Chúng tôi chỉ biết nhau qua những vần thơ trao đổi học hỏi lẫn nhau. Tôi kính trọng Vinh Hồ vì anh đã có những vần thơ yêu quê hương, đất nước./.
Duy Xuyên 
 
Cảm nhận thơ Tố Anh
Duy Xuyên

Thơ Tố Anh:

Ở đây trời đã hết mùa đông
Xuân đến, hè sang rực ánh hồng
Nhớ bạn ngày xưa hay hứa cuội
Hẹn người năm cũ, lại nói không
Thế mà trách móc chàng quên hẹn
Nên đã giận hờn kẻ nhớ mong
Đâu biết người ta yêu đắm đuối
Phượng ơi! trách vội để đau lòng.
Tố Anh
 
Mùa Đông cũng vùn vụt trôi nhanh. Tuyết ngưng bay, thổi trắng áo ai trên đường về.  Nụ cười đỏ thắm trên môi hoa hậu phu nhân Tố Anh, thênh thang, dìu dịu như trời mây Florida. Mùa Xuân len lén trở về trải thảm trên những con đường có bông hoa đua nở, rộn ràng... như Nữ sĩ Tố Anh đã viết:
 
"Ở đây trời đã hết mùa đông
Xuân đến, hè sang rực ánh hồng"
 
Nắng Hè  chứa chan trên các đường phố, có ai đó đang dìu ai trên đường đi dưới nắng. Nụ cười trên vai người tình còn đọng trong mi mắt.  Tình Yêu oà vỡ! Môi ai thắp lửa tô hồng môi em.
Tố Anh và Song Phương là đôi bạn thâm giao. Chuyện gì cũng kể cho nhau nghe. Cũng có thể hai Nữ sĩ này hiểu nhau quá nhiều nên biết rõ tình ý nhau:
 
“Nhớ bạn ngày xưa hay hứa cuội
Hẹn người năm cũ, lại nói không”
 
Cũng có thể Song Phượng đã hẹn với người tình xưa mà chỉ có Tố Anh mới biết được chuyện này, nên Tố Anh đã đùa như vậy?!
Hoặc Song Phượng có hẹn mà không đến điểm hẹn. Trời mà biết. Tố anh ơi! Cho huynh Duy Xuyên tò mò một tí: - Song Phượng đã 'hứa cuội' với người tình xưa mấy lần rôi?
Nhưng không sao! Trong đời ai lại không một lần lỡ hẹn... Có phải không Song Phượng?
 
NGƯỜI TÌNH XƯA, NHA TRANG MÌNH XA BIỀN BIỆT
MƯỜI MẤY NĂM RỒI CÒN  TRĂN TRỞ NHỚ THƯƠNG
 *(Chế Phong Thanh)
Chuyẹn gì cũng có thể xảy ra...
Ai quên hẹn với ai? Song Phượng hay người tình tài danh của Song Phượng mà chàng là một người đã bao lần ru hồn cô học trò bé nhỏ của thành phố biển thân thương mà nay tiếng đàn, lời ca vẫn còn réo rắt trong tim ai, vẫn còn đọng lại đâu đó trên cành phượng vĩ của một thời áo trắng tung tăng trên biển mộng, quên lời Mẹ dặn dò mà  điểm hẹn chỉ còn là cổ tích rồi trách móc người xưa?
 
"(... Vết nồng cháy trên môi em! Ai để lại tình đầu
 Thế cũng đủ! Em đừng sầu trong giấc mộng
 - Chế phong Thanh)
Thế mà sao trách móc chàng quên hẹn:
 *Nên đã giận hờn kẻ nhớ mong
 
 Hai câu kết của Tố Anh đã nói lên nỗi giận hờn của Song Phượng vẫn còn ray rứt đong đầy trong lòng.
 
*Đâu biết người ta yêu đắm đuối
Phượng ơi! trách vội để đau lòng. 
 
Thơ của Tố Anh vừa vui,  vừa đùa, đã nói lên đưọc tâm tình của đôi bạn  Trường Nữ Trung Họ Nha Trang, đã đào tạo ra nhiều thi nhân tài danh như Song Phượng, Tố Anh, Hoài Niệm,  Phạm  Phan  Lang, Diệu Nga, Phương Lan và nhiều người khác ...
Duy Xuyên
 Cảm nhận thơ  Ngô Trưởng Tiến
                            Duy Xuyên
 
Tình Nhớ 
 
Lạnh trọn đem dài khi lập đông
Xa nhau còn nhớ cặp môi hồng
Xuân sang chốn ấy em vui vẻ?
Thu đến nơi này anh vẫn không
Duyên kiếp đôi ta thì đa định
Cuộc đời hai đứa đanh chờ mong
Nơi đây anh cứ luôn trăn trở
Tình đã bay xa tan nát lòng
 Ngô T Tiến.
 05/29/2013
 
Trên đây là bài thơ của Ngô Trưởng Tiến, để họa bài xướng của Nữ Sĩ Song Phượng qua bài Tình Mong. ( Diễn  đàn  Văn  Nghệ Tự Do.
Tôi nghẹn ngào trong cơn xúc động bùi ngùi khi vừa mới đọc một câu mở đầu trong bài thơ họa của nhà thơ Ngô Trưởng Tién "Tình Chờ" qua bài  "Tình Mong" của Nữ sĩ Song Phượng.
Một người đang mong. Một người đang chờ.
Thi ca bao giờ cũng là nguồn gốc của hạnh phúc! Ước  ao! Và vĩnh hằng!
Nhà thơ Ngô Trưởng Tiến đã thả hồn mình trong tâm tư của nỗi nhớ, triền mien  suốt cả một mùa Đông rét mướt, rũ buồn, trong lời thơ … Tình Nhớ. Dường như có cái gì đó vừa báo hiệu cho một mùa Đông giá rét kéo về, với gió bấc từng cơn thổi lạnh buốt:
 
“Lạnh trọn đem dài khi lập Đông …"
 
Tôi liên tưởng đến một đêm Đông, ngoài trời tuyết đổ, gió thét gào, trong căn phòng cô đơn, hay trên một gác trọ lẻ loi, một mình Ngô Trưởng Tiến thì thào trong nỗi thương niềm nhớ: 
 
“Xa nhau còn nhớ cặp môi hồng…” 
 
Chao ôi! Xa nhau đã từ lâu, nụ hồng vẫn còn hằn sâu trong tế bào hệ lụy,  vương vấn mãi trong đời.
Tôi cảm nhận, người yêu của Ngô Trưởng Tiến là bóng mát của cuộc đời, bao quanh tâm tư nhà thơ mà hình dáng khó nhạt nhòa, để đến nỗi, dù chim trời đã bay xa, nhưng nhà thơ lại thở dài trong lo lắng: "Xuân sang chốn ấy em vui vẻ?
Câu hỏi rất chân tình.
Ngô trưởng Tiến buồn ray rứt nhưng mãi mong chờ Người Mình Yêu luôn được hạnh phúc! Vui vẻ!
Cao quý thay! Cho một tình yêu thanh khiết! Cao thượng thay cho chim  trời vỗ cánh bay xa! Chao ôi Người Tình của Ngô Trưởng Tiến là người hạnh phúc nhất rồi đó! Trong đời sống bình thưong, người ta chỉ nghĩ đến người yêu trong một thoáng giây gọi nhớ, nhưng qua lời thơ, tôi cảm nhận tình yêu mà nhà thơ Ngô Trưỏng Tiến dành cho Người Mình Yêu quả là một tâm tình tuyệt vời ít người có đuợc. Tính chất, trong cung cách vùa lãng mạn vùa hiện thực theo lối viét thả hồn thơ lãng mạn, như sóng vỗ tràn bờ, để cho con tim mình đuọc tự do buông  theo những cảm xúc mênh mông:
 
" Lạnh trọn đêm dài khi lập đông
Xa nhau còn nhớ cặp môi hồng..."
 
Nhưng sau đó tình cảm chân thật lo lắng cho người yêu, nên nhà thơ đã thể hiện tâm tư của mình qua đời thường, rất hiện thực trong cung cách thi ca cổ điễn, tình thương, sự săn sóc, nỗi âu lo... "Xuân sang chốn ấy em vui vẻ?
Giờ đây, Ngô Trưởng Tiến đã dùng lý trí, kiềm hãm con  tim  trong thác loạn trào dâng và trở về hiện thực: - Sao em có vui không?
Mùa Đông tuy giá lạnh, âm hưởng của tuyết trời rũ buồn nhưng vừa chớm Xuân, nhà thơ đã nghĩ ngay đến người yêu, nên  tự hỏi: "Nơi đó em có vui không?
Ngô Tưởng Tiến thật là một người tình thật cao quý của con chim đang tung cánh trên bầu trời Xuân với nắng ấm chan hòa...
Lá Thu bắt đầu rơi, trời Thu thường thường vẫn là những ngày buồn dai dẳng, kéo theo những nỗi nhớ triền miên trong tâm tư thật ảm đạm:
 
"Thu đến nơi này anh vẫn không
Duyên kiếp đôi ta thì đã định..."
 
Theo tôi nghĩ nhà thơ Ngô Trưởng Tiến là một người tin theo thuyết định mệnh. Con chim kia có màu lông tuyệt vời mà hình hài nàng là nỗi nhớ liên tưởng, khắc khoải khó phai. Và cuộc đời hai đứa đành chờ mong ngày hội ngộ:
 
"Nơi đây anh cứ luôn trăn trở
Tình đã bay xa tan nát lòng"
 
Tôi cảm phục Ngô Trưởng Tiến chỉ có 8 câu thơ vỏn vẹn đã gây cho chính tôi, nỗi bùi ngùi trong nhung nhớ xa xưa...
Thơ Ngô Trưởng Tiến rất đơn giản đến độ không cần chải chuốc, người đọc hiểu ngay ý thơ, tình thơ một cách mạch lạc với nỗi trăn trở khi mất người yêu.
Cách dùng từ ngữ của Ngô Trưỏng Tiến rất mộc mạc, ngôn ngữ trong thi ca thật chất phát làm cho tôi cảm xúc thật mãnh liệt mà những rung động trong xương tủy tôi réo gọi những nỗi nhớ mơ hồ...
Cho tôi xin phép cám ơn nhà thơ Ngô Trưởng Tiến với nổi xúc động chờn vờn.
Tôi mong sao trong đời này, hay muôn ngàn kiếp mai sau, loài chim xinh đẹp kia sẽ bay về chập chờn trong giấc ngủ rồi đậu nhẹ trên vai của nhà thơ để nỗi nhớ bớt vương sầu và hạnh phúc bao giờ cũng đuợc ban phát cho tình yêu chung thủy.
Duy Xuyên
Tacoma, tháng 5/ 2013
 

MÙA ĐÔNG  TACOMA
Duy Xuyên
 
  

Cơn mưa đầu mùa đã nhỏ giọt.  Trời chiều Thu lành lạnh, báo hiệu cho một mùa Đông giá rét kéo về, dài lê thê với gió bấc từng cơn thổi lạnh buốt thấu xương, mây đen vân vũ, sương mù giăng tỏa, mà niềm thương nỗi nhớ trỗi dậy, ngập tràn thân thể với ray rứt, nhớ nhung len lén vào xương tủy, bâng khuâng và khắc khoải mang đến cho ta nỗi cô đơn tràn ngập tâm hồn.


Xa quê hương, mọi vật rũ buồn thê thảm.  Phố thị không còn là của riêng ta.

Những con đường mang tên em, từng ngõ cụt cũng xa lạ, hững hờ.  Con đường ta đưa em vào mộng mị, không tìm thấy, những con hẻm buồn khi ta chia tay em cũng biền biệt, mất hút, xa lơ xa lắc, chỉ còn  phố thị tấp nập, xe cộ qua lại, chạy vun vút như đâm xả vào nhau.  Nhộn nhịp thật, song ta vẫn thấy cô đơn dị thường!
Ở đây, dường như có cái gì đó xa lạ,  không giống như Nha Trang quê mình.
Ở đây, mùa Đông kéo dài lê thê, tưởng chừng như vô tận.  Bầu trời ảm đạm, sương tuyết ngập tràn vạn nẻo.
Gió lạnh từng cơn kéo về thổi rách toe toét những cánh hoa hồng như đang run rẩy, đến nỗi không còn xót lại một bông hoa nào trong khu vườn nhà tôi. Cây lá xơ xác, đìu hiu.
Cảnh vật buồn tênh với những ngày nắng đi hoang chưa về, nên hoa lá cũng xanh xao, khác hẳn với đầu mùa Thu, các khóm cúc lúc nào cũng tươi cười, reo vui, khoe sắc thắm.
Mỗi buổi sáng, trước khi đi làm, tôi thèm đi quanh quẩn trong khu vườn hồng, với niềm vui rộn ràng của người trồng hoa, để nâng niu, tỉa lá mục, cắt cành khô cho khu vườn thêm xinh xắn.
Mùa Đông ở Tacoma, buồn thê thảm.  Mặt trời từ hướng tây ngả ụp về, bao trùm cảnh vật lúc 3 giờ chiều, mà vẫn còn ngái ngủ đến 8 giờ sáng, mới chịu uể oải vươn mình thức giấc, cũng chẳng mang lại cho ta một tia nắng hanh vàng nào, để mình được ngồi ở ngưỡng cửa, phơi chân dưới nắng ấm, hay bên cạnh người yêu, để quỳ bên chân nàng, nâng nhẹ suối tóc, mượt mà của nàng, để được chính mình sưởi ấm từng sợi tóc mây trong cơn nắng đầu mùa, mà hương thơm của những cánh hoa hồng nghe ngây ngất, làm tâm hồn mình ngỡ như lạc lỏng, chơi vơi trong nắng pha lê lung linh rực cháy, nghe thoang thoảng tình yêu vời vợi trong nắng mới đầu hè, hòa lẫn với hơi thở ngọt ngào của mùi thơm lúa chín.
Mưa cứ mưa. Vào mùa Đông thường thường vẫn là những ngày mưa dai dẳng không dứt, kéo theo những luồng gió lạnh buốt, rét tê tay.  Mưa từ ngày này qua tháng khác.  Mưa hoài không dứt.Ánh đèn đường lờ mờ đủ soi rõ khu vườn tiêu điều, xơ xác, cành lá ủ rũ, gãy đổ vì trận mưa to gió lớn buổi chiều.
Chưa bao giờ tôi thích ngồi đợi những tia nắng tràn về từ đầu ngõ như bây giờ.
Nắng về tràn ngập niềm vui. Nắng len lén liếm gót chân em tôi.  Nắng lên cao, tràn vào sân hôn nhè nhẹ lên tóc nàng.  Nắng buồn em bâng khuâng...  nắng đi em muộn phiền.
Nắng thì thầm bên tai để em tôi thẫn thờ ... 
Mùa Đông ở Tacoma trời giá rét, gió lạnh vi vu rít từng cơn không dứt.  Có những ngày mưa dầm.  Mưa từ sáng đến giữa khuya.  Nền trời như một lu nước bể miệng trút nước ào ạt từ trên mây cao rơi xuống, giăng kín cả khung trời xám xịt.  Gió mưa dày xéo ngọn cỏ cành cây nghiêng ngữa cho ta những buổi chiều mùa Đông trông thật ảm đạm, thê lương, tôi đành ngồi đây, bên khung cửa sổ, chôn vùi kỷ niệm trong tiềm thức, mà mơ về quê cũ. Mẹ già đang tựa cửa, mỏi  mắt ngóng trông đàn con nhỏ, đi xa chưa một lần về thăm mê.
Ở Tacoma, , không có bao giờ, tôi lại được ngồi bên cạnh Thanh-Đào, để kể về cuốn Hồi Ký, "The Voice Of The Heart!" ( Con Tim Thổn Thức!); mà tôi đang viết dang dở cho nàng nghe. Vì ở đây, cái gì cũng vội vã, lăng xăng, tấp nập, vội vàng như những mối tình chớm nở lúc ban mai, rồi hấp tấp chia tay vào buổi chiều, không một lời giã biệt, không một phút giây muộn phiền.
Ở đây, tôi chưa bao giờ bắt gặp  những buổi chiều Hè về êm ả, nhàn hạ, ngồi duỗichân dưới rặng dừa xanh thơ mộng, đợi nắng chiều buông xuống, gió và sóng biển cuồn cuộn, quyện lại với nhau, lung linh, vẽ lên trên các vạt áo dài ngại ngùng trong cơn gió bay, của các nàng nữ sinh Trung Học Nha Trang, thướt tha trong tà áo trắng, đang nhẹ bước trên những hạt kim cương lóng lánh, tạo thành vài áng mây hồng, trôi lững lờ chập chùng với sóng, với nước, hay không đi nữa, mình cũng được ẩn thân dưới những cụm thông già cỗi, thấp lè tè, phủ kín những cặp tình nhân đang thì thầm bên nhau, trên bãi cát trắng xóa, mịn màng, kéo dài với hàng bàng, về mùa đông trụi lá, đứng bơ vơ như mẹ già tàn tạ, mắt trũng thân gầy, phơi tóc trắng, đang run rẩy, ngóng trông, réo gọi đàn con nhỏ biền biệt lâu ngày nhớ  ghé về thăm mẹ trong một khoảnh khắc.
Hàng bàng xanh điểm nắng vàng trải dài từ Ty Bưu Điện, chạy thẳng tắp đến Cầu Đá, tạo thành nửa vòng bán nguyệt xinh xắn, ấp ủ những chiếc áo dài trắng thướt tha của các nàng nữ sinh Trường Nữ Trung Học Nha Trang, kín đáo, thùy mị, với bước chân chim, tung tăng, rủ rê nhau đi dạo biển khi tan trường về, rộn ràng, chiều trên biển mênh mông, mải vui chơi quên lời mẹ dặn dò.
Từng mảng  ký ức đan lẫn vào nhau, cho tôi cảm giác êm ả, da diết, đến bây giờ vẫn còn hiện về trong tiềm thức rõ nét, rồi nhạt nhòa trong trí ức, về biển Nha Trang, nơi tôi đã sinh ra, lớn lên với  hàng ngàn, hàng vạn kỷ niệm dồn dập, không dứt, cuốn hút ra biển khơi, mặt nước gợn li ti vài làn sóng nhỏ, tan ra thành những mảnh vụn, biến dạng, để rồi chìm sâu trong lòng đại dương thăm thẳm, trong đó mình nghe được tiếng thì thầm, xa xa, của những đợt sóng vỗ nhè nhẹ vào bờ, mặt biển lăn tăn nổi sóng, trắng xóa, mờ dần trong bọt biển, chỉ để lại hình hài những con rắn biển khổng lồ, dài thườn thược, đang bò ngổn ngang trên sóng nước bao la, ngàn đời không dứt...
Chiều về, ta đưa mắt mình nhìn ra xa, thật xa, lặng thinh ngắm nhìn những cánh buồm lênh đênh, nhấp nhô ngoài biển khơi xa tít, mấy cụm mây trắng lang thang cuối trời ngoài đảo Hải Yến.
Những ngọn đèn khuya lao xao theo từng gợn sóng để ta ước mơ mình như những cánh buồm vô định phiêu bạt đó đây, ra đi biền biệt, tìm bến lạ, dừng chân, ôm hôn những hạt cát xa, mịn màng, nhưng tràn đầy nhịp sống, mà trong đó chỉ có tiếng thì thầm của con tim thổn thức, đậm đà nhớ thương.
Nha Trang mình đó! Quê hương mình đó! Thành phố biển thân yêu, hiền hòa như tấm lòng của mẹ, tình nghĩa chan hòa của cha.  Ngàn đời không bao giờ nhạt nhòa, trốn chạy vẫn mãi tiếp nối ngậm ngùi tức tưởi.
Duy Xuyên
 

MƯA 
Duy Xuyên
 
Những ngày nắng tàn mang mưa tháng chín đến phủ kín chân ai lỡ hẹn trở về...
Bầu trời lúc nào cũng tối sùm sụp.  Những đám mây đen bỗng nhiên từ đâu ào ào kéo đến, gió cao nguyên rít từng cơn.  Rừng thông già nghiêng nghiêng, oằn mình trong mưa gió.
Đêm yên tĩnh.  Vài giọt mưa gõ xuống từ mái nhà.  Mưa càng lúc càng nặng hạt.
Mưa tầm tã, dai dẳng không dứt.
Sáng sớm, sương mù giăng kín bầu trời, che khuất khu phố bên kia sườn đồi xa xa.
Loài quạ đen xuất hiện, bay thật thấp réo gọi đàn ơi ới, cho ta cảm giác giá buốt lan dần khắp xương tủy.  Mình thấy mình nhỏ bé giữa không gian vô tận, rồi chợt lo toan với những ngả rẽ của cuộc đời.
Mùa mưa ở đây, thật buồn, mưa hoài như những hạt thủy tinh, kéo dài từ ngày này đến ngày khác.  Mưa ngày nào cũng gõ nhịp đều đều trên mái nhà, như những phiếm đàn lạc điệu, để làm buồn thêm cho kẻ tha hương.
Tiếng mưa đêm đôi khi còn cho tôi cái ảo giác, như có chân ai đang nhẹ bước bên thềm, ròi dừng lại, gõ nhẹ lên khung cửa, đợi chờ trong vô vọng.
Tôi cũng có thói quen, vào những đêm rét mướt, ngồi cạnh cửa sổ, nghe mưa gõ nhịp,  nhìn những hạt mưa rơi,  nhịp nhàng, thánh thót trên khung cửa kính.  Tiếng mưa lúc dồn dập, lúc cầm canh.  Những hạt mưa động lại, chảy dài, thành những đường cong lập thể, tạo thành những hình thù quái dị.
Tôi cố nhìn ra khe cửa sổ, ngoài sân mấy hàng thông trụi lá, hờ hững, lạnh lùng, nặng trĩu những cành lá rũ xuống, nhảy múa, chạy dài, lung linh trên mặt đất, xao động, biến dạng hình thù như những bóng ma trơi...
Tiếng mưa đập trên cửa kính đều đặn như một điệu nhạc buồn.  Mưa ở Tacoma mà sao tôi thấy nhớ Nhatrang chi lạ!
Cũng có khi những hạt mưa tạo nên những đường cong huyền diệu, vẽ  thành hình hài các thiếu nữ xinh đẹp, tóc xõa bờ  vai.  Gió rung động nhẹ, buông lơi mái tóc, vào miệng, vào mắt. Tôi nghe thấy hương môi quen thuộc, giục giã.  Với những giọt nhớ xa thăm thẳm mà sao ta vẫn còn nâng niu trong vành môi quá khứ mỗi lần ta bắt gặp em đi hoang trong giấc ngủ với nhiều mộng đẹp.
Nàng đứng run cầm cập, áp mặt sát vào khung cửa, lẳng lơ, đọi chờ, như bóng người đang lấp ló, không quản mưa gió đến thăm tôi, rồi khẽ gõ cửa gọi tên tôi.  Sau một hồi đánh đòn cân não, cầm lòng không đậu, tôi ra mở cửa để cho nàng được vào trú mưa trong những đêm dài vô tận không trăng sao.  Những rạo rực cuồn cuộn, những đam mê bỏ ngõ, thúc giục với tất cả nỗi náo nức trong lòng và  hè phố nằm im như sau một cơn bão lốc, để lắng nghe những xao xuyến, tình cờ.  Ta ngất ngây trong men tình diệu vợi.
Tỉnh mộng, thấy mình bỡ ngỡ, lạc lõng, bơ vơ.  Những vết hằn của năm tháng khôn cùng, những trăn trở của cuộc đời đang kéo về với âm thanh lắng đọng trong một thoáng giây muộn phiền, dẫu xa xôi tôi vẫn ấp ủ trong lòng, rồi nâng niu từng mảnh vỡ của ký ức, nhớ thương về chốn cũ, thương nhớ tên từng con đường, nhớ từng hàng chè bên vỉa hè, nhớ từng khu phố nhỏ khi em tan trường về, con lộ băng ngang nhà ai, gốc hè với xe nước mía, bụi cây, hàng hiên cổng kín cao tường, nhớ từng mái ngói phủ rêu xanh, xám xịt, tường quét vôi vàng đậm của Đình Phương Câu, và nhớ... nhớ rất nhiều Nha Trang quê mình.
Nhiều đêm tôi vẫn nguyện cầu cho Cao Nguyên Tình Xanh có biển, có Xóm Cồn, Xóm Bóng, với dân cư hiền hòa để mình bớt nhớ, bớt thương về quê mình.
Giờ đây tim tôi òa vỡ với những rung động bùi ngùi.
Đang ở Tacoma mà sao tôi thấy nhớ Nha Trang quay quắt. Nhớ Nha Trang của tuổi học trò, khi tan trường, theo ai về xóm nhỏ. .. Nhớ Nha Trang của những ngày Chủ Nhật, ghé Chiều Tím nhâm nhi ly cà phê đá, ngồi nghe Thanh Thúy hát, nhìn thiên hạ thản nhiên bách bộ, phố xá lúc nào cũng thân quen, những vết loang lỗ trên tường vàng đục, của nhà thầy Vĩnh Cang còn nguyên vẹn, khó phai...
Nhiều đêm lang thang trên hè phố Tacoma, ngửa cổ nuốt từng dòng dĩ vãng, tưởng mình đang đi trong khu phố Nha Trang, con đường Phan bội Châu, rạp hát Bác Ái, tiệm vàng Mỹ Kim, vòng qua con dường Trần Quí Cáp. Tôi khóc òa lên,  khi nhận ra khu phố về đêm sao có nhiều xe cộ của người ngoại quốc, rồi ngờ ngợ trong giây lát mới vỡ lẽ ra là mình đang lạc bước phiêu lưu.
Duy Xuyên
Tacoma


Cảm nhận thơ Nguyên Bông
                      Duy Xuyên

 
KHÚC NHẠC RỪNG KHUYA
 
Chiều dần xuống khu rừng già muôn dặm,
Tiếng kẻng thu không vọng chín tầng mây. (1)
Thương về ai trong nỗi nhớ đong đầy,
Ngày chợt tắt theo đồng hồ ngưng lắc…

Điệu sáo muỗi chẳng bao giờ dừng lại,
Tiếng nhạc sành the thé suốt canh sâu.
Loài vạc đêm oang oác nỗi lo âu,
Một trường khúc bắt tù nghe bất tận…

Giọng ai ngáy tựa đờn cò ngây ngất,
Âm vang như thòng lọng siết cổ người.
Gió rít qua song điệu lý mồ côi,
Đêm này nữa là bao đêm trừ tịch?…

Khu rừng thẳm ngày nào reo chiến tích,
Cũng nơi này tim nhịp phách từng giờ.
Đêm từng đêm nuối tiếc quãng trời mơ,
Chuỗi tắc lưỡi thạch sùng than oán nữa…

Tấm vạt nứa cho người tù nương tựa,
Khi trở mình ken két chập thanh la.
Lũ dế mèn say tấu khúc tỳ bà,
Chợt kẻng thức như kèn đồng tan vỡ…
Nguyên Bông.
19-06-2013.
 
(1) Trong các trại tù, người ta dùng dùi sắt gõ lên miếng sắt vụn hoặc chiếc mâm xe hơi cũ để làm hiệu lịnh qui định giờ giấc tập hợp, báo thức, báo ngủ, báo ăn,… 
Từ một nơi nào đó thật xa, tiếng nhạc rừng khuya vang vọng lại, mỗi lúc càng gần hơn, thanh âm nghe đìu hiu, xoáy vào tim óc làm tan nát lòng người đọc.
Tôi im lặng, trầm ngâm trong suy tư chìm nghỉm với điệu nhạc buồn và thả hồn mình theo từng giai âm với nỗi thương đau, lắng sâu trong tâm hồn qua thơ như có tiếng  nhạc Khúc Nhac Rừng Khuya.
 
Theo tôi được biết Nguyên Bông cũng là một nhà văn đã thành danh ở hải ngoại. Ông thường viết văn và làm thơ  về các người lính bị tập trung cải tạo trong những trại giam của Cộng Sản sau 1975.
Qua một vài tác phẩm tiêu biểu, chúng ta thấy Nguyên Bông luôn luôn trăn trở với cảnh đời tù tội.
 
Riêng bài thơ Khúc Nhạc Rừng Khuya là một tuyệt tác, bất hủ vì đó là một bài thơ hay mà khi chúng ta đọc dường như là một bản đại hòa tấu với muôn ngàn âm thanh lẫn lộn trong đó có tiếng kẻng báo thức của trại tù, tiếng vo ve của loài muỗi rừng, tiếng vạc đi ăn đêm gọi đàn ơi ơí, tiếng ngủ ngáy , tiếng gió rừng rít vang vọng, tiếng thạch sùng tắc lưỡi, tiếng vạt giường làm bằng nứa, lồ ô, hoặc tre, kêu ken két, tiếng thanh la, tiếng dế mèn gọi đàn.
Những âm thanh đó quyện vào nhau thành một bản trường ca với nhiều nhạc cụ như sáo, tiếng nhạc sành của người sơn cước, đờn cò, thanh la, đàn tì bà, kèn đồng…
 
Nhà thơ Nguyên Bông chỉ viết có 5 khổ thơ trong một bài họa vận, mỗi khổ 4 câu và mỗi câu 8 từ-chữ mà cũng chỉ vỏn vẹn có 160 chữ mà thi sĩ Nguyên Bông đã tạo được cả âm điệu của nhạc, với nhiều âm thanh hòa lẫn trong đó có quang cảnh trại tù trong một chiều thu dần xuống của một khu rừng già nằm sâu trong những cánh rừng trùng trùng điệp điệp xa phố thị muôn dặm với vầng mây bay thật cao mà đời tù tội thao thức từng đêm từ năm này qua năm khác rồi mơ về những chiến thắng từng giờ với nỗi nhớ người vợ trẻ, bày con thơ, cha mẹ già không nơi nương tựa.
 
Nhạc Khúc Rừng Khuya là một khoảng không gian vô định vào một chiều thu tắt nắng, khi những vầng mây bay thật thấp rồi bỗng chốc có ai đó cất giọng hát khúc nhạc rừng khuya làm cho các cành cây đang ngủ cũng phải thức giấc để lắng nghe và những chiếc lá rừng cũng phải khóc cho thân phận của người tù …
 
“Chiều dần xuống khu rừng già muôn dặm
Tiếng kẻng thu không vọng chin tầng m ây.
 
… Chiều dần xuống!
 Tiếng kẻng thu …
 
Mỗi ngày, khi trời chưa sáng, tất cả tù nhân đã phải vội vàng bật dậy, dưới bầu trời còn lốm đốm vài ngôi sao khuya bơ vơ, lạc lỏng, để trả lại không gian tĩnh mịch của trại giam cho rừng thiêng nước độc.
Khi tiếng kẻng trại giam báo thức lúc 4 giờ sáng, anh em tù nhân chính trị đã phải lồm cồm thức dậy, lổm ngổm thu dọn, chuẩn bị cho một ngày lao động khổ sai, làm việc chết xác mà cơm vẫn không đủ no, vất vả tiếp nối ngày này qua năm tháng nọ, chém cha số kiếp hẩm hiu của người tù. Chiều về, cửa đóng, then gài. Người tù chỉ còn biết leo lên giường tre nằm ngủ để chờ sáng mai, tiếp tục lao động khổ sai.
 
“Thương về ai trong nỗi nhớ đong đầy”
 
Những bàng hoàng rồi cũng qua nhanh, để đêm nay Nguyên Bông phải cúi mặt ngỡ ngàng, chập chờn kỷ niệm, với ký ức bùi ngùi, làm lòng nhà thơ xao xuyến, muốn biết người vợ trẻ hiện ở đâu, để ông khỏi phải nhớ nàng tận đáy lòng hoang dại.
Trại tù vẫn có những mùa trăng thu bất chợt kéo về đây, cũng như trong tâm hồn nhà thơ Nguyên Bông chợt có những nỗi buồn bất thường. Đêm đêm dưới ánh trăng xuyên qua song cửa sổ,  nhà thơ chắc đã tìm đôi mắt ai trong tĩnh lặng, nhắm mắt lại để giữ nguyên vẹn hình ảnh đó khỏi xóa nhòa trong trí nhớ và đêm đêm trong giấc ngủ trên vạt nứa, hồn người thi sĩ chết lịm trong đam mê mà ông đã lưu giữ được những hình ảnh cô đơn đó để mãi đến hôm nay Ông viết lại theo trải nghiệm để có thể cho chúng ta một hoạt cảnh… có mây, gió, kèn, tiếng ngủ ngáy , tiếng phèng la lẫn lộn trong âm thanh dịu vợi.
 
“Đêm này nữa là bao đêm trừ tịch?...”
 
Bảy năm, mười năm hay lâu hơn nữa là có bao nhiêu đêm? Thời gian cũng khá dài nhưng cũng không dài gì cho lắm đối với một đời người nhưng với những kẻ lạc mất nhau thì thật quá dài.
Thật vậy, Người Tù Chính Trị, nhà văn, nhà thơ Nguyên Bông đã thay mặt anh em tù nhân để viết lên những đặm nhớ vời vợi…
 Tôi cũng là một người tù, nên rất thông cảm với nỗi nhớ của Nguyên Bông.
… Có những đêm trong tù, lúc nhà thơ đã nhìn xuống bóng tối mênh mông, đôi mắt ai?... to, tròn, sâu hun hút như một loài hoa Phượng tím, tôi tìm thấy dĩ vãng đang rạo rực trở về trong nỗi nhớ…
Ngọn đồi nào nhà thơ Nguyên Bông đã dừng chân trong một chiều rất lạ mà nghe từng giọt đắng rền vang trong cổ họng.
 
“Khu rừng thẳm ngày nào reo chiến tích
Cũng nơi này tim nhịp phách từng giờ.”
 
Làm sao Người Lính Già Nguyên Bông có thể quên được những chiều hành quân, dừng chân bên bờ rừng, nơi đây cũng có thể là gác trọ, để sáng hôm sau vội vả xâm nhập cứ điểm của địch với chiến thắng vang dội.
Tôi thấy vầng trán nhà thơ thật cao, lông mày Ông nhíu lại với những kiêu hãnh của một Người Lính Già đã trải qua quá nhiều gian lao trong trại tù Cộng Sản.
 Trong khổ 3, nhà thơ đã viết"
 
“Giọng ai ngáy tựa đờn cò ngây ngất
Âm vang như thòng lọng siết cổ người.”
 
Người tù sau một ngày lao động khỏ sai, tối về ngã lưng ngủ thiếp đi trong mệt mỏi của thể xác lẫn tâm hồn.
Có chàng ngủ yên như chết, có người ‘ngáy’' thật to, làm giật mình người tù bên cạnh mà nhà thơ ví tiếng ngáy tựa đờn cò. Lối so sánh của nhà thơ quả là phong phú.
Chiều về, nằm nghe tiếng suối reo róc rách, trầm buồn, xa vắng. Trại tù trong những cánh rừng sâu trở nên hoang vắng … đìu hiu với những đám mây trôi lờ đờ thật thấp, bầu trời màu tím, màu tím của nhớ thương. Tâm tư người tù lững thững , chợt thấy nhớ người vợ diệu vợi mà thả hồn theo mây bay lang thang … cuối trời.
 
“Ngày chợt tắt theo đồng hồ ngưng lắt…”
 
Ngày chợt tắt đã mô tả được một buổi chiều người tù uể oải vác cuốc từ đồng xa trở về trại.
Người nào người nấy thở không ra hơi mà còn phải nghe quản giáo lẻo đẻo theo sau:  “Rằng thì là làm
chưa đủ chỉ tiêu của trại đề ra. Tối nay phải làm kiểm điểm để ngày hôm sau tranh thủ làm tốt hơn.
 
“Điệu sáo muỗi chẳng bao giờ dừng lại,”
 
Câu thơ trên làm tôi nhớ lại có những đêm trong tù, tôi cứ lăn qua trở lại trên tấm vạt nứa mà khi trở mình kêu ken két không thể nào ngủ được. Nỗi khiếp sợ vì cơn đói lúc nào cũng cồn cào ruột gan và bày muỗi đói, bày rệp túc trực, chờ chực để tấn công trên thân thể gầy đét, xanh xao của người tù vì thiếu máu, đói cơm.
Đêm đó, có cái gì nhồn nhột trong lỗ tai, tôi đưa ngón tay vào chỗ bị ngứa, thì ra là một chú muỗi. Tôi bắt hắn, để vào hai đầu ngón tay, bặm môi nghiền nát con vật. Máu đỏ tươi của con muỗi dính đầy hai ngón tay, tôi đưa lên mũi ngửi, mùi tanh hôi khó chịu tràn vào phổi nghe rờn rợn.
Thật ra tôi căm thù loài muỗi hơn cả bọn quản giáo trại tù.
Loài muỗi rừng to như loài ong mật đã rình rập anh em tù nhân chính trị trong giấc ngủ và chúng còn bám sát anh em để hút máu ngay cả khi tù nhân đi thải khí độc ra ngoài…
 Tôi đọc thơ Nguyên Bông với một cảm xúc thật mạnh mẻ như người vừa nghe được tiêng thơ.
Nguy ên Bông ơi, thôi cứ để cho Khúc Nhạc Rừng Khuya chấp cánh bay cao theo cơn gió lạnh tù đày năm nào trôi qua thật nhanh. Biết đâu trong một khoảnh khắc nào đó, dư âm của lời thơ sẽ quấn quít, quyện vào những giọt nhớ, thơm ngon trên môi, vẫn còn phảng phất đâu đó và biết đâu trong tâm hồn của người trai tuấn kiệt vẫn còn âm ĩ bóng dáng ai, tại một cổng trường điểm hẹn   ... ngày xưa ấy.
 
 Một người lính già với chất thơ trử tình để có khi  chàng phải khóc, ảo ảnh cả một đời người.
 
Nguyên Bông  à! Mỗi một người đều có một cái gì đó để nhớ để thương, để ru đời mình vào giấc ngủ no say. Nguyên
Bông c ũng đã có những vết thương đau chưa lành.  
Thơ Ông rất thanh thoát nhưng cho đến bây giờ vẫn còn nghẽn ở một chỗ nào đó trong những ngăn tế bào của người
lính, mà nhà thơ thỉnh thoảng tuôn trào dòng nghĩ như nước tràn vỡ bờ. Nhờ vậy mà chất thơ của Nguyên Bông bao giờ cũng mang một chút ít hiện thực rồi đưa độc giả đến ngồi cạnh một thiên đường, bên bờ triết học sâu xa, mà nếu không chịu khó tìm những ý tưởng sâu xa thì tưởng là đon thuần nhưng thực chất lời thơ mang nghĩa bóng của đời thường.
Thơ Nguyên Bông thật  hay. Thanh thoát và tuyệt vời. Giản dị nhưng bao hàm trong đó còn chất chứa những cung bậc của thơ nhạc. Bài thơ này đẵ được nhạc sĩ tài danh Linh Mục Si Tình phổ nhạc và tôi đã nghe đâu đó có tiếng chập chùng dưới đáy ly cà phê buổi sáng vừa thức dậy./-
Duy Xuyên
Tacoma, 1/7/13
 
 
 
Cảm Nhận Thơ Tuấn Đinh
                    Duy Xuyên
       
Đời Vợ Tù
 
Mòn mỏi ngậm ngùi nghe hờn vạn dặm
Biền biệt người đi dõi ngút trời mây
Nhớ thương nhau sầu khắc khoải vơi đầy
Dòng lệ thảm u hoài đèn leo lắt

Vận nước nổi trôi lụy người ở lại
Thấm đọa đày chồng tù tội rừng sâu
Sớm hôm tảo tần chẳng kịp sầu âu
Thương con trẻ đói nghèo thù bất tận

Đêm từng đêm nghe buồn thương chất ngất
Ngõ ngách tuần tra thú đội lốt người
Đời vợ tù thân tựa thể mồ côi
Vầng trăng nghiêng trải trang sầu cô tịch

Mong chồng trở lại như chừng cỗ tích
Nhà đảng mượn chẳng trả lại bao giờ
Lực mỏi sức mòn một sáng tinh mơ
Hồn cô phụ ra đi không về nữa ...

Ôi thảm thiết ! Đàn con không chỗ tựa
Thân cút côi lạc lõng trời bao la
Ngày trở lại náu nương chốn ta bà
Còn đâu nữa mối tình xưa đà vỡ ...



  Tuấn Đình 19.6.2013
 
 

Chì mới 2 câu vào đề, nhà thơ Tuấn Đình đã nói lên được nỗi xót xa của than phận người vợ tù khi được biết tin chồng bị bắt đi tù.
 
"Mòn mỏi ngậm ngùi nghe hờn vạn dặm
Biền biệt người đi dõi ngút trời mây"
 
Tôi vùa đọc vừa nghe thấy tiếng khóc nghẹn ngào của người vợ tù, ngã quỵ,  xuống sàn  nhà, nằm bất động, khi thấy công an dịa phương đến trấn áp và đẩy chồng lên xe bịt bùng. Nàng chỉ biết nằm khóc thê thảm trên nền xi măng loang lổ với bao nỗi bùi ngùi mà âm vang nghe lao xao từng hơi thở dài, nghẹn ngào,  còn đọng lại đâu đây trong đêm tĩnh mịch.
 
Bỗng chốc đổi đời.  Đổ sụp! Trong những tháng năm chồng bị tù tội, người vợ tù mới kịp nghĩ về cảnh đời hiu quạnh. Nhiều đêm trăn trở, với bóng tối dày đặc, che phủ cuộc đời, bằng ánh đèn leo lắt, nỗi nhớ nhung ray rức, những thôi thúc đột ngột, với những nhớ thương tận xương tủy, người vợ tù muốn đi thăm chồng ngay trong ngày hôm sau nhưng lấy tiền đâu để mua gạo thăm chồng. Có nhiều người vợ tù muốn viết vài dòng thăm hỏi chồng, nhưng không rõ chồng mình đang bị giam cầm ở đâu!?
Người Lính trở thành Người tù chẳng mấy chốc. Hiện  tại là thực, dĩ vãng vàng son là hư ảo. Chẳng biết hư thực ra sao?
 
"Nhớ thương nhau sầu khắc khoải vơi đầy
Dòng lệ thảm u hoài đèn leo lắt"
 
Cả hai vợ chồng đều khắc khoải chờ tin nhau. Người vợ tù ngồi chong đen leo lắt. Ánh sáng vàng vọt không đủ tỏa khắp đơn phòng với bao nỗi đợi chờ,  nhạt nhòa trong hơi thở dài, buồn tênh. Rồi từng đêm  từng đêm thơ thẩn nhớ từng đêm!
 
Còn trại giam tù làm gì có đèn để soi sáng. Những que tre làm đóm để hút thuốc lào, anh em tù nhân chuyền tay cho nhau để giữ lửa, không thể nào soi sáng nét mặt xanh xao của tù nhân đang lên cơn sót rét hoặc vì thiếu cơm ăn... Ngày đêm rỗng tếch, tháng ngày trước mặt là vực thẳm, những trận đòn thù còn in sâu lưu dấu  trên thân thể. Tương lai người tù bao giờ cũng ở phía sau lưng, mờ mịt, với tháng ngày lao động cùng cực, thương đau.
 
Có những người vợ tù đang cuốc đất một mình trên đồi vắng trong khoảng khắc, nàng chợt nhớ đến chồng quay quắt nhưng rồi những lỗ mì chờ cuốc, kéo chị ra khỏi vùng mộng mơ, những căm hờn hừng hực trong lòng trút lên từng nhát cuốc trên đất đá khô cằn, tuy có sức chị nhưng sỏi đá cũng chẳng thành cơm bao giờ đâu hỡi hồn ma Tố Hữu!.
 
Chỉ có nhóm từ 5 chữ: "chồng tù tội rừng sâu" của nhà thơ Tuấn Đình, đã cho tôi thấy bóng dáng của người tù đang dằn lòng mình đuới những cơn mưa dai dẳng để phá rừng làm rẫy. Chiều về, bước vào trại , cửa đóng then gài kín mít, leo lên sàn gỗ, người tù thầm nhớ vợ ngập tràn thân thể, thẫn thờ hơn bao giờ hết. Chàng không biết vợ mình hiện đang bị lưu đày ở vùng kinh tế mới nào hoặc nàng đang lang thang trên những chuyến xe lửa đêm để giấu từng gói nhỏ cà phê đem vào Sài Gòn để bán mà nếu bị bọn công an kinh tế bắt, tịch thu hàng hóa, chị có thể nhào ra khỏi toa xe lửa để tự tự vì không còn vốn để nuôi con.
 Cứ thế, cuộc đời của đôi vợ chồng tù bị đày ải, khổ nhục trầm luân, trôi dần theo năm tháng đọa đầy trên thiên đàng của cái địa ngục xã hội chủ nghĩa này!
Nhà thơ Tuấn Đình đã mô tả cảnh đời của Người vợ tù thật chính xác:
 
"Vận nước nổi trôi lụy người ở lại
Thấm đọa đày chồng tù tội rừng sâu
 
Sau 75 giặc phương Bắc đến, họ dồn hết tất cả ai có liên hệ đến Chính Quyền Miền Nam Việt Nam  vào rừng sâu núi thẳm. Còn các Người Vợ Tù thì bị cướp nhà và bị đày lên các Vùng Kinh Tế Mới để vừa bồng con thơ, vừa đào khoai bới sắn. Hệ lụy vướng mắc cả ba đời người mà chỉ có cái chết mới thanh thản đời mình.
 
Người vợ tù là nạn nhân thật sự của chế độ. Dù cố gắng như thế nào thì cơm  cũng không đủ ăn, áo không đủ mặc và phải sống lang thang, nay đây mai đó, không cửa không nhà ngay trên lòng đất quê hương của họ...
Người vợ tù và những dứa con tù; cũng được nhà thơ Tuấn Đình mô tả như sau:
 
"Sớm hôm tảo tần chẳng kịp sầu âu
Thương con trẻ đói nghèo thù bất tận:
 
Con của tù; người Cộng Sản cũng thù bất tận. Các em phải theo mẹ bị lưu đày nơi rừng sâu hẻo lánh, không được đi học. Các em gái phố thị thoáng chốc đã thành gái quê, với ánh mắt u buồn như gùi sơn nữ đựng cả rừng sâu. hiện rõ trên  nét mặt đăm chiêu nhưng không giấu được bao nỗi u sầu. 
 
Niềm bất hạnh đến với các em như con dao nhọn đâm thủng vào tim các em.Tuổi các em đáng lẽ phải được nuông chìu sống tươi vui với chuỗi đời thơ ấu, ngày ngày vui chơi, cắp sách đến trường, học hành với bè bạn do sự săn sóc dạy dỗ của thầy cô, nhưng sao xã hội, chính quyền 'do dân, của dân'?! lại làm ngơ, hay cố ý trả thù, rồi đưa đẩy các em đã phải lâm vào hoàn cảnh bi thảm.
 Nay các em đã lớn muốn biết mặt cha nhưng khi cha về chúng ngần ngại không quen!
 Cha bỗng trở thành xa lạ!
 
Ai đã bị tù Cộng Sản, và ai đã từng là Người vợ tù mới nhìn tận mắt thấy, tai nghe ... những ê chề dành cho vợ con tù... mới rung động bùi ngùi qua thơ của Tuấn Đình. Ông có biệt tài đưa ta vào cảnh đời tăm tối, của gia đình có người bị đi tù mà thấy tang thương đến nghẹn ngào rơi lệ.
 
"Đêm… từng đêm nghe buồn thương chất ngất"
 
Phải đó! Cái nỗi buồn chất ngất, từng mảnh vụn của con tim như đi hoang, ký ức bỏ ngõ, hình ảnh của người vợ tù bao giờ cũng hiển hiện yên ả trong tĩnh lặng, từng góc cạnh mơ màng của ý niệm viễn vông với nỗi buồn man mác, từng gốc cây cổ thụ cuối rừng, từng mảnh vụn hoài bão thương đau, ngay cả trong những giấc ngủ thật ngắn, ngã lưng vào gốc cây, bao giờ cũng lồng lộng bóng dáng yêu kiều của người vợ chẳng may có người chồng phải ngồi rũ tù chờ chết.
 
 "Đời vợ tù thân tựa thể mồ côi"
"Vầng trăng nghiêng trải trăng sầu cô tịch"
 
Trại tù vẫn có những mùa trăng đến thật bất chợt đổ về, cũng như trong tâm tư người tù chợt có những nỗi buồn bất thường. Đêm đêm dưới ánh trăng nghiêng qua khung cửa sổ nhà giam, người tù thường tìm mắt ai trong tĩnh lặng, khép mi lại để giữ nguyên vẹn hình ảnh người vợ khỏi xóa nhòa trong trí nhớ, và đêm đêm trong giấc ngủ người tù đã chết lịm trong nỗi nhớ ngút ngàn với ánh trăng sầu cô tịch còn đang miệt mài trong giấc ngủ lang thang...

"Mong chồng trở lại như chừng cổ tích
Nhà đảng mượn chẳng trả lại bao giờ"
 
Ôi chao! Nhà thì bị giặc tướt đoạt. Chồng thì mút mùa cải tạo. Thân hạc gầy gió thổi bay bay. Cuộc sống lênh đênh. Cái oan nghiệt chưa bao giờ tưởng tượng được, lại có thật trên thân thể của Người vợ tù.
 
"Lực mỏi sức mòn một sáng tinh mơ
Hồn cô phụ ra đi không về nữa ..."
 
Đói khát luôn luôn hành hạ tinh thần và thể xác của Người vợ tù. Than vãn! Liệu hồn! Phản động đó! Chết đòn đấy! Những nỗi bất hạnh đã nhẫn tâm gieo vào cuộc đời của những người vợ tù, để phải gánh chịu nỗi căm thù, giáng vào đầu của phía bên kia. Sức tàn hồn cô phụ ra đi và không về nữa ... Giải khăn sô lại được chít trên đầu của các con thơ ngơ ngác.

Ôi thảm thiết ! Đàn con không chỗ nương tự
“Thân cút côi lạc lõng trời bao la"
 
Cha đi tù! Mẹ chết vì kiệt sức. Đàn con bơ vơ! Kiếm cơm  chỉ còn cách bới những đống rát thúi, lượm lặt từng mảnh ni-lông sinh sống qua ngày!
 
"Ngày trở lại náu nương chốn ta bà
Còn đâu nữa mối tình xưa đà vỡ ..."
 
Năm năm, mười năm hay lâu hơn nữa, người tù trở về, không biết mồ vợ để tìm. Đàn con thơ nay lưu lạc góc đuờng,  hè phố nào cũng chẳng biết cha chúng đuợc tấm lòng nhân đạo của đảng thả về vời thân thể mục nát, bệnh hoạn chỉ chờ chết.
 
Nhà thơ Tuấn Đình, vời lời thơ mộc mạc, bình dị đã gây cho tôi niềm xúc động bùi ngùi.
 Tôi tạ ơn Nhà Thơ lão thành Tuấn Đình đã gói ghém chữ nghĩa tuyệt vời để lại cho đời một bài thơ nói lên cảnh đời đen bạc của thân phân Người Vợ Tù chính trị sau năm 1975.
Duy Xuyên
 
 
CẢM XÚC KHI ĐỌC THI TẬP
"TRĂNG NƯỚC BẾN BỜ XƯA"
Của UYÊN  THÚY LÂM
Duy Xuyên
 
 
Tôi nhận đuợc Thi tập của thi sĩ Uyên Thúy Lâm (UTL) gởi tặng. Thi tập do Tác giả xuất bản lần thứ nhất tại Hoa Kỳ và tác giả giữ bản quyền, vào tháng 3 năm 2015.
Tôi xin phép đuợc chia sẻ những nỗi trăn trở, khát vọng của THI SĨ Uyên Thúy Lâm muốn trình bày với chúng ta những vụn vỡ ngoằn ngoèo mà tình yêu - cuộc đời – Anh và Em - Nguời Tình của một thời ký ức đã vuốt mặt ra đi... và những nỗi đau đó vẫn còn tồn tại, đầy đọa trong cơn điên-tỉnh-ngủ của nhà thơ Uyên Thúy Lâm.
Nhà thơ Uyên Thúy Lâm cũng đã tâm sự với chúng ta:
"...Cá nhân tôi đến với thơ có lẽ cũng đon giản như nguời thi sĩ thuở hồng hoang, cũng dễ mềm lòng truớc nhân vật, cảnh vật, cũng dễ bâng khuâng với đất trời." 
Thật vậy, nhà thơ gốc nhà giáo Uyên Thúy Lâm đã viết lên những trang thơ thật phong phú, mang nhiều thanh âm của tình yêu đôi lứa:
 
"Lòng tự hỏi làm sao nguời thấu đuợc
Những u hoài năm tháng chất trong tim
Những trăn trở suốt một đời luân lạc
Chim cành Nam, ngựa ải Bắc mong tin."
 
 Tình yêu dù ở hay ra đi, buồn vui hay hạnh phúc cũng chỉ là những viên sỏi lăn mòn trong ký ức trên chặng đuờng của đời thuờng.
Còn thân phận con nguời như là chiếc lá bay qua cõi tạm rồi một ngày chỉ còn lại sự im lìm vô vọng. Nhớ về hay giữ lại, nhà thơ Uyên Thúy Lâm đã đưa chúng ta vào tâm tư ngậm ngùi với nỗi đau lạnh cóng của nguời tình khi xa nhau, nhưng vẫn còn hoài mong, luyến tiếc:
 
"Anh có biết quá nửa đời gian khổ
Diệu kỳ thay nguời tìm lại đuợc nguời.
Xin cùng lắng tiếng thì thầm trong gió
Chuyện nghìn năm mầu ký ức xanh tươi."
 (Tri Ngộ, UTL, trang 5). 
Nữ sĩ viết:
"Có phải mầu xanh của núi rừng
Của cành thông biếc lúc sang xuân
Của ngàn cây lá và hoa nữa
Em ở bên ta lúc... ngập ngừng..."
 "Có phải mầu hồng đôi má say
Cho đời thêm những nét trang đai
Bao nhiêu hoa đẹp trong vuờn thắm
 cũng sánh chưa bằng môi má ai?
(Sắc Màu, trang 69).
 
*Chữ nghĩa của nhà thơ UTL thật giản đơn, quá mộc mạc nhưng thật gợi tình: "lúc... ngập ngừng...", "môi má ai?" Cho ta cái cảm giác ngây ngất, quấn quít vừa khêu gợi làm sao! Phải rồi, chàng vẫn còn ngập ngừng muốn hôn lên môi má của nguời yêu, nhưng chàng vẫn còn chần chờ chưa dám. 
Đối với cá nhân chúng tôi, Thi Tập “Trăng Nuớc Bến Bờ Xua”, có thể nói là những trang thơ hay, đuợc viết duới ngòi bút giản dị, mộc mạc của nhà thơ Uyên Thúy Lâm, nữ sĩ vừa cảm nhận đuợc, vừa nhớ lại từng chi tiết còn đang hằn sâu trong tâm khảm, để viết lại, như một nhiếp-ảnh-gia chuyên nghiệp. Nữ sĩ đã thu đuợc trong ống kính và nay nhà thơ mới cho chúng ta xem những phóng ảnh thực tế, đuợc chọn lọc trong không- ảnh của ngăn tim mà hình ảnh cực kỳ sống động.
Một tập thơ thật giá trị để cống hiến đến quý độc giả của nhà thơ Uyên Thúy Lâm với những tâm tình cao quý nhất, và có thể là những từ ngữ xuất phát từ nội tâm riêng của mỗi nguời trong chúng ta.
Thi Tập “Trăng Nuớc Bến Bờ Xua” là đứa con tinh thần đầu lòng của nhà thơ trong vòng vài tháng nay.
“Thi Tập” gồm 72 bài thơ, đuợc trình bày thật trang nhã trên 270 trang. Trong đó có 7 bài thơ đuợc phổ nhạc với các nhạc sĩ đã thành danh tại hải ngoại như: LMST, cũng Đan, Thiện Lý, Nguyên Long, với những ca khúc sau đây:
- 1/ Đan Chim Nhỏ (Nhạc Thiện Lý) trang 62.
- 2/ Thiên Thu (Nhạc Nguyên Long) trang 152.
- 3/ Lối Thu Xua (Nhạc Lộc Tòng) Trang 183.
- 4/ Giấc Mo Đầu (Nhạc Nguyên Long) Trang 203.
- 5/ Đâu Còn Em Bên Tôi (Nhạc LMST) Trang 213.
-6/Vuờn Hương Cổ Tích (Nhạc cũng Đan) Trang 221.
- 7/ Vuờn Hương Cổ Tích (Nhạc LMST) Trang 222.
 Thơ của nữ sĩ Uyên Thúy Lâm cũng là nguồn hứng cho nhiều thi nhân khác, nên thi tập của nhà thơ cũng đa đuợc nhiều thi nhân thành danh ở hải ngoại như Hoa Văn, Tuờng Vy, Lê Ngọc Kha, Vũ Linh Huy, Thương Anh, Tạo Ân, Nguyễn Thanh Ty, Tố Anh, Mây Hoài Hương, Tuấn Đình, Nguyên Bông, Bùi Thạch Truờng Sơn, Ngô Tuởng Tiến, Thụy Hoài Như, Hàn Tuy Xát, Lộc Tòng, Song Phuợng, Vinh Hồ, Quỳnh Trâm Anh, Phi Bảo, Nguyễn Hoàng Linh, Cuồng Đao, Nam Thảo, Tuấn Đình, Lê Dung Phạm Phú, Nguời Xứ Vạn, Duy Quang, Trần Minh Hiền, Lê Phi Ô, Lãng…, Trần Doãn Nho, Trăng Ngàn, Lê Thị Hoài Niệm, Trần Thu Miên, Mây Hoài Hương... *Xuớng - *Họa.
Do đó, chúng ta có dịp may mắn để nghiền ngẫm, ngấu nghiến từng chữ, từng lời của ý thơ rất linh động, để ta có cái hạnh phúc to lớn quá đỗi đó! 
Ngoài ra, Thi Tập của nhà thơ Uyên Thúy Lâm cũng đuợc các nhà văn tên tuổi của hải ngoại đã viết những Cảm Nhận, Những Giòng Giao Cảm, Đọc Thơ... của nữ sĩ như:
1/ Nhà thơ, nhà văn Vinh Hồ, Chủ Tịch Văn Bút Vùng Đông-Nam Hoa Kỳ.
(Cõi Thơ Uyên Thúy Lâm, Điệp Khúc Chia Ly, Hoài Vọng, Thương Nhớ, Đi Tìm.Trang 12)
2/ Nguyễn Triệu Việt: (Những Giòng Giao Cảm Về Nữ Thi sĩ UTL. Trang 33)
3/ Hoa Văn: (Vài Lời Giới Thiệu. Trang 125)
4/ Trần Minh Hiền
(Đọc Thơ Uyên Thúy Lâm. Trang 137).
5/ Thuong Anh
(Đôi Dòng Về Nguời Thơ UTL. Trang 185)
6/ Tạo Ân:
(Nỗi Khát Khao Một Đời Tìm Mãi. Trang 234)
7/ Trần Thu Miên
(Dòng Thơ Nữ Việt Lãng Mạn. Tramg 247).
8/ Trần Doãn Nho:
(Đôi dòng Về Nhà thơ Uyên Thúy Lâm. Trang 228).
 Nhà Văn Vinh Hồ đã viết:
"Cõi thơ Uuyên Thúy Lâm vừa trữ tình lãng mạn, vừa đoan trang mẫu mực, mộng thực đan nhau. Có những khổ thơ tả cảnh thần sầu, cũng có những đoạn thơ tả tình tinh tế. Nơi đó, đạo đức phẩm hạnh của nguời phụ nữ VN đuợc tôn cao." (Trang 12.)
 Ta thử đi tìm cái vừa trữ tình lãng mạn trong thơ UTL mà nhà văn Vinh Hồ đa nhắc đến:
Thật vậy, thơ UTL trữ tình, lãng mạn thật:
 
*Trữ tình:
"Trong cũng cấm sao chàng lặng lẽ
Không cuời vui bên thiếp hiền ngoan
Chung mỹ tửu chiều nay uớp lệ
Chàng không vui, lòng thiếp ngỡ ngàng."
Rồi:
"Chàng đi ngàn dặm ngoài biên ải
Lòng thiếp theo chàng đến cố cũng"
Và:
"Thẩn thờ gối chiếc canh thâu vắng
Một nửa vầng trăng luống bẽ bàng!"
 * Lãng mạn:
"Khúc Nghê Thuờng xiêm y rực rỡ
Ruợu bồ đao cùng uống chung môi"
(Tình Sử Cổ Loa Thành, trang 76).
 
 UTL đa viết, lời thơ rất mộc mạc, giản đơn nhưng chan hòa tình cảm.
Thơ UTL vừa trữ tình, vừa lãng mạn, đôi khi nữ sĩ để cho con tim của mình tuôn trào theo những dòng nghi thật lãng mạn như sóng vỗ tràn bờ nhưng sau đó nhà thơ đa dùng lý trí để kìm hãm con tim như thủy triều đang dâng, mà nhà thơ đa đưa hồn thơ từ lãng mạn về trữ tình rồi sau đó nữ sĩ đã dùng ngòi bút điêu luyện của mình chuyển những dòng thơ đó trôi về cổ điển:
 
"Hẹn sẽ chờ nhau dù trọn kiếp,
Đuờng bao xa, núi cách sông ngăn.
Ta vẫn tìm nhau trong giấc điệp
Tay trong tay như đã bao lần.).
(Đi Về Có Nhau, trang 114).
 
 “Thi TậpTrăng Nuớc Bến Bờ Xưa” cũng đã đuợc Nguyễn Triệu Việt, cây bút gạo cội của Bán Nguyệt San Văn Nghệ Tiền Phong viết Những Giòng Giao Cảm.
*Ông viết:
"Thơ của chị sang cả, tuyệt vời. Chữ nghia lồng lộng diễm ảo như khói suong, đủ để đắm say lòng nguời lữ thứ."
(Những Giòng Giao Cảm...
 Trang 33).
*Ta thử đi tìm Chữ Nghia Lồng Lộng của Nhà thơ UTL:
* Diễm ảo Như Khói Sương:
 
" Hàng cây đọng bóng lung chiều
Sương mù Đa Lạt gợi nhièu nhớ thuong"
 "Cà phê Thủy tạ suong ngàn
Phở Tùng thuở ấy vội vàng chia tay."
 "Dốc Bùi Thị Xuân mưa tuôn
Áo em đẫm uớt cùng thuong dáng gầy."
(LANG-BIANG ĐÓN BUỚC EM VỀ, trang 141) 
 
Thật vậy, thơ UTL như sương như khói, khi muốn nói đến hình dáng của một nữ sinh, chiều tan truờng về, bất chợt mưa tuôn... Có những giọt mưa ngâu từ mái tóc nhiễu xuống, chảy dọc theo đôi má trắng ngần, từ từ lan ra thân áo dài mỏng truớc ngực, vai gày sau lưng làm chiếc áo dài bị nuớc mưa đẫm uớt... Gợi cho tôi thấy dáng nàng e thẹn vội vã buớc nhanh về nhà, cho tôi muờng tuợng đuợc chiếc áo dài mỏng dính bám vào da thịt, rồi vai gầy lồ lộ...
Từng nhịp đập bồi hồi!
Nhà thơ đa dừng lại ở đây, vì ngòi bút của UTL lúc nào cũng đoan trang mẫu mực. Viết để cho nguời đọc tự hiểu, tự muờng tuợng, do đó tôi đã hình dung đuợc da thịt trắng nuồn nuột của một nữ sĩnh đi duới con mưa. Tôi cắn chặt răng môi. Da thịt đi hoang. Xương tủy rập rờn trong thân thể. 
Thơ của UTL thật lãng mạn nhưng chừng mực, dừng lại để nguời đọc phải tức tuởi, tò mò... 
*Tạo Ân đã viết: "Ở Uyên Thúy Lâm, thế giới ão trải rộng và hấp dẫn hon đời thuờng vì lý trí phải lùi lại để dành chỗ cho tiếng nói của con-tim-ngọt-đắng của gặp-gỡ chia-ly..."
(NỖI KHÁT KHAO MỘT ĐỜI TÌM MÃI..., trang 234)
Nhà thơ, Nhà Văn Tạo Ân đã chỉ cho ta thấy cái bạo dạn phá cách trong tình ý của nhà thơ nữ UTL dã cho chúng ta đọc những dòng nghĩ mà nội tâm rất thóang...
 
"Ta bên nhau chung lời Thơ thân ái
Nguời bên nguời dòng nhạc đuợm nghia ân.
Đời tha phuong nhớ ngày xua có phải
Vọng cố huong hồn theo áng mây Tần.
 Này đa qua đoạn truờng chinh máu lửa
Lạc mất nhau hun hút đa tàn hơi.
Đời dun rủi diễn đan này hội ngộ
Giữ chân tình, dù năm tháng mù khơi.
(Tri Ngộ, trang 5)
  
Xin Mời Quý Độc Giả, đọc bài :
“ Đoàn Quân Đi" (Trang 193),
Mùa Thu đã hoe vàng theo sợi nắng
Hoa cúc nở thờ ơ triền suối vắng
Mắt ai hoài xao động bóng quân đi
Chiến địa hoang tàn ghi dấu phân ly
 Đuờng hành quân sục sôi miền nắng cháy
Ta biết em ngóng chờ tin chua lại
Đồng đội còn bên chiến luy hào sâu
Nên đời ta vẫn cách bến giang đầu
 Ầm ào vọng phía truờng son vách núi
Đoàn quân đi chập chùng làn mưa bụi
Vẳng thôn xa nghe tiếng mẹ ru hời
Ngủ ngon con, cha về lúc yên vui
 Trong gió lộng vang vó câu chiến mã
Nắng cháy da hay mưa rừng tơi tả
Tạm hiến thân này cho đến tàn hơi
Đâu thể buông guom súng ngủ bên trời!
 Tháng năm qua tóc pha màu suong tuyết
Trong lớp nguời viết sử xanh hùng liệt
Tổ quốc truờng tồn qua Đinh Lý Trần Lê (9 chữ)
Thì em ơi, em cố đợi ta về!.
 
 *Chỉ trong 20 câu thơ tự do, 19 câu 8 chữ và 1 câu 9 chữ. Tổng cộng 191 chữ. Nhà thơ đã cho ta nghe thấy …rừng, suối, lá, gió, trời, gió nắng, mưa, hoa, mắt em, mây, sợi nắng,, chiến địa, chiến lũy, giao thông hào, bến đợi, vách núi, mưa bụi, thôn xóm xa xa, tiếng mẹ ru con, guom súng, suong, tuyết, có cả một trang sử oai hùng...Thơ UTL có:
 
NẮNG:
"Mùa Thu đa hoe vàng theo sợi nắng"
Rồi:
"Đuờng hành quân sục sôi miền nắng cháy"

MƯA:
... "Nắng cháy da hay mưa rừng tơi tả"
 GIÓ:
"Trong gió lộng vang vó câu chiến mã"
 Thơ UTL cũng có suối, có vách núi:
"Hoa cúc nở thờ o triền suối vắng"
 Vách núi:
"Ầm ào vọng phía truờng son vách núi" 
Thơ UTL cũng mang đậm nét tình nguời:
"Ta biết em ngóng chờ tin chua lại"
 
 Tình bằng hữu, tình đồng đội với những trăn trở của nguời lính:
 
"Đồng đội còn bên chiến luy hào sâu
Nên đôi ta vẫn cách bến giang đầu!"
 
 Những kỷ niệm ùa về khi gặp lại nguời tình cu năm xua trên đuờng hành quân vội vã, ta đanh bỏ em lại:
 
"Thì em ơi, em cố đợi ta về!"
 
 Thật vậy, có ai khỏi rơi lệ, khi đọc tâm tình của UTL qua lời thơ mà nữ sĩ đa viết: 
Mẹ mãi mãi là ngôi sao cao cả không thể mất trong lòng mọi nguời. Mẹ thiêng liêng không có gì thay thế. Mẹ luôn là đề tài cao quí nhất không thể thiếu trong tâm hồn những nguời văn nghệ si. Như trong THI tập thơ UTL đa viết về MẸ rất nhiều:
 
"Mẹ vẫn nặng mang gánh nợ trần,
Xuân nào thăm thẳm mắt bâng khuâng.
Nhớ con biền biệt đồn xa vắng,
Thuong nuớc ngậm ngùi mong cách tân."
(Mẹ và Quể Huong, trang 23).
 
 Đọc bài thơ, Tôi có cảm giác như từ một nơi nào đó thật xa, tiếng nhạc rừng khuya vang vọng lại, mỗi lúc càng gần hơn, thanh âm nghe đìu hiu, xoáy vào tim óc làm tan nát lòng nguời đọc.
Tôi im lặng, trầm ngâm trong suy tư chìm nghỉm với điệu nhạc buồn và thả hồn mình theo từng giai âm với nỗi thuong đau, lắng sâu trong tâm hồn qua thơ của UTL như có tiếng nhạc: “-
 Theo tôi đuợc biết UTL là một Nhà thơ đã thành danh ở hải ngoại. Nữ sĩ thuờng làm thơ về các nguời lính bị tập trung cải tạo trong những trại giam của Cộng Sản sau 1975.
Qua một vài bài thơ tiêu biểu, chúng ta thấy UTL luôn luôn trăn trở với cảnh đời Thương Binh, đau xót với vận nuớc đổi thay. Nhất là Mẹ VN phải chịu bao oan khiên của suốt chiều dài lịch sử.
 Riêng bài thơ Lời Nguời Thương Binh là một tuyệt tác, bất hủ vì đó là một bài thơ hay mà khi chúng ta đọc đuờng như là một bản đại hòa tấu với muôn ngàn âm thanh lẫn lộn trong có tiếng nuớc chảy suôi dòng, có tiếng động của hoàng hôn tím thẫm, có tiếng gió thổi, tiếng mưa rơi của dông bão, tiếng mưa chiều rít vang vọng, rồi nghe hồn mình đơn lạnh của Nguời Thương Binh trở về với năm tháng từ cuộc chiến xa xưa...
 
"Tôi đứng lặng hoàng hôn tím thẫm
Nghe chiều buông mờ nhạt thinh không"
 
 Những âm thanh đó, những âm thanh, quyện vào nhau thành một cõi hồn tê dại của Nguời Thương Binh, "Tàn phế còn đây cuộc sống thừa" như bản truờng ca bất hủ hòa với tiếng khóc của Nguời Thuong Phế Binh và tiếng nấc nghẹn ngào của Nguời tù cải tạo sau 75, bị nguợc đãi...
 Trong một bài thơ khác, nhà thơ UTL chỉ viết có 6 câu thơ Lục Bát,, cũng chỉ vỏn vẹn có 42 chữ mà thi sĩ UTL đã tạo đuợc cả âm điệu của nhạc, gợi cho những cựu tù phải liên tuởng với nhiều âm thanh hòa lẫn trong đó có quang cảnh trại tù trong một chiều thu dần xuống của một khu rừng già nằm sâu trong những cánh rừng trùng trùng điệp điệp xa phố thị muôn dặm với vầng mây bay thật thấp mà đời tù tội thao thức từng đem từ năm này qua năm khác, rồi mơ về những chiến thắng từng giờ với nỗi nhớ nguời mẹ già, bày con thơ, cha già không nơi nương tựa. Khoảng không gian vô định vào một chiều thu tắt nắng, khi những vầng mây bay thật thấp rồi bỗng chốc có ai đó cất tiếng khóc làm cho các cành cây đang ngủ cũng phải thức giấc để lắng nghe và những chiếc lá rừng cũng phải khóc cho thân phận của Nguời Thuong Binh …
 
"Về quê sau cuộc chiến xuân xua
Tàn phế còn đây cuộc sống thừa
Tiếp nối đa bao mùa dông bão
Dãi dầu với sớm nắng chiều mưa"
(Lời Nguời Thuong Binh, trang 215) 
 
Những bàng hoàng rồi cũng qua nhanh, tình yêu vẫn là giọt nuớc long lanh huyền ảo, cho dù đó là giọt nuớc mắt tinh yêu mặn đắng với kỷ niệm chập chờn, với ký ức bùi ngùi, với ngỡ ngàng nuối tiếc thì lòng thi nhân vẫn giữ lại chút xao xuyến để nhớ về. Một nơi với buớc chân trên cát, với sao đem, với tiếng sóng vỗ vào bờ của đem nao biển vắng. Và nơi đó bây giờ không biết anh ở đâu?!
 
"Tìm trăm phương mỏi cánh chim
Buợt qua ải bắc, xuôi thuyền sông nam
Rừng sâu nuớc yhẫm suong lam
Ân tình mấy độ sắc hương thắm nồng.
Trách Ai ngày tháng phiêu bồng
Để nguời phương cũ còn phong nụ cuời.
(Tìm nhau, trang 220).
 
Làm sao mà tìm đuợc, khi nguời lính ra đi mải miết chua hẹn ngày về, nguời tình ở lại cũng chua một lời hẹn uớc... Đất trời đổ sụp, nguời lính chưa thua trận, nhưng nghiệt ngã đa phải bị vào tù, thì dẫu Nguời Yêu Của Lính cũng không biết đâu mà tìm...
Họ đa bị giam từ Trại Cải Tạo Lam Sơn, rồi cũng Sơn, rồi A30, rồi xác bị chôn vùi trong trong một khu rừng rậm nào đó thì biết đâu mà tìm...
Trong tâm hồn nhà thơ UTL chợt có những nỗi buồn bất thuờng. Đêm đêm duới ánh trăng xuyên qua song cửa sổ, nhà thơ chắc đã tìm bóng dáng ai trong tinh lặng, nhắm mắt lại để giữ nguyên vẹn hình ảnh đó khỏi xóa nhòa trong trí nhớ và đêm đêm trong giấc ngủ cô đơn, hồn nguời thi sĩ chết lịm trong đam mê mà nữ sĩ đã luu giữ đuợc. Những hình ảnh cô đơn đó, để mãi đến hôm nay nhà thơ viết lại theo trải nghiệm để có thể cho chúng ta một hoạt cảnh… có mây, gió, tiếng thương nhớ âm thầm, tiếng ru văng vẳng của tình khúc buồn dịu vợi.
Thơ UTL có nỗi nhớ hoang đuờng. Thơ UTL có bóng dáng ai đó trong khoảnh khắc khó quên mà nỗi nhớ tháng ngày chưa hết. Tình Nguời thi sĩ rất thủy chung…
 
"Gió lay cành biếc vang vang động
Hình bóng ai còn ngự đáy tim!
(Xao Xuyến Lòng Đon, trang 224).
 
Ai đó, nguời tình nào, nguời lính nào, hay nguời tù cải tạo nào mà đuợc cái hạnh phúc quá đỗi mà UTL vẫn còn dấu mãi trong tim.
 Thơ Linh Vũ làm cho tôi mềm nỗi nhớ!
UTL là nhà thơ lãng mạn, nữ sĩ không quên và nhất định nhà thơ không bao giờ muốn quên bất cứ một ai.
 
"Tuởng đa trôi xa cùng tháng năm
Biết chăng thuong nhớ vẫn âm thầm
Thềm xua trăng giải mây phiêu lãng
Ta với niềm riêng đem lặng câm.
(Xao Xuyến Lòng Đơn, trang 224)
 
Thật vậy, trong Thi tập thơ nữ sĩ đã viết rất nhiều bài thơ thật lãng mạn, nhưng tâm hồn nhà thơ rất đoan trang, chừng mực, dù biết đợi chờ trong vô vọng, nhưng cái tình cao quý của nguời phụ nữ Việt Nam, nhất là vợ của những nguời tù duới chế độ cộng sản.
 
"Nuớc chia trăm ngả, đời trăm huớng
Sao vẫn hoài mong phút hạnh phùng.
(Thơ UTL trang 224)
"Ngày đó
Tai họa nào cắt đoạn đời anh,
Bão bùng nào vùi lấp chuỗi ngàyxanh!
Dêm anh khôngt quay về nữa.
Anh biết chăng bên góc trời mưa gió,
CCòn một nguời lặng lẽ thức chờ anh.
(Trở Lại Nghìn Năm, trang 65).
 
Tôi đọc những câu thơ trên với một cảm xúc thật mạnh. Òa vỡ!
Tôi nghe thấy rõ hình dáng của mõt thiếu phụ trẻ mất nguời yêu, trải ngthiệm qua những đêm thao thức chờ sáng, ngồi úp mặt trong lòng bàn tay, lắng nghe từng tiếng động nhỏ, đang âm vang, mà tuởng chừng như tiếng chân chàng về. Có những đem như đem nay, ai đó nghe lòng mình hối hả, rung rung giọt nhớ, ngồi thơ thẫn, nghi về nguời yêu, khi trăng mớm tình về, rồi chợt nghe cô đơn.
Trong những giây phút này, nguời vợ mới kịp nghi về cảnh đời hiu quạnh. Nguời vợ ngồi chông đèn leo lét. Ánh sáng đìu hiu, nhạt nhòa trong hơi thở dài. Buồn tênh!  
Nguời viết rất cảm động vì tấm lòng cao cả của UTL đối với những ai đuợc nhà thơ UTL yêu, Ở đó có thể là hạnh phúc hay đau khổ của cuộc đời nữ sĩ vẫn luôn trân quí vì đó chính là sắc màu trong bức tranh và cuộc đời.
Hai muơi năm, ba muơi năm hay lâu hơn nữa sẽ có bao nhiêu đem? Thời gian cũng khá dài nhưng cũng không dài mà khi cuộc đời, hay sự đợi chờ vô vọng dù là buớc chân khe khẽ của ai đó bên kia nỗi nhớ, hay một nguời lính tình cờ cùng vui lối buớc, giữa buổi dừng quân…
Thật vậy, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo UTL đã viết lên những đặm nhớ vời vợi…
 
" Những đông xám lạnh buồn nơi đất khách,
Nhớ làm sao lửa ấm mái tranh chiều.
 
 Nhưng tôi vẫn thích cái Nắng trong thơ UTL.
Trăm năm trong lòng nhà thơ UTL vẫn mong tìm... những giọt nắng. Lúc thì nắng trong lòng, rồi nắng sớm đầu hè...nắng tràn đầu ngõ.
Thơ của nữ sĩ UTL đã viết nhiều về nắng để thôi thúc Nắng vội vã về tim tôi để tìm về ký ức cũ và nắng gợi nhớ dòng suối xưa.
(Nắng nhẹ nhàng như giọt nhớ đơn côi. Tôi nhặt một hạt nắng lên trên hai đầu ngón tay, nắng vỡ vụn thành đôi. Một nửa lung linh như giọt nhớ - Mắt Em Tôi.
Nửa kia vụn vỡ như ai đang khóc. Ngỡ ngàng!)
 Nguời Thi sĩ đã nhìn xuống bóng tối mênh mông, đôi mắt ai?... to, tròn, sâu hun hút như một loài hoa Phuợng tím, ai tìm thấy di vãng đang rạo rực trở về trong nỗi nhớ… 
Ngọn đồi nào nhà thơ UTL đã dừng chân trong một chiều rất lạ mà nghe từng giọt đắng rền vang trong cổ họng.
 
" Phan đinh Phùng khi hoàng hôn giăng tím,
Một mình tôi trên lối cỏ lan buồn.
... Vì đa mấy dặm sầu về ngăn lối
(Về Qua Truờng Cu, trang 157)
 
  UTL, đa dùng những chữ nghia quá đon giản, mộc mạc như tâm tình của Nguời...
“ Hàng sao cao vút xạc xào trao lời gió,
Sương lạnh đầy và nhưng nhớ về theo,
Trên lối này khi nắng sớm mưa chiều,
Ngày xua buớc học trò bao vuong vấn”
(Về Qua Truờng Cu, trang 157)
 
 Những từ ngữ rất giản dị như hàng sao, cao vút, reao lời, suong lạnh, trên lối này, học trò..."
...Những từ ngữ rất bình dân, đon giản, thô thiển nhưng rất linh động khi đuợc nhà thơ ghép lại thành thơ thì quả nhiên lại trở thành phong phú trong thi ca riêng biệt khó tìm thấy bất cứ ở đâu.  Cũng nơi này, trong Thi tập thơ Trăng Nuớc Bến Bờ Xua, với 257 trang thơ, đuợc in ấn trên giấy thật dày, với bìa sách Trăng Nuớc trình bày thật trang nhã, hài hòa mà lời thơ – tim-nhịp- phách - từng giờ.
Làm sao Nhà thơ, Nhà Văn, Nhà Giáo, UTL có thể quên đuợc những chiều hành quân, dừng chân bên bờ rừng, nơi đây cũng có thể là gác trọ, để sáng hôm sau vội vã xâm nhập cứ điểm của địch với chiến thắng vang dội.
Tôi thấy vầng trán nhà thơ thật cao, với ánh mắt kiêu hãnh của một Nhà Giáo, năm xưa đã trải qua quá nhiều gian lao trong đời thuờng. Nhưng nơi trú ẩn bình an nhất vẫn là dòng sông Mẹ, nơi yêu thuong hạnh phúc nhất vẫn là vòng tay Mẹ chở che.
Trong bài “Mẹ Chờ Bên Bếp Lửa, trang 196), nhà thơ đã viết:
 
"Bao lâu rồi mẹ còn đây cô quạnh
Giữa thôn làng xa khuất tháng năm qua
Ngày nắng hạ đến chiều đông mưa lạnh
Lủi thủi một mình mẹ nhớ về xa."
 
Lối so sánh của nhà thơ quả là phong phú.
Chiều về, nằm nghe tiếng sóng vỗ thì thầm trên dòng sông mẹ reo róc rách, trầm buồn, xa vắng, bên đời con tuổi dại. Cảnh đời thuờng của nhà thơ chảy miệt mài cả đến tuong lai và Mẹ của nhà thơ UTL đã tuới cánh đồng THƠ của nữ sĩ thật tuơi sáng và tóc Mẹ đã rụng trắng đầy vai, mà hồn nhà thơ hoang vắng … đìu hiu với những đám mây trôi lờ đờ thật thấp, bầu trời màu tím, màu tím của nhớ thuong. Tâm tu nhà thơ lững thững, chợt thấy nhớ Mẹ diệu vợi mà thả hồn theo mây bay lang thang … cuối trời.
 
"Bao tháng năm mẹ một mình một bóng
Khóc quê nhà và khóc lá xanh rơi!"
Thật vậy, trái tim mẹ cho tôi thành nỗi nhớ.
 
Cám ơn UTL, đã viết giùm tâm tư của tôi mà cũng có thể cho nhiều nguời khác, khi tuổi già, ngồi nhớ Mẹ:
Thơ UTL làm tôi nhớ đến Mẹ tôi vô cùng.UTL đã mô tả tình mẹ thương con, lo lắng từ miếng ăn giấc ngủ, canh bắt từng con muỗi mỗi khi đem về làm tôi nhớ đến những ngày bị đọa đày trong lao tù CS.
Đêm đó, tôi đi lao động về muộn chỉ biết nằm lăn ra tìm giấc ngủ thật nhanh, nhưng đàn muỗi không chịu tha, đã thi nhau chích không ngừng nghỉ cái thân già còm cõi của tôi. Suốt đêm không ngủ đuợc, tôi thao thức nhớ đến mẹ già năm xưa ngồi canh chừng bắt từng con muỗi cho tôi an giấc. Bây giờ trong chốn lao tù mới thấy lòng mẹ bao la như biển cả. Giá như có Mẹ bên cạnh thì tôi đâu bị loài muỗi cắn nát thân tù.
Tôi đọc thơ UTL với một cảm xúc thật mạnh mẽ như nguời vừa nghe đuợc tiếng thơ.UTL, thôi cứ để cho Thi tập thơ chấp cánh bay cao theo cơn gió lạnh năm nay 2015, trôi qua thật nhanh. Biết đâu trong một khoảnh khắc nào đó, dư âm của lời thơ sẽ quấn quít, quyện vào những giọt nhớ, thơm ngon trên môi, vẫn còn phảng phất đâu đó và biết đâu trong tâm hồn của nguời nữ sĩ, hiền hòa vẫn còn âm ỉ bóng dáng ai, đang đứng đứng đợi tại một cổng truờng điểm hẹn... ngày xưa ấy. Một cựu giáo chức chưa già với chất thơ trữ tình để có khi nàng phải khóc, ảo ảnh cả một đời nguời.
Mỗi một nguời đều có một cái gì đó để nhớ để thuong, để ru đời mình vào giấc ngủ no say. UTL cũng đã có những vết thuong đau chưa lành. Thơ nữ sĩ rất thanh thơát nhưng cho đến bây giờ vẫn còn nghẽn ở một chỗ nào đó trong những ngăn tế bào, mà nhà thơ thỉnh thơảng tuôn trào dòng nghi như nuớc tràn bờ. Nhờ vậy mà chất thơ của UTL, bao giờ cũng mang một chút ít hiện thực rồi đưa độc giả đến ngồi cạnh một thiên đuờng, bên bờ triết học sâu xa, mà nếu không chịu khó tìm những ý tuởng tiềm ẩn thì tuởng là đơn thuần nhưng thực chất lời thơ mang nghĩa bóng của đời thuờng.
Thơ UTL thật hay. Thanh thóat và tuyệt vời. Giản dị nhưng bao hàm trong đó còn chất chứa những cũng bậc của nhạc. Bài thơ “Đâu Còn Em Bên Tôi” đa đuợc Nhạc sĩ tài danh LMST phổ nhạc và tôi đã nghe đâu đó có tiếng chập chùng duới đáy ly cà phê buổi sáng vừa thức dậy./-
Duy Xuyên
Tacoma




Cảm nhận Đêm Góa Phụ
 thơ Song Phượng
                                           Duy Xuyên
 
Dẫn Nhập:
 
Nữ Sĩ Song Phượng nhân đọc bài Tùy Bút Chiến Trường “NÓ VÀ TÔI” của Văn-Thi-Hữu Lê Phi Ô (LPÔ), tình Người Lính Chiến hào hùng này đã dâng lên nỗi niềm cảm xúc, nên Thi Văn Hữu Lê Phi Ô đã thả hồn mình chìm đắm với đôi dòng tản mạn nhân Ngày QLVNCH 19 tháng 6; để chia sẻ với  những người góa phụ bao năm chờ đợi người tình, mong ước sao sẽ có ngày đoàn viên sau khi chinh chiến chấn đứt. Nhưng... người chiến sĩ ấy đã ra đi không bao giờ trở lại...
 Bài tùy bút Nó và Tôi đã gieo vào hồn thơ của nữ sĩ Song Phượng, và nàng đã gói ghém tâm tình của mình qua bài Đêm Goá Phụ .
Xin mời Quý Độc Giả đọc lại bài thơ:
 
Đêm Góa Phụ

Bao năm tháng mãi chờ người vạn dặm
Cánh chim bằng vẫn khuất bóng chân mây
Ôm gối chiếc mênh mang khối sầu đầy
Hồn khắc khoải bên ánh đ èn leo lắt

Người ra đi chẳng bao giờ trở lại
Tình trăm năm lịm dưới đáy mộ sâu
Gót độc hành giữa đại lộ trời Âu
Nghe buốt giá với nỗi sầu vô tận

Đêm thức trắng nghe buồn dâng chất ngất
Tiếng lá rơi mà ngỡ bước chân người
Nửa đi rồi còn lại nửa mồ côi
Như nguyệt khuyết lẻ loi đêm u tịch

Chuyện tình yêu giống như trong cổ tích
Là mộng thôi nào có thực bao giờ
Màu hương khói làm phai nhạt tình mơ
Đêm góa phụ chờ người không về nữa

Gối chăn đơn không thể làm điểm tựa
Vóc hạc gầy giữa trời đất bao la
Trái tim cô lay lất cõi ta bà
Dần khô héo vì mộng hoa đà vỡ...

Song Phượng
18.06.2013
 
Bài thơ được viết theo thể thơ tự do nhưng được cấu trúc thành 5 khổ. Mỗi khổ 4 câu. Mỗi câu 8 chữ. Do đó Bài Thơ bao gồm 160 chữ.
Tôi muốn nói  chỉ dùng có 160 chữ mà nữ sĩ Song Phượng đã diễn đạt được hết cái nỗi niềm hoang vắng, tâm tình đơn côi, cảnh đời bơ vơ trong đêm góa phụ.
Chỉ một cái tựa đề cũng đã làm cho tôi suy nghĩ rất nhiều.
Sao không phải là Người Góa Phụ mà lại là Đêm Góa Phụ.
Hình ảnh của Người Góa Phụ chít khăn sô, đi thẩn thờ bên hai hàng nến, liệm xác chồng hay hình ảnh thương đau của Người Góa Phụ tay bế con còn đang ngủ bình an trong lòng mẹ, mà nàng đứng lẻ loi trong sân phi đạo quân sự, để chờ nghe tiếng động cơ của chiếc trực thăng mang xác chồng từ chiến trường xa đổ về mà tâm tư, ngay cả hồn nàng như trăm ngàn vụn vỡ...
Những hình ảnh đó luôn luôn xoáy tròn trong tâm trí tôi như giục giã để viết những rung động bùi ngùi...
Nữ sĩ đã viết Đêm Góa Phụ trừu tượng hơn là Người Góa Phụ. Ngay cả không gian và thời gian đã đưa tôi vào ảo giác, mơ hồ như trong một giấc ngủ cô đơn.
Như thể, tôi đã chết rồi linh hồn hối hả trở về trong mộng mị, đứng vén màn, nhìn ai đó trong đêm góa phụ, có một người thiếu phụ còn rất trẻ đang tựa song cửa với ngấn lệ ưu sầu.

Chao ôi! Sao mà cảnh trí buồn như thế nhưng vẫn chưa nói lên đủ, để mô tả Đêm Góa Phụ của nhà thơ Song Phượng.
Tôi không biết dùng ngôn ngữ gì để thay thế những chất liệu của những đêm cô đơn trong bài thơ của Song Phượng vì chữ nghĩa của Song Phượng tràn đầy như dòng thác đang chảy về tim: "Gót độc hành, nỗi sầu vô tận, buồn dâng chất ngất, nửa đi rồi, nửa mồ côi, như nguyệt khuyết..."
 
Những nhóm từ mà nữ sĩ đã dùng như một cánh rừng tràn đầy bông hoa hé nụ.  Tôi càng đọc càng thích thú với những từ ngữ đó.
Thật thế, nếu dùng văn xuôi mà diễn tả đầy đủ như ý và tình cảm chan hòa như bài thơ Đêm Góa Phụ; người viết văn có lẽ phải dài dòng tâm sự với nhiều trang giấy  mới có thể lột trần cái ray rứt của những đêm dài góa phụ ...
Chỉ hai câu nhập đề đã gieo cho người đọc cái hoang lạnh mong chờ: 
 
"Bao năm tháng mãi chờ người vạn dặm
Cánh chim bằng vẫn khuất bóng chân mây"
 
Không gian thật dài lâu, thời gian cũng rất xa xưa... với bao nhiêu năm ai phải ngồi trong những đêm  vắng lặng để chờ người đi xa vạn dặm mà mãi chưa về thì mới cảm nhận đuợc cái buốt giá, trống trải của những đêm ôm gối chiếc chờ đợi mà mồ hôi của người đi xa vẫn còn là hương vị thoang thoảng trên môi ai nghe như âm vang giao động của răng môi người tình, mới hôm qua mà đêm nay sao hoang vắng, hiu quạnh dị thường ...  gối chiếc không phải là điểm tựa, cũng không phải là vòng lưng của người tình mà là khoảng trống mù mịt, giá lạnh trở về trong những đêm đông nằm chờ sáng, để nghe tiếng đại bác dội về rồi giựt mình tỉnh giấc mới nhận biết mình là Người Góa Phụ sẽ sống hay chết trong những đêm thật dài mất ngủ, đã trải nghiệm ra rằng Đêm Goá Phụ sao thật buồn da diết.
 
Thơ Song Phượng đã làm cho lòng người giao động mà nỗi cảm xúc tự nó buông trào theo dòng nghĩ của người thích thơ Song Phượng mà nhà thơ đã thành danh Tuấn Đinh viết:
 
"Song Phượng bên trời Âu có tài làm thơ nhanh như chớp mà không kém phần cảm xúc, nghẹn ngào nhất là "Đêm góa phụ" trong đêm thức trắng nghe tiếng lá rơi mà ngỡ bước chân người, như vầng nguyệt khuyết lẻ loi tràn đầy xót xa!" Tuấn Đinh.
Sau đó, nhà thơ Tuấn Đinh cũng đã có một bài họa  Đời Vợ Tù và tôi sẽ trở lại với bao nỗi cảm xúc của các bài thơ này trong mai sau...
Rồi chẳng bao lâu sau, nhà văn cũng là nhà thơ Vinh Hồ, một cây viết rất xúc tích, da dạng. Ông đã từng làm nhiều bài thơ thật cảm động về Mẹ làm cho nước mắt tôi nhiều lần ngấn lệ, nhớ Mẹ già trong những đem thiếu Mẹ. Nhà thơ Vinh Hồ cũng đã từng sáng tác nhiều thơ Anh Ngữ thật trử tình chen lẫn với ngôn ngữ lãng mạn.
Ông đã viết: Bài thơ Đêm Góa Phụ, Vinh Hồ xúc động tâm can khi đọc 4 câu sau:
 
"Đêm thức trắng nghe buồn dâng chất ngất
Tiếng lá rơi mà ngỡ bước chân người
Nửa đi rồi còn lại nửa mồ côi
Như nguyệt khuyết lẻ loi đêm u tịch"
 
Văn Thi sĩ Vinh Hồ đã nhắn: "Làm sao có thể an ủi được Song Phượng đây? trước những vần thơ kết bằng trái tim cô phụ! Thân chúc Song Phượng an khang. Vinh Hồ"
 
Rồi Tố Anh, nhà thơ nữ, hoa hậu phu nhân, người đã có nhiều thơ ấn bản thành sách, phổ biến rộng rãi tại hải ngoại, đã thì thầm vói Song Phượng như sau:
 
"Đọc bài thơ "Đêm Góa Phụ", Phượng làm cho người ... mà sao như tâm sự chính mình. Phượng ơi! Từng chữ, từng câu xoáy buốt tâm can của người đọc.
Cám ơn Phượng đã chia sẻ.
Tố Anh"

Tôi, người viết để cảm nhận thơ Song Phượng đã không có cái hạnh phúc tràn đầy thân quen, gần gủi để biết rõ hoàn cảnh của nữ sĩ Song Phượng, nên đã không dám đoan chắc Song Phượng viết bài Đêm Góa Phụ cho Người hay viết cho chính Song Phượng.
 
Tôi ngập ngừng bởi lẽ Tố Anh, người bạn thâm giao với Song Phượng thì nói nhỏ: -" Đọc bài thơ "Đêm Góa Phụ", Phượng làm cho người ... mà như tâm sự chính mình (Song Phượng).
 
Nhưng ngược lại nhà thơ Vinh Hồ, ông đã nhắn nhủ với Song Phượng: "Làm sao có thể an ủi được Song Phượng đây? trước những vần thơ kết bằng trái tim cô phụ!"
 
Cả hai tâm tình trên của Tố Anh và Vinh Hồ, cho tôi cái cảm giác mơ hồ, trong cái thực lẫn lộn cái hư vô. Có… có không… không. Sắc bất dị không! Cái gì rồi cũng vô thường mà mỗi định mệnh trong chúng ta ai ai cũng sẽ phải có ít nhất là một vài đêm thức trắng ... mà tâm hồn mình vẫn còn vấn vương một bóng dáng đã đi qua và để lại những vết hằn còn trong mi mắt của cuộc tình.
 
Cái thắc mắc của tôi vẫn chưa được giải tỏa, vì sau đó chính nữ sĩ Song Phượng đã viết cho Tuấn Đinh, Vinh Hồ và Tố Anh như sau: -"Bài thơ tuy viết cho người song khi sự rung cảm tự đáy con timvà cũng hơi gần gủi với hoàn cảnh của mình. Vì thế, tiếng thơ của Song Phượng đã lay động lòng người đọc, mà cụ thể là huynh Vĩnh Hồ, nhỏ bạn Tố Anh và Niên Trưởng Tuấn Đinh."
 
Đối với tôi, qua cảm xúc của người đọc, tôi nhận thấy dù cho Song Phượng viết cho người hay viết cho chính mình, tựu điểm vẫn là một thiên tài của chữ nghĩa.
Dù viết cho ai thì sự rung cảm theo nhịp đập của con tim mà bị tắt nghẻn, vần thơ khó tuôn trào theo những ý nghĩ mà mình muốn diễn đạt thì cũng khó đi sâu vào lòng người đọc.
Trong khổ thơ thứ tư, Song Phượng đã viết:
 
"Chuyện tình yêu giống như trang cổ tích
Là mộng thôi nào có thực bao giờ"
 
Tôi bùi ngùi với dòng lệ chia sẻ, nỗi đau, niềm nhớ mà dĩ vãng là cổ tích xa xưa, nửa thực nửa hư, hồn thì bơ vơ trong những đêm thao thức mong chờ...
Tôi nghe được bước chân hiu quạnh trong những đêm dài mà ai đó đang ngồi một mình trong gian phòng trong nỗi trống vắng để chờ người đi xa trở về.  Và khi không còn chịu nổi những nhớ nhung quay quắt, ai đó đã gục đầu trên cái bàn gỗ, bật lên tiếng nấc tức tưởi để thấy nỗi đau buốt của đêm góa phụ  buồn tênh và nghe từng giọt nước mắt âm thầm rơi trên má, với bao sử lụy ưu phiền, mà bóng người đi vẫn còn mờ mịt khói sương, để gợi cho ai đó nỗi nhớ xanh xao, rồi nhận biết ra chính hồn mình chênh vênh, đất trời chật hẹp và nỗi chờ mong vẫn lẩn quẩn quanh đây, để rồi chợt mơ  một bóng hình luôn ấp ủ trong lòng trở về, một người tình đã nhiều lần hò hẹn mà bây giờ bóng chàng vẫn biền biệt mù khơi...
 
Rồi trong khổ thứ ba, Song Phượng đã viết:
 
"Đêm thức trắng nghe buồn dâng chất ngất
Tiếng lá rơi mà ngỡ bước chân người"
 
Tôi đọc hai câu thơ trên với một cảm xúx cực mạnh. Òa Vỡ!
Tôi nghe thấy rõ hình dáng của một thiếu phụ trẻ mất người yêu, trải nghiệm qua những đêm thao thức chờ sáng, ngồi úp mặt trong lòng bàn tay, lắng nghe từng tiếng động nhỏ, đamg  âm vang, mà tưởng chừng như tiếng chân chàng về. Có những đêm  như đêm nay, ai đó nghe lòng mình hối hả, rưng rưng những giọt nhớ, ngồi thơ thẫn, nghĩ về người yêu, khi trăng mớm tình về, rồi chợt nghe môi miệng người tình thật ngọt lịm như máu thịt chàng đang sinh chồi nảy lộc trên da thịt mình.
Mà thật vậy, nữ sĩ đã viết, trong khổ thứ năm, như lời kết thúc:
 
"Gối chăn đơn không thể làm điểm tựa
Vóc hạc gầy giữa trời đất bao la"
 
Đọc hai câu thơ trên, tôi tự hỏi ... Đã có lần nào, vào những đêm trăng, như đêm hôm nào... rất xa mà Song Phượng tưởng như rất gần, trăng đang lặng lờ, mọc ngay trên mặt nước, vài cụm mây hồng bay giăng giăng trên biển Nha Trang, mờ nhạt bóng mây, đã ghi dấu muôn vàn kỷ niệm đẹp, đáng yêu, đáng nhớ, dễ gì quên, mà tình hồng đã len lén tìm về,  hằn sâu, trên từng mỗi hạt cát, vẫn còn in dấu tay của chàng trên từng làn da, sớ thịt, dấu môi hôn của chàng đã hằn sâu, chìm ngỉm trong tim óc nàng mà ở đó đã có lần chàng và nàng nằm rã rời bên nhau mà nay thì gối chiếc, chăn đơn không có thể nào làm điểm tựa. Và dáng vóc cô học trò bé nhỏ chỉ còn biết ôm trọn cái không gian mênh mông chìm đắm của tuổi mộng mơ.
Tháng ngày thơ mộng đó đã xa xôi lắm rồi, có phải không Song Phượng?
 
Những hình ảnh thân thương, những cái xiết nhau thật chặt, với những ham muốn tận cùng  xương tủy, bây giờ chỉ còn là kỷ niệm, ghi sâu vào tâm trí, chôn chặt trọn vẹn trong tiềm thức, rồi cuồng si trổi dậykhi nghĩ đến người mình yêu, rồi nuối tiếc, thương nhớ ngậm ngùi. Hình dáng người tình đã đi xa để những đêm góa phụ phải mất ngủ, thức trắng .
Rồi như không còn gì nữa, tình như si như dại, nửa thất tình nửa nuối tiếc:
 
"Trái tim cô lay lất cõi ta bà
Dần khô héo vì mộng hoa đà vỡ."
 
Trọn bài thơ, nữ sĩ Song Phượng đã gieo vào lòng người đọc cái cảm giác thật vắng lặng, lòng buồn rười rượi. Tôi như thể rơi từ thiên đàng xuống tận vực sâu của địa ngục, để lắng nghe tâm tư mình lịm chết
 
"Gót độc hành giữa đại lộ trới Âu
Nghe buốt giá với nỗi sầu vô tận"
 
Tôi nghe thấy gót chân ai đang lang thang trên những con đuờng hiu quạnh. Sân ga Paris hay toa xe lửa điu hiu của Đức Quốc, vóc dáng người thiếu phụ u sầu trong chiếc khăn sô mà những hạt sương khuya vô tình đậu nhe trên giải lụa trắng, phiêu bồng như cành lau, hay như những hạt sương vụn vỡ,   chưa kịp tan vì trời Âu giá lạnh.
 
Đêm Đông giá rét kéo về, dài lê thê với gió bấc từng cơn thổi lạnh buốt thấu xương, mây đen vần vũ, sương mù giăng tỏa,  mà niềm thương nỗi nhớ trỗi dậy, ngập tràn thân thể với ray rứt, nhớ thương len lén vào xương tủy, mang đến cho những tâm hồn  góa phụ nỗi cô liêu tràn ngập tâm hồn.
 
Mà thật vậy, Song Phượng chỉ viết có ba chữ: "Nghe buốt giá..." tôi đã liên tưởng đến dường như có cái gì quen thuộc, trông giống như Tacoma quạnh hiu, nơi tôi đang cư ngụ, mà mùa Đông kéo về dài lê thê, tưởng chừng  như niềm xót xa của nữ sĩ Song Phượng dài vô tận. Ảm đạm. Sương tuyết ngập tràn vạn nẻo. Xơ xác. Dìu hiu!
 
Tôi ước mơ, trong cuối cuộc đời, xin một lần đuợc cái ân sủng huyền thoại,  được gặp nữ sĩ và tôi chỉ dám đứng lặng thinh trước cái tâm tư buốt giá của Song Phượng để rồi sau đó tôi sẽ đứng nghiêm như người Lính, dưa tay lên trán để trang trọng chào một người vợ lính mà người tình  nay đã đi xa, bỏ mặc nàng trong giá buốt và tôi sẽ nói to với nàng: "Anh ấy chưa chết! Những Người Lính như Anh Ấy chưa bao giờ chết. Nếu đúng Song Phượng là Góa Phụ của một Quân Nhân, Người Lính kiên cường trong Quân Lực VIệt Nam Cộng Hòa chưa bao giờ chết!
 
Còn nếu Song Phượng không phải là Góa Phụ của một Người Lính, tôi cũng xin phép nàng đuợc cúi mình, đa tạ Song Phượng đã cho tôi đọc một bài thơ tuyệt vời mà theo tôi nếu được hai nhạc sĩ tài danh như Linh Mục Si Tình hay Người Xứ Vạn phổ thơ thành nhạc thì chắc chắn cả thơ và nhạc sẽ quyện vào không gian vô tận và dòng nhạc sẽ thanh thoát, và cũng sẽ vượt thời gian như những bài tình ca khác. 
 
Trong thơ của Song Phượng tôi đã nghe thấty những nốt nhạc âm vang của 'Cung ' Sí Mineur.
Giả sử nếu Song Phượng là bút danh của một dấng nam nhi, tôi cũng sẽ ôm "chàng" thật chặt, với bao nỗi niềm kính mến và xin đuợc đa tạ những ngón tay thiên thần đã viết lên cái u hoài của đêm góa phụ...
Duy Xuyên
Tacoma 
 

 
Cảm nhận thơ Song Phượng Đêm Góa Phụ
Nguyễn Đình Sài (viết):
Xin cám ơn anh Duy Xuyên đã cho đọc bài bình luận của anh Cảm nhận thơ Song Phượng, qua bài Đêm Góa Phụ rất hay, và nhân đó tôi được đọc bài thơ của Thi Sĩ Song Phượng (NTH-74), rồi lại được đọc thêm bài thơ "Khuê Oán" rất cảm động của chị Phạm Phan Lang.
Bài thơ Đêm Góa Phụ theo thể "bát ngôn", rất chỉnh niêm luật, ý thơ cảm động, ngôn từ trang nhã, thể hiện tâm tình thủy chung son sắt của những người phụ nữ Việt Nam nửa đời gãy gánh phu thê.
Anh Duy Xuyên đã đọc, đã xúc động, và ghi lại rất tài tình sự cảm thông của anh (và có lẽ của nhiều bạn đồng môn khác) sau khi đọc bài thơ ấy.
Tôi không biết nhà thơ Song Phượng có email trong diễn đàn Võ Tánh&Nữ Trung Học hay không, nhưng mạo muội đề nghị anh Duy Xuyên gởi bài viết của anh cho Ban Biên Tập Đặc San 21013 chọn đăng vào Đặc San VT&NTH năm nay. Chắc anh đã biết địa chỉ email của Ban Biên Tập là bbt.vtnthnt2013@yahoo.com theo như lời kêu gọi của anh Phạm Tín An Ninh.
Chúc anh vui trong ngày Lễ Độc Lập và Weekend.
Kính mến
Nguyễn Đình Sài
(Vài dòng giới thiệu của DX.): Nguyễn đình Sài là cựu học sinh Trường Trung Học Võ Tánh Nha Trang. Hải Quân Thiếu Tá QLVNCH
GIÁO SƯ NGUYỄN ĐỨC MINH(viết):
Kính chào các đồng môn.
Nguyễn Đức Minh rất đồng ý với Nguyễn Đình Sài. Bài thơ Song Phượng nguyên đã là một tuyệt tác cổ lai hy mà bài bình của Duy Xuyên tựa như một tấm thảm đỏ được trải rộng ra để đón nhận bài thơ bất hủ. Trải rộng để đừng rơi rớt một từ nào và để người xem không được dẫm vào.
Bài bình chứng tỏ nhà văn cũng là một nhà thơ, một nhạc sĩ bẩm sinh. Có một câu hỏi của Duy Xuyên tại sao không là "Người Góa Phụ" mà là "Đêm Góa Phụ". Câu hỏi này hơi tế nhị vả chăng Đêm góa phụ, nhóm từ này nó có sức tập trung mạnh hơn xoáy vào lòng người đọc.
Nếu giữa khuya không ngủ được, mở ra đọc Đêm góa phụ thì người đa cảm sẽ không khỏi giọt vắn giọt dài để rồi suốt đêm thức trắng.
Tôi cũng đã viết một bài thơ họa bài Đêm Góa Phụ nhưng sau khi đọc bài bình của Duy Xuyên tôi định xếp cất luôn song nghĩ lại dù sao đây chỉ là một sự cảm thông với Người góa phụ. Bày tỏ sự cảm thông, yêu kính Người góa phụ như người xưa tôn kính Thiếu Phụ Nam Xương không có gì phải xấu hổ với những dòng thô sơ có tính chất tài tử, không chuyên nghiệp. Vả lại quý vị cũng biết tôi là giáo sư Lý Hóa, chẳng phải giáo sư Văn hoặc nhà thơ nên cứ tự do chỉnh sửa. Biết đâu sẽ có được những bài thơ hay sau khi tôi đã đi tiên phong thí mạng.
Thương người góa phụ
Trai thời loạn chiến chinh ngoài vạn dặm
Chuyện gia đình đành gác lại chân mây,
Đêm gối súng, lòng mong nhớ tràn đầy.
Thấy sao băng nhớ ngọn đèn leo lắt
Mãi chiến chinh một ngày không trở lại
Người vợ hiền chong mắt suốt đêm sâu,
Nay bôn ba lây lất giữa trời Âu,
Đường em đi sao mịt mờ vô tận
Xoay xở sao đây, trời cao chất ngất,
Biển vấn vương, tin sao được lòng người.
Ngày vắn đêm dài nức nở đơn côi,
Chăn gối mênh mông ghẹo đời cô tịch.
Biến chuyện chiến chinh, đêm dài cổ tích,
Từ ra đi chưa "gặp" lại bao giờ
Dù chỉ mõi mòn một giấc hoa mơ,
Định mệnh kiêu sa, người không về nữa
Cõi lòng nhức nhối, mình đâu mà tựa!
Chàng đã đi vào thế giới bao la,
Sáu cõi mênh mông, một cõi ta bà,
Em ở lại với tình đời đã vỡ.
Nguyễn Đức Minh
(Vài dòng giới thiệu của Duy Xuyên.)
Giáo sư Nguyễn Đức Minh dạy môn Lý Hóa tại Trường Võ Tánh Nha Trang.
NGƯỜI XỨ VẠN (viết):
Chúc mừng Song Phượng với bài thơ Đêm Góa Phụ đã được qúy Thầy Võ Tánh/ Nguyễn Đức Minh và Ngô Đức Diễm khen ngợi và họa lại. Ngoài ra còn có quý huynh Võ Tánh đắc ý và đề nghị đưa vào Đặc San Hội Ngộ Nam Cali 2013. Chưa kể những giòng nhạc của Niên Trưởng LMST.
Cũng cám ơn huynh Duy Xuyên đã chịu khó viết bài ngợi ca bài thơ rất sâu sắc, đã tạo nên được sự ủng hộ nồng nhiệt của quý đồng môn hai trường Võ Tánh & Nữ Trung Học Nha Trang.
(Vài lời giới thiệu của Duy Xuyên):
Người Xứ Vạn là Nguyễn văn Sanh, cựu học sinh Võ Tánh Nha Trang.
Ông viết nhiều truyện ngắn, thơ ...
Ông cũng thường xuyên viết nhạc với tên Cung Đàn.
Ông tốt nghiệp Quốc Gia Hành Chánh và giữ chức vụ Phó Ty Thuế Vụ Nha Trang cho đến năm 1975.
Ông hiện định cư tại Úc.
 
PHẠM PHAN LANG (viết):
Anh Duy Xuyên kính,
Cám ơn anh đã cho đọc bài thơ Đêm Góa Phụ thật hay và cảm động. Cũng trong tâm tình bài Đêm Góa Phụ, xin được tiếp với anh gửi vào diễn đàn vài câu thơ đọc cho vui.
Khuê oán
Từ chàng cách biệt phân ly
Em về ôm mối sầu bi não nùng
Đêm đêm ôm chiếc gối chung
Ngửi mùi hương cũ, lòng nhung nhớ sầu
Anh ơi, giờ ở nơi đâu?
Mau về lau những giọt đau thắt lòng
Đèn chong em vẫn đợi mong
Bóng chàng bỗng hiện như trong cõi nào
Anh về dáng dấp hư hao...
phạm phan lang
(Vài lời giới thiệu của Duy Xuyên.):
Phạm Phan Lang là Nữ Trung Tá đầu tiên của Quân Lực Hoa Kỳ. Thi sĩ phạm phan lang viết nhiều thơ rất nổi tiếng.
Nhiều thơ của phạm phan lang được phổ nhạc.
NHƯ CHIM LIỀN CÀNH
Họa bài Đêm Góa Phụ của Song Phượng
Bóng thời gian trải dài trên vạn dặm
Chim vẫn bay cao vút tận ngàn mây
Gói cô đơn lấp kín vũng sầu đầy
Rót tưởng nhớ cho đèn bớt leo lắt
Đi hay ở, đó phận người nghĩ lại
Đem nụ cười nhen lửa ấm mộ sâu
Thôi vùi chôn cô quạnh dưới trời Âu
Sầu biến thể kết trái thương vô tận
Vẫn thao thức ôm mộng đời cao ngất
Nắng vành hanh ấm lại xác thân người
Đi là về quê mẹ bớt đơn côi
Mời Nguyệt Lão cùng say đêm trừ tịch
Đời sang trang vẫn còn nguyên dấu tích
Mộng hoàng hoa đẹp mãi đến bao giờ
Lời thề xưa thơm ngát cả trời mơ
Là quá đủ đâu cần chờ chi nữa?
Thuyền tình xưa neo còn nguyên điểm tựa
Chắp cánh bay giữa trời gió bao la
Đục trong âu cũng giòng nước ta bà
Ta ngụp lặn vớt từng chùm hoa vỡ
Ngô Đức Diễm
(Vài lời giới thiệu về Giáo Sư Ngô Đức Diễm):
Giáo sư Ngô Đức Diễm dạy Triết tại Trường Trung Học Võ Tánh và Nữ Trung Học Nha Trang.
duy xuyên
tacoma



THU trong buồng tim nhà thơ HOA VĂN
 qua MẤY NỐT PHÙ HOA.
Duy Xuyên
Tacoma
 
Tôi lang thang trong vuờn thơ của một chiều thu hiu quạnh.  Trời mây thật buồn. Bất giác tôi tiếc nuối những tia nắng thu, xuyên qua kẽ lá cành cây của một buổi sáng có gió thu nhẹ. Vài vệt sáng long lanh nằm trên mái tóc ai đang chảy dài như dòng sông trôi nguợc. Tôi mơ màng trong men tình dịu vợi…
 
 
Bất ngờ tôi tìm thấy TẬP THƠ  MẤY NỐT PHÙ HOA của Nhà Thơ HOA VĂN do Cơ Sở Thi Văn Cội Nguồn xuất bản. Ấn hành lần thứ nhất 12/2016 San Jose, California, USA phát hành.
 
Tập thơ dầy 214 trang. Gòm 94 bài thơ đủ thể loại, trong đó cũng có nhiều bài thơ Xướng Họa của Hoa Văn và các thi nhân khác như: NPL, Trần Minh Hiền, Thương Anh, Nguyễn Hoàng Linh, Quốc Thái, Nguyên Bông, Nam Thảo, Vinh Hồ, LDPP, Tường Vy, Nguyễn Thanh Vân, Hồ Công Tâm, Thụy Hoài Như, Đỗ Quý Bái, Lê Ngọc Kha.
Tập thơ được trình bày trang nhã. Chữ khổ lớn dễ đọc.
 
 Tôi nhận được TẬP THƠ, do nhà thơ Quân Đội, lão thành HOA VĂN gởi tặng ngày 3.4.17.
 
Tôi ngấu nghiến và mơ hồ nghĩ vẫn vơ... Tôi đọc kỹ những bài thơ THU với một nỗi xúc động vừa dằn vặt vừa đam mê… Chữ nghĩa của thi sĩ HOA VĂN quá tuyệt vời !
 
HOA VĂN dùng chữ rất giản dị nhưng thanh âm cao vút đã nói lên được ý thơ, li thơ một cách tuyệt dịệu.
 
Có ai thấy trong một bối cảnh của một mùa Thu ảm đạm thì HOA VĂN lại mơ uớc ánh nắng thu hồng quanh mùa.
"Em với tình THU đẹp áo thơ
Tóc buông từng sợi nắng quanh mùa
Mắt buồn trong mỗi  lời thơ nhỏ
Từng ngữ ngôn hồng thu ước mơ"
 
Trong những lời thơ của Hoa Văn, thường thường khi diễn tả về mùa thu, thì Ông viết chữ thu rất bình thường, nhưng theo tôi nghĩ, khi Ông nhớ đến nàng THU của Ông, chữ THU, ông lại viết *hoa.
Như vậy, theo tôi thấy, trong Ông có hai thu.
Một thu cho bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông.
Và một Thu, tên một người con gái, mà có lẽ là người yêu của thi sĩ HOA VĂN.
 
Thật vậy, chúng ta thử đọc và quan sát thật cẩn thận bài thơ sau đây:
37. THU  ĐẸP ÁO THƠ - trang 47, trong Mấy Nốt Phù Hoa:
 
"Đã mấy lần tay vẫy biệt ly
Lạnh đường qua lạnh cả đường về
Ngày vui tính được bao nhiêu tuổi
Mà cứ bộn bề chuyện ở đi
 
Em với tình Thu đẹp áo thơ
Tóc buông từng sợi nắng quanh mùa
Mắt buồn trong mỗi lời thơ nhỏ
Từng ngữ ngôn hồng thu ước mơ
 
Tình dăm cõi mộng cũng hư hao
Đời những Thu Đông lắm nghẹn ngào
Một thủa vàng phai hoa với buớm
Vẫn còn xao xuyến vẫn trăng sao
 
Vẫn Thu buồn vẫn giọt mưa trong
Người mấy dặm xa sông mấy dòng
Ta vẫn nơi này xơ xác mộng
Cũng Thu tàn úa xót xa trông
 
Em nẻo đường xa từng bước chân
Bài thơ Thu cũ dở dang vần
Gởi về đâu đó trong hồi tưởng
Và nhạc thơ vàng tặng thế nhân."
 
Thật vậy, những câu thơ sau này, thi sĩ muốn gởi lời tâm sự với người con gái nào đó tên Thu.
  
Chỉ chừng ấy thôi, tôi đã nghe thấy âm vang dao động của những giọt nắng thu đang nhảy múa, hát vang trong một buổi sáng mà những hạt sương long lanh đang ấp ủ những chiếc lá cô đơn trong vườn hoa tươi thm mà mắt ai đang nồng.
"Mắt buồn trong mỗi lời thơ nhỏ
Từng ngữ ngôn hồng thu ước mơ"
 
Phải rồi! màu mắt, màu tóc như sợi nắng của da trời xanh biếc, đang tràn về hồn tôi như giục giã nhớ thuơng ai!
"Em với tình Thu đẹp áo thơ
Tóc buông từng sợi nắng quanh mùa"
 
Cảnh cũ mà nhà thơ HOA VĂN đang ngóng trông là một khu vuờn cổ tích.
"Em nẻo đường xưa từng bước chân
Bài thơ Thu cũ dở dang vần"
 
Hai câu thơ trên, đã đưa thi sĩ HOA VĂN về với giấc mộng thật xa xưa.
" Gửi về đâu đó trong hồi tưởng
Và nhạc thơ vàng tặng thế nhân"
 
 Rồi người tình biền biệt ra đi, để HOA VĂN ngóng trông từng giây trong cõi quạnh hiu.
"Nhìn lá *thu buồn phơi sắc thắm
Nhìn đời chỉ thấy bóng phù vân"
(39. THU VÀTHI NHÂN, trang 49)
 
Chữ nghĩa của HOA VĂN là một thế giới vô hình, nó vừa thưt tha như đàn bưóm trong vườn hoang vừa trang nghiêm như cảnh chùa tinh mịch.
 
Tôi là người chưa biết làm thơ nên không am tường lắm nhưng qua thơ của Niên Trưởng HOA VĂN đã gieo vào tim tôi dẫy đầy ấm áp như răng môi tôi đang hôn nhẹ nguời tình trong mộng mị.
 
Chỉ có 2 câu thơ ngắn ngủi, với từ ngữ chất phác, giản dị mà nhà tho HOA VĂN đa nói lên được nỗi lòng cách biệt, chờ mong.
"Chút ân tình cũ mùa Thu cũ
Tình chốn xa xăm tình nhớ hoài"
 
 Rất tiếc tôi chưa có đ tài năng để diễn đạt những ý nghĩ sâu xa trong thi ca mà nhà thơ HOA VĂN đã là một trong những người đã làm cho Văn Học Hải Ngoại, mỗi ngày mỗi phong phú hơn.
Thi sĩ HOA VĂN viết nhiều thể loại nhưng với lục bát, Ông viết rất đậm đà, thể hiện được ngôn ngữ thích ứng với tình cảm chân thật, bình dị của Ông.
 
Cho phép tôi đuợc học thuộc lòng những từ ngữ tuy thật đơn giản nhưng đã mang nhiều hàm ý mà chính tôi cần học hỏi của Niên Trưởng HOA VĂN .
 
Cho phép tôi được ca tụng HOA VĂN như một thi si tài danh... của Thế Kỷ 21 như các Văn Thi Hữu trong Diễn Đàn Văn Nghệ Tự Do  như Vinh Hồ, Thương Anh, Tố Anh, Người Xứ Vạn, Song Phượng, Nam Thảo, Phước Hồ,  Mai Sa Mạc, Uyên Thúy Lâm, Hàn Tiểu Thơ, NPL,  Trần Minh Hiền, Nguyễn Hoàng Linh, Quốc Thái,  
 Nguyên Bông, LDPP, Tường Vy, Nguyễn Thanh Vân, Hồ Công Tâm, Thụy Hoài Như, Đỗ Quý Bái, Lê Ngọc Kha...
 
Thật vậy, chỉ trong một thoáng giây như ngm ngùi, như tiếc nuối, nhà thơ HOA VĂN  không chần chừ gieo vận để nỗi lòng chìm nghỉm :
" Ta còn bao nữa, mùa Thu
Mấy Thu vàng nhỉ giã từ cuộc vui"
(84. CÒN ĐƯỢC MẤY THU, trang  97)
 
Chỉ vỏn vẹn có hai câu lục bát nhập đề, 14 chữ, thi si HOA VĂN đã sáng tạo đuợc cái hiện thực của tình si, một bức tranh nghẹn ngào: "Thu này lá đổ màu chưa?
Em còn bên đó hay vừa bước đôi"
Sự trầm mặc của nhà thơ là cái tĩnh mịch của trí óc lãng mạn "bước đôi" của Niên Trưởng HOA VĂN, đưa tôi vào cảnh mộng mị trong giấc chiêm bao, để tôi ngỡ ngàng trong mộng du, thấy em thơ của tôi đang sánh bước cùng ai mà hồn tôi ngậm ngùi tiếc nhớ! Tôi òa khóc vì biết thật sự mình đã mất Người rồi!
 
Thơ như Thu đang về, rét muớt.  như mùa đông  còn lạnh lẽo, giá buốt phủ giăng, cho ta cái cảm giác cô đơn và buốt giá! Trời mây ảm đạm. Bầu trời như u - uẩn một tình khúc trong một buổi sáng buồn.
 
Tho HOA VĂN nói lên nỗi nhớ, niềm mong đợi. ngẫu nhiên cũng đã đáp lại được lời  Người tình xưa, vẫn chờ, vẫn đợi:
“Hôm nay sao bỗng vui còn
Vẫn đây mũ áo thơ nguồn cội xưa”
 
Cám ơn nhà thơ HOA VĂN đã đánh thức tôi dậy, người tình nhỏ vẫn mỉm môi cười "Rằng em vẫn đợi...vẫn chờ đợi ... anh." 
 
HOA VĂN  đã không để cho người tình đang chờ đang đợi mà thi si niên trưởng HOA VĂN còn nhân cách hóa cả một rừng thơ đang đứng ngẩn ngơ với những cành cây, dung như mõi mòn ngóng trông!
“Thu đến  thơ đời thêm nở hoa
Như trăng mười sáu giữa bao la
Soi tình thơ tỏa trên đường lụa
Cung bậc trời hồng tiếng hát ca.”
(66. MÙA THU HOA CÚC, trang 78)
 
Sao người tình chung chưa đến? Hay người chưa về? Hàng cây vẫn  lặng thinh đứng đợi trong vô vọng... khi người tình vẫn mãi mãi phương xa.
“ Ngày buồn để lại hắt hiu
Bên đời kỷ niệm ít nhiều dấu chân
Tình đi như đã riêng phần
Trăm năm đời cũng chỉ ngần ấy hoa.”
(67. CHỈ NGẦN ẤY HOA, trang  79)
 
Theo tôi hiểu Chỉ ngần ấy hoa cũng còn có nghĩa: Chỉ một mình em nếu không muốn nói rõ thêm ra: Chỉ một mình THU thôi!
 
Thơ HOA VĂN có tà áo lụa vàng, có bàng hoàng nắng soi, có mắt ai trời biếc, có tình về xa ơi là xa.
Thơ HOA VĂN lại có gió, có mây trời lồng lộng, mà lại còn có bước chân ai khép nép *buớc-đôi trên thảm cỏ non xanh.
Thơ HOA VĂN cũng chẳng thiếu
"Nhớ Ninh Kiều quá đi thôi!
Nhớ sông nhớ biển nhớ người tình ca"
Rồi đưa ta ngậm nùi:
"Nhớ đò đưa nhớ Ba Càng
Sông bao nhiêu tuổi nước tràn mặt sông"
 
Thật vậy,  dòng sông thuở xa xưa, có mây trời hiu hút mờ khói sương chiều, có mây bay thật thấp trên phiến đá buồn, lạnh câm trong im ắng, mà người tình đang ngồi để chờ đợi một hình bóng xa xưa, nhưng hoài công.
 
Vô thường là thế!  Có... Có!  Không ... Không. Vì chẳng còn tồn tại trên cõi đời này.
 
Thơ của HOA VĂN là những bài thơ tình, thật lãng mạn như bỗng  dưng rưng rức buồng tim.
 
Cái có trong triết học Phật giáo, trong ngôn ngữ vô thường nhưng bao dung cả cái có với cái không. Để ta ngây ngô một thoáng, lim dim bóng nàng.
"Chờ nàng thơ đến cùng vui
Viết rồi lại xóa, xóa rồi lại xây"
(NINH KIỀU, trang 54)
Bóng dáng, hình ảnh của nguời tình xa, buông thả trong nội tâm thật cổ điển, và ngay cả những triết lý mà bản ngã của con nguời từ không đến có, rồi thân xác cũng sẽ thành cát bụi. Từ cái có đến cái không!
Không! Không! Có! Có!
Có! Có! Không! Không!
Tôi mất Nha Trang quê tôi rồi tôi lại có Nha Trang trong mộng mị! Tôi mất Nha Trang cũng thật xa! Mà nay tôi lại có NHATRANG thật gần!
Như nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, đã ba lần “không” còn yêu em nữa.
Rồi Ông cung ngập ngừng  trong chữ nghĩa “đam mê!”
Cát bụi phải trở về cát bụi. Ồi ! Người Tình từ cái có lại trở thành không, quanh quẩn trong ta. Vô thuờng là thế!
 
Bỗng chốc nhà thơ HOA VĂN giở lại những dòng thu thật trữ tình, gợi nhớ lại người mình yêu thương, song một thoáng giây tận cùng của nỗi nhớ cho đến vinh hằng và vô thường trong tình yêu đôi lứa như
Mắt em, trời biếc, tình oi!
Để cho thi sĩ HOA VĂN  năm tháng tả tơi lưu đày.
"Niềm thương ta vẫn êm đềm
Người đi kẻ ở có mềm lòng đau???"
 
HOA VĂN là một nhà thơ đã thành danh từ trong nước và đến hôm nay tại hải ngoại.
 
Tôi đã không dám bình thơ của Niên Trưởng HOA VĂN mà tôi chỉ đọc thơ của người lính trận HOA VĂN qua cảm xúc ghi nhận của con tim trong nhiều bài thơ của HOA VĂN.
 
 Tôi kính trọng HOA VĂN vì nhà thơ đã có những vần thơ thật vô cùng lãng mạn, trong thơ đã gói ghém tính chất buông thả rồi tự biết kiềm hãm với ngôn ngữ thật giản dị, như tiếng nói của các người lính hiền hòa, thủy chung, nhưng rất bình dị: viết rồi lại xóa,  áo bà ba, đò đưa, nhớ quá đi thôi, đường này lối nọ...
HOA VĂN đã chọn cho mình một chỗ đứng riêng biệt trong thi ca, do đó nhà thơ HOA VĂN rất được nhiều người ưa thích và có rất nhiều thơ của HOA VĂN được nhạc sĩ LMST (Linh Mục Si Tình) và nhạc sĩ Anh Bằng và nhiều nhạc sĩ khác phổ nhạc.
Duy Xuyên
Tacoma
4/9/17
 
 
Cm nhận thơ  Ngô Trưởng Tiến
                            Duy Xuyên

 
Tình Nhớ 
 
Lạnh trọn đem dài khi lập đông
Xa nhau còn nhớ cặp môi hồng
Xuân sang chốn ấy em vui vẻ?
Thu đến nơi này anh vẫn không
Duyên kiếp đôi ta thì đa định
Cuộc đời hai đứa đanh chờ mong
Nơi đây anh cứ luôn trăn trở
Tình đã bay xa tan nát lòng
 Ngô T Tiến.
 05/29/2013
 
Trên đây là bài thơ của Ngô Trưởng Tiến, để họa bài xướng của Nữ Sĩ Song Phượng qua bài Tình Mong. ( Diễn  đàn  Văn  Nghệ Tự Do.
Tôi nghẹn ngào trong cơn xúc động bùi ngùi khi vừa mới đọc một câu mở đầu trong bài thơ họa của nhà thơ Ngô Trưởng Tién "Tình Chờ" qua bài  "Tình Mong" của Nữ sĩ Song Phượng.
Một người đang mong. Một người đang chờ.
Thi ca bao giờ cũng là nguồn gốc của hạnh phúc! Ước  ao! Và vĩnh hằng!
Nhà thơ Ngô Trưởng Tiến đã thả hồn mình trong tâm tư của nỗi nhớ, triền mien  suốt cả một mùa Đông rét mướt, rũ buồn, trong lời thơ … Tình Nhớ. Dường như có cái gì đó vừa báo hiệu cho một mùa Đông giá rét kéo về, với gió bấc từng cơn thổi lạnh buốt:
 
“Lạnh trọn đem dài khi lập Đông …"
 
Tôi liên tưởng đến một đêm Đông, ngoài trời tuyết đổ, gió thét gào, trong căn phòng cô đơn, hay trên một gác trọ lẻ loi, một mình Ngô Trưởng Tiến thì thào trong nỗi thương niềm nhớ: 
 
“Xa nhau còn nhớ cặp môi hồng…” 
 
Chao ôi! Xa nhau đã từ lâu, nụ hồng vẫn còn hằn sâu trong tế bào hệ lụy,  vương vấn mãi trong đời.
Tôi cảm nhận, người yêu của Ngô Trưởng Tiến là bóng mát của cuộc đời, bao quanh tâm tư nhà thơ mà hình dáng khó nhạt nhòa, để đến nỗi, dù chim trời đã bay xa, nhưng nhà thơ lại thở dài trong lo lắng: "Xuân sang chốn ấy em vui vẻ?
Câu hỏi rất chân tình.
Ngô trưởng Tiến buồn ray rứt nhưng mãi mong chờ Người Mình Yêu luôn được hạnh phúc! Vui vẻ!
Cao quý thay! Cho một tình yêu thanh khiết! Cao thượng thay cho chim  trời vỗ cánh bay xa! Chao ôi Người Tình của Ngô Trưởng Tiến là người hạnh phúc nhất rồi đó! Trong đời sống bình thưong, người ta chỉ nghĩ đến người yêu trong một thoáng giây gọi nhớ, nhưng qua lời thơ, tôi cảm nhận tình yêu mà nhà thơ Ngô Trưỏng Tiến dành cho Người Mình Yêu quả là một tâm tình tuyệt vời ít người có đuợc. Tính chất, trong cung cách vùa lãng mạn vùa hiện thực theo lối viét thả hồn thơ lãng mạn, như sóng vỗ tràn bờ, để cho con tim mình đuọc tự do buông  theo những cảm xúc mênh mông:
 
" Lạnh trọn đêm dài khi lập đông
Xa nhau còn nhớ cặp môi hồng..."
 
Nhưng sau đó tình cảm chân thật lo lắng cho người yêu, nên nhà thơ đã thể hiện tâm tư của mình qua đời thường, rất hiện thực trong cung cách thi ca cổ điễn, tình thương, sự săn sóc, nỗi âu lo... "Xuân sang chốn ấy em vui vẻ?
Giờ đây, Ngô Trưởng Tiến đã dùng lý trí, kiềm hãm con  tim  trong thác loạn trào dâng và trở về hiện thực: - Sao em có vui không?
Mùa Đông tuy giá lạnh, âm hưởng của tuyết trời rũ buồn nhưng vừa chớm Xuân, nhà thơ đã nghĩ ngay đến người yêu, nên  tự hỏi: "Nơi đó em có vui không?
Ngô Tưởng Tiến thật là một người tình thật cao quý của con chim đang tung cánh trên bầu trời Xuân với nắng ấm chan hòa...
Lá Thu bắt đầu rơi, trời Thu thường thường vẫn là những ngày buồn dai dẳng, kéo theo những nỗi nhớ triền miên trong tâm tư thật ảm đạm:
 
"Thu đến nơi này anh vẫn không
Duyên kiếp đôi ta thì đã định..."
 
Theo tôi nghĩ nhà thơ Ngô Trưởng Tiến là một người tin theo thuyết định mệnh. Con chim kia có màu lông tuyệt vời mà hình hài nàng là nỗi nhớ liên tưởng, khắc khoải khó phai. Và cuộc đời hai đứa đành chờ mong ngày hội ngộ:
 
"Nơi đây anh cứ luôn trăn trở
Tình đã bay xa tan nát lòng"
 
Tôi cảm phục Ngô Trưởng Tiến chỉ có 8 câu thơ vỏn vẹn đã gây cho chính tôi, nỗi bùi ngùi trong nhung nhớ xa xưa...
Thơ Ngô Trưởng Tiến rất đơn giản đến độ không cần chải chuốc, người đọc hiểu ngay ý thơ, tình thơ một cách mạch lạc với nỗi trăn trở khi mất người yêu.
Cách dùng từ ngữ của Ngô Trưỏng Tiến rất mộc mạc, ngôn ngữ trong thi ca thật chất phát làm cho tôi cảm xúc thật mãnh liệt mà những rung động trong xương tủy tôi réo gọi những nỗi nhớ mơ hồ...
Cho tôi xin phép cám ơn nhà thơ Ngô Trưởng Tiến với nổi xúc động chờn vờn.
Tôi mong sao trong đời này, hay muôn ngàn kiếp mai sau, loài chim xinh đẹp kia sẽ bay về chập chờn trong giấc ngủ rồi đậu nhẹ trên vai của nhà thơ để nỗi nhớ bớt vương sầu và hạnh phúc bao giờ cũng đuợc ban phát cho tình yêu chung thủy.
 
Duy Xuyên
Tacoma, tháng 5/ 2018
 
Thu trong buồng tim nhà thơ Hoa Văn
trong Tuyển Tập Thơ
HƯƠNG TÌNH HOÀI ĐIỆP
duy xuyên
tacoma
 
Vài dòng giới thiệu về nhà thơ Hoa Văn
 
    Vào khoảng giữa tháng 10/1954, tôi đã gặp Thiếu Úy NGÔ VĂN HOÀ (nhà thơ Hoa Văn) tại Tiểu Đoàn 55 Việt Nam (BVN) từ Bắc, triệt thối vào Nam sau Hiệp Định Genève. Vừa mới triệt thối vào Nam, Tiểu Đoàn 55 Việt Nam, được phối trí đóng quân tại Phân Khu Diên Khánh tỉnh Khánh Hòa.
 
   Những năm tháng ấy, tôi đang phục vụ tại Phân Khu Diên Khánh -Khánh Hòa, đồn trú tại Thành - Diên Khánh, Khánh Hòa; nơi đó chúng tôi quen nhau. Cũng vào những ngày tháng này nhà thơ Hoa Văn còn làm thơ với bút danh Anh Hoa.
- Năm 1964, nhà thơ Hoa Văn ra mắt tập thơ Đường Em Hoa Nở.
- Năm 1965, xuất bản tập Thơ Anh Hoa.
- Năm 1966, nhà thơ Hoa Văn nổi tiếng trên Văn Đàn Việt Nam với tập thơ Lục Bát và Mưa Cao Nguyên.
... Chúng tôi mất liên lạc với nhau từ 1966 - 2017 (51) năm sau); chúng tôi lại gặp nhau trên Diễn Đàn Văn Nghệ Tự Do tại Hoa Kỳ.
 
     Chúng tôi nối lại tình bạn xa xưa và tôi được biết nhà thơ Hoa Văn đã ra mắt thêm 10 tập thơ nữa, mang bút danh mới là HOA VĂN từ khi qua định cư tại Hoa Kỳ năm 1993. Như vậy, nhà thơ đã in ấn tổng cộng 14 tập thơ trong 52 năm...
Hai năm gần đây, nhà thơ Hoa Văn đã tặng tôi 2 thi tập:
- Dòng Thơ Cho Em
- Hương Tình Hoài Điệp.
 
Sau mỗi lần đọc hai tập thơ tặng này, tôi vì cảm xúc nên đã viết về Hoa Văn qua hai bài cảm nhận như sau:
- Thơ trong buồng tim Hoa Văn
- Thu trong buồng tim nhà thơ Hoa Văn...
duy xuyên
tacoma
24/03/18
 
 
Tôi có cái hân hạnh được Nhà Thơ Niên Trưởng Hoa Văn gởi tặng Tuyển Tập Thơ HƯƠNG TÌNH HOÀI ĐIỆP.
Tuyển Tập dày 200 trang, kể cả hình bìa.
Tuyển Tập do tác giả đánh máy & sửa lỗi chánh tả - Cội Nguồn xuất bản năm 2018
Trình bày & thực hiện bản in: Song Nhị.
Hình thức: Tuyển tập được trình bày trang nhã, đẹp mắt.
* Hình bìa: Chân Dung Hương Hoài Điệp: Thật tươi mát, trẻ đẹp và Thánh Thiện. Khuôn mặt Hương Hoài Điệp với cặp kính trắng thật trí thức. Thanh cao. Mắt nhìn hun hút như vừa gởi gấm cho ai đó niềm tin yêu vời vợi.
Nội dung: 76 bài thơ tình, gởi cho người yêu trong mộng.
Người yêu trong mộng của nhà thơ Hoa Văn với tên rất mỹ miều Hương Hoài Điệp (THUCUC TRỊNH) - Chân dung ở hình bìa của Tuyển Tập
Chất thơ: Lai láng với một tâm hồn rất lãng mạn.
Hình bìa cuối:
- Giới thiệu THƠ ĐÃ IN từ năm 1964 đến năm 2018.
Qua 76 bài thơ tình, chỉ viết cho một Người (Hương Hoài Điệp) qua nhiều thể loại thơ như :
- Thơ Lục Bát
- Thơ Tứ Tuyệt
- Thơ Tám Chữ
- Thơ Ngũ Ngôn
- Thơ bảy chữ
Trong những trang đầu có LỜI NGỎ của nhà thơ Hoa Văn.
Trong LỜI NGỎ, tôi chú ý nhất ở đoạn này:
"... Hoa Văn hy vọng tiếp tục sáng tác những vần thơ góp phần làm đẹp cuộc đời.
Trên bước đường đi tới, Hoa Văn nghĩ nàng thơ có thể còn tạo niềm cảm xúc cho tác giả sáng tác và nhìn cuộc đời đẹp tựa ánh sao đêm:"
* Suy nghĩ của người viết bài này:
Nàng thơ mà nhà thơ Hoa Văn đã đề cập ở đây là Hương Hoài Điệp cũng là THUCÚC TRINH) tên của hai loài hoa tuyệt đẹp.
Hoa cúc có nhiều loại nhưng quý nhất, thanh cao nhất vẫn là Hoa Cúc vàng và Hoa Cúc tím.
Cúc thường nở đầy hoa vào mùa Thu. Có những vùng, những nơi, cúc lại nở vào mùa xuân và có những vùng khác, có nơi quanh năm đều có cúc nở.
* Còn hoa Điệp, ở quê tôi (Nha Trang) còn gọi là hoa Phượng.
Phượng còn có Phượng Đỏ, Phượng Tím, Phượng Hồng...Hoa này còn gọi là Huyết Phượng.
"Trên đường về huyết Phượng nở thành bông
Và vườn rộng nhiều trái cây ngon ngọt"
(Có thể là của Hà Mai Anh?)
Cả hai loài hoa này rất quý, nhiều người rất yêu thích.)
* Ở trang 9 Tâm Tình Hương Hoài Điệp:
"Tôi diễm phúc làm nguồn cảm tác cho thi phẩm của anh Hoa Văn, nhưng tôi không thể chữa lành vết đau và nỗi cô đơn anh mang, vì chúng tôi không duyên phận bên nhau."
*Ở trang 13:
Hương Tình Hoài Điệp Mượt Mà Đằm Thắm Và Tha Thiết của SONG NHỊ
*Ở trang 16:
Hương Tình Hoài Điệp Khi Nàng Thơ Và Thi Sĩ Thăng Hoa Cùng Vần Thơ của nhà thơ Trần Minh Hiền
"Ở vào lúc buổi chiều lấp lửng hoàng hôn, tác gỉa thi phẩm mới nhất"Hương Tình Hoài Điệp" vẫn tâm hồn dào dạt tuổi...Thơ. Thơ Không Có Tuổi! Nhà thơ vẫn "Xuân tân đáo tử ti phương tận"!!. Hẳn là có một động cơ nào đó, một nguồn cảm xúc nào đó, một đối tượng nào đó...khiến trái tim thi sĩ rộn ràng rung động trước thế sự, cảnh vật và tình yêu...
Khi bạn cầm tập thơ trên tay hẳn nhiên bạn biết nội dung là gì và tác giả đang thầm thì với ai."
Thật vậy, thơ Hoa Văn không có tuổi.
Với tuổi đời lấp lửng (chữ nghĩa của nhà thơ, nhà giáo dục Trần Minh Hiền) mà nhà thơ vẫn còn nôn nao với những áng thơ tình,
Hoa Văn đã viết:
"Đã gặp nhau nhưng tình khó đi tới
Chỉ như là một giấc mộng đêm say'
Trong cõi mơ có hình bóng em đầy
Khi tỉnh dậy bốn phương trời mây trắng.'
Hoa Văn
* Ngoài 76 bài thơ của Hoa Văn, ở phần cuối Tuyển Tập có PHẦN CẢM NHẬN của VĂN THI SĨ
- Duy Xuyên - Trang 189
"Thơ Hoa Văn trong tuyển tập Dòng Thơ Cho Em thật vô cùng lãng mạn, triền miên trong nỗi nhớ, khắc khoải đợi chờ  như tâm hồn thi sĩ thênh thang cuốn theo những đám mây hồng rồi vỡ vụn đâu đó đọng lại thành rêu xanh.
 
 
Thơ Hoa Văn đưa ta đến những vườn hoa Cúc. có dấu chân chim của người yêu trong thi ca vô cùng lãng mạn, nhưng nhà thơ Hoa Văn đã biết dùng lý trí để kiềm hãm những cảm xúc tuôn trào như sóng vỗ tràn bờ rồi dừng lại trong khoảnh khắc để cho ta trở về với thi ca cổ điển; mà nhà thơ Hoa Văn luôn là người đại diện cho Văn Học Lãng Mạn và luôn có hoài niệm cổ điển ..."
 
- Nhà thơ Hồ Công Tâm - Trang 190
- Nhà thơ Nguyễn Phú Long - Trang 191
- Nhà thơ Trần Quốc Bảo - 193
"Thoáng hương hoài điệp chơi vơi
Hư hư thực thực ngàn lời thơ duyên"
- Nhà thơ Vĩnh Hồ - 194
"Thơ Hoa Văn ... rất đẹp - một khu vườn mượt mà óng ả đầy hoa vàng cúc tím, một dòng sông êm đềm hư ảo khói sương - phảng phất tư tưởng triết lý nhân sinh, man mác hương Thiền - lơ lửng giữa thực và mộng...
- Nhà thơ Trần Minh Hiền - 195.
"Thi sĩ Hoa Văn viết giùm viết hộ cho nàng thơ của ông, viết giúp tâm sự sâu kín tận đấy hồn nàng và cũng của chính ông."
Nội Dung Chính:
Tôi đã đọc xuyên suốt qua 76 bài thơ của Nhà Thơ Hoa Văn với nỗi xúc động bùi ngùi, triền miên, tưởng chừng như con tim cũng cùng đi hoang với nhà thơ đang đi hoang về bến lạ, tìm về một tình yêu vừa mơ hồ vừa hiện thực; với ý niệm của vô thường ... có, có ...không không, không không ...có có với nỗi nhớ trong tiềm thức viển vông, mà hiện thực là đam mê, thác loạn mà đời mải miết còn mơ với mộng và còn gì hơn người mộng (THU CÚC) vẫn cứ mãi trong Thơ.
Tôi muốn viết ra đây Thu trong tiềm thức buông thả của một tình yêu có thực trong thơ văn nhưng lại mơ hồ trong ý niệm... đến tận cùng của vô ngã. Những
hiện thực trong những cơn mơ dài đưa ta đến với những tình tiết trăng, hoa, lá, nắng và tâm hồn xanh xao của tác giả nhà thơ Hoa Văn, cột trụ của Thi Ca và chỗ đứng của nhà thơ trong sinh hoạt Văn Học Nghệ Thuật của cả Miền Nam từ năm 1954.
Tại Hải Ngoại (Hoa Kỳ) thơ Hoa Văn làm độc gỉa xôn xao với Thi Tập Thơ Và Thời Gian, năm 2002 và cho đến năm nay 2018:
Tuyển Tập Hương Tình Hoài Điệp lại ra mắt độc giả với dòng thơ Tình, thật lãng mạn.
Theo tôi nghĩ:
Từ khi tên em là Điệp, dòng thơ anh đã vào đời...
Và từ ngày có Điệp
Thơ anh lại triền miên
Từ ngày có Thu Cúc (Hương Hoài Điệp)
Thơ anh như lãng du... thơ anh tha thiết hơn bao giờ và tình thơ, ý thơ lại mang một sắc thái thực thực hư hư, bềnh bồng như gió thoảng, lững lờ như mây tím giăng...
Tôi thích nhất là tiếng Thu trong thơ Hoa Văn:
'Thu Cúc ơi anh chẳng thiết tha tìm
Đã có em bên cuộc đời đậm nhạt'
Phải rồi, đã có Cúc, có Điệp thì tất cả những bóng hồng khác chỉ là ảo ảnh trong bước đường làm lính, lên thác xuống ghềnh cũng như gió thoảng mây bay. Giờ chỉ còn là Cúc là Điệp mà tình yêu là Thánh Thiện.
Thật vậy trong LỜI NGỎ, Hoa Văn đã viết:
"Hoa Văn quen biết nàng (Hương Hoài Điệp - người viết bài này ghi thêm) qua lời thơ nốt nhạc một thời gian ngắn, nhờ tình nhạc ý thơ đưa Hoa Văn đến cõi mơ và yêu thương nàng từ đó."
Tôi thật vô cùng ngạc nhiên vì chỉ quen nhau trong một thời gian thật ngắn 18 tháng mà Hoa Văn đã viết đến 178 bài thơ tình mà chỉ viết riêng cho Hương Hoài Điệp, thì quả thật nhà thơ Hoa Văn là một thiên tài từ trước đến giờ mà tôi được biết trong phạm trù nhỏ hẹp của tôi.
Có những người đàn ông, yêu một phụ nữ có thể còn da diết hơn Hoa Văn nhưng chưa bao giờ làm được một vần thơ nào để gởi gắm tình của mình với người mình yêu, trong suốt cả một đường tình 50-60 năm.
Đằng này Hoa Văn đã tặng cho nàng thơ của mình đến 178 bài thơ, thì quả là Hương Hoài Điệp nhận được một hạnh phúc to lớn quá đỗi.
Chúng ta thử đọc 2 câu thơ dưới đây, để biết Hoa Văn đã trân quý Người Yêu của mình như thế nào:
'Tâm hồn anh bay bổng tiếng thơ say
Em Thu Cúc người yêu trong mộng đẹp'
( Bài 23. Triệu Đóa Hoa Hồng
tr.76)
Rồi đến một ngày nào đó, nhà thơ mới thấy đời chưa có nhau nhưng yêu như chưa bao giờ được yêu, và ngỡ ngàng nghĩ đến thân phận cho đến ngày nào sẽ có nhau:
'Buồn nào sao bỗng rưng rưng
Hương trầm bát ngát nghe lòng đã Thu'
(28. Em là tất cả - trang 88)
Và:
'Thu nào cho nở nụ cười
Mênh mang một nỗi buồn rơi lá vàng'
'Mùa Thu mùa của phân vân
Mà tình em lại vô ngần sớm hôm'
( trang 91 ).
Và khi thấy tình mình vẫn cô đơn, vẫn lẻ loi một mình.
'Trời đã vào Thu rồi đó em
Gió bâng khuâng thổi nhẹ êm đềm
Thu về bên lối đời loi lẻ
Lại nhớ về em lạnh nỗi niềm
Thu đến tình nào cho ấm êm
Dẫu vàng hoa cúc nở trong tim
Tìm em anh biết tìm đâu nhỉ
Thu có về sao nguyệt vẫn chìm'
Chao ôi!
Thu Cúc - Anh đang buồn đứng cúi mặt
Vai Cúc gầy!
Mắt biếc!
Tóc xõa trong tim anh
Sao tia nắng
Không phải là ta - em nhỉ?
Nắng rêu xanh!
Ai mải miết chờ em
Mùa Thu đến!
Máu tim ta chợt thức
Hình hài em
Giọt nắng - vẫn còn xa
Duy Xuyên
12/03/18
Phải rồi nhà thơ Hoa Văn đã nghẹn ngào gọi tên Thu Cúc!
À, tôi biết rồi, tiếng gọi thất thanh của Hoa Văn là nỗi nhớ triền miên. Nhà thơ hối hả tìm về trong mơ, để tìm bóng dáng Hương Hoài Điệp, đã thôi thúc nhà thơ gieo vần, với áng thơ tuyệt tác của nhà thơ viết cho ai? Chẳng phải là Hương Hoài Điệp hay sao?
Tuy Thu Cúc đã quá xa nhưng mái tóc, ánh mắt, răng môi nàng vẫn còn cuốn hút trong khe tim và bóng dáng nàng vẫn như những hoa cúc hồng, hương hoa ngào ngạt đang lưu thông trong huyết quản nhà thơ.
Như vậy, lý do mà nhà thơ Hoa Văn như con tằm nhả tơ, để viết ra những tâm tình của nhà thơ chính là nỗi nhớ triền miên, nỗi nhớ của một đời người, đang đi tìm một bóng hình yêu dấu.
Rồi bỗng dưng đêm nay có mưa đêm thơm mùi hoa cúc và cơn mưa thật lạ, đổ về làm xa nhau và biết đến bao giờ Hoa Văn mới được gặpThu Cúc đây!
Anh hỏi em! Bao giờ được gặp
Em trả lời, mai mốt anh ơi!
Xin trả lời! Mai mốt anh ơi!
"Thu đến thu đi cho ý thơ
Bên này bên ấy mơ và mơ'
(31. Mùa Thu không em - trang
92 - 93)
'Viết gì thơ hết buồn hiu hắt
Thu đã về rồi dạ ngẩn ngơ'
'Thu vàng hoa cúc người yêu dấu
Trời đất vào thu lưu luyến hơn
'Giai điệu mùa Thu chút mộng riêng
Trời thơ cùng nở nắng tơ mềm
Ân tình còn lại mang màu nhớ
Thu đến mà anh không có em!!! (31.
Mùa Thu không em - trag 92)
'Gió cũng chưa đầy chưa lá rụng
Vào Thu chăm chút hắt hiu thơ'
Mùa Thu vừa đến mùa Thu đến
Buông chiếc lá thơ thả xuồng đời'
(36. Mùa Thu và thơ - Trang 102)
'Thu đến đến cho người nghệ sĩ
Tâm hồn mơ mộng chút buồn thu
Riêng anh thu với hồn thơ trắng
Tự viết cho anh giấc mộng chờ'
Thu ơi đừng để anh quên đường'
Phải rồi:
Mái tóc dài ai vào đời vội vã
Nghe xôn xao tim vỡ tự hồi nào
Duy Xuyêm
3/18
'Tơ biếc bên đời tơ biếc mãi
Vì tình ngây ngất hỡi thu ơi'
'Thu mãi cho tình thu cỏ lụa
Lòng anh chiu chắt tháng ngày qua'
(36. Mùa Thu và Thơ -Trang 104)
Thật hay hư sao thấy thật hững hờ
Tuổi đã tám mươi vẫn còn đầy hy vọng
Mong một ngày được sống thật với ước mơ...
Duy Xuyên
3/18
Mùa Thu lá rụng mùa Thu sang
Đừng gọi tình anh sầu ngỡ ngàng'
'Đón Thu sang từng giây phút mơ màng'
Phải chi nhà thơ có được đôi cánh huyền thoại, bay từ Richmond thật nhanh về nơi nàng thơ đang cư ngụ, xa cách trùng trùng diệu vợi, rồi len lén đậu thật nhẹ, lên tóc nàng thơ, như cánh chim trời từ đâu bay lạc đến. Hoa Văn sẽ nói nhỏ với Thu Cúc, những gì nhà thơ chưa nói được của một chiều hư ảo, em đã hẹn nhưng rồi không đến.
Nhớ thuở ấy cao sang ngày tháng đợi'
'Lòng biển gió thênh thang còn mong mỏi
Dẫu tình xa gọi mãi bóng thu về'
(48. Trăng uá - Trang 122)
Hoa Văn cũng sẽ thăm hỏi em vài giây cho đỡ nhớ thương, rồi lặng lẽ ráp đôi cánh thiên thần ấy, vội vã ngược dòng thời gian nghìn trùng thương nhớ, ngậm ngùi, trả lại em mái tóc màu hạt dẻ, trả lại em khuôn mặt Thánh Thiện, đầy ấp thanh cao, lưu luyến không nỡ trở về Richmond, để còn kịp mhâm nhi ly cà phê đắng, mà sương khuya còn lấp lánh, còn đọng lại trên đôi cánh chim hải hồ, trong chuyến hành trình vời vợi ấy, rồi bỡ ngỡ biết mình chợt nhớ đến ánh mắt em chờn vờn trong giấc ngủ miệt mài cô đơn.
'Anh mùa Thu nỗi đau đời còn lại
Đợi em về mỗi cung bực hư không'
Tôi biết chưa bao giờ Hoa Văn thích ngồi đợi Thu Về như bây giờ.
Hình dáng nàng như thiên sứ, như những hạt nắng tràn về tim. Cúc về tràn ngập niềm vui. Nắng liếm gót chân nàng, nắng hôn nhè nhẹ lên những cành hoa Cúc.
Nắng buồn nên Điệp cũng bâng khuâng. Nắng đi Cúc muộn phiền. Lời thì thầm bên tai khiến Hoài Điệp thẩn thờ...
'Tình dù có mỏng như sương
Theo thu mấy bước đoạn trường ngược xuôi
Thu đi tím lịm chân trời
Bâng khuâng từng mỗi sầu đời đi qua'
'Thu này còn lắm gió mùa
Ngập ngừng chân bước lũy thừa còn vui'
Lời ai ngào ngọt âm rời
Mùa Thu còn chút ngậm ngùi trong mơ'
Từ những mảng hoài niệm trong mơ của những lần mộng du tình cờ bắt gặp đã đưa ký ức đan lẫn vào nhau, cho nhà thơ cái cảm giác êm ả, đến bây giờ vẫn còn hiện về trong tiềm thức yên nghỉ, rồi nhạt nhoà trong hư vô... đều tan biến vì hàng vạn kỷ niệm dồn dập về một loài hoa không dứt. Nó cuộn lấy tâm hồn Hoa Văn rồi vỡ tan ra thành giọt nắng lưu ly, thăm thẳm, trong đó nhà thơ nghe được tiếng thì thầm của nàng THƠ như ánh sao trời, hình hài nàng đang nhấp nhô trong những ngăn tim nhà thơ đang lang thang tìm một loài hoa đẹp như THIÊN SỨ khắp nẻo thương ngách nhớ!
'Thu ươm nắng chút tình chia
Nghìn Thu còn lại thiết thê dấu người'
'Mơ Thu xa tận bên trời
Tình xưa vàng võ ngậm ngùi xuyến xao'
(49. Nghìn Thu còn lại - trang 124)
'Dù Xuân còn hay Hạ
Yêu Thu vàng thiết tha'
'Anh đón mùa Thu ngỡ đón em
Hồn thơ lạc ý biết đâu tìm'
 
Nắng chiều đã đưa mùi HƯƠNG của một LOÀI HOA ĐIỆP đã đưa em đi thật xa...lòng ai xao xuyến khi chiều về, bồn chồn muốn biết, bây giờ em ra sao?
'Anh mến thu vàng mộng mị thu
Trăng tàn mấy độ chẳng tàn mơ'
'Thu đến lòng anh vẫn nhuốm buồn
Chút tình văn nghệ giấc mơ son'
'Anh mong Thu đến chờ hoa nở
Giữa chốn nhân gian gió bụi hồng'
Phải đó, giờ đây những ước mơ chỉ còn là bóng dáng mờ phai, nhạt nhòa của hoài niệm, mộng mơ vẫn mãi trốn chạy. Những bước chân nhỏ xíu như chân chim sẽ không bao giờ còn bắt gặp, dù trong một giấc ngủ thật đơn côi trong cảnh đời loi lẻ.
'Bốn phương một hướng tình cô quạnh
Gió buốt trời Thu lạnh nỗi sầu'
'Trăng rơi sao rụng đêm tiềm thức
Hát tiếng Thu xa lúc bổng trầm'
'Hình như trời đất mới vào Thu
Tôi bỗng nghe qua chữ tạ từ'
'Tôi vẫn yêu Thu tự thuở nào
Từ khi trời đất có trăng sao'
'Mãi mãi yêu Thu quý cuộc đời
Quý tình dâu bể quý tình đôi'
'Thu Đông buồn man mác
Còn đâu tuổi huy hoàng'
(53. Mùa Đông buồn - Trang 132)
'Mùa Thu gió cuối ngày heo hút
Chẳng xạc xào thêm chẳng lá vàng'
(54)

 Thu vàng rồi đó! Anh tưởng đã mất em ở góc biển chân trời nào rồi! Mình chưa gặp nhau bao giờ nhưng anh đã thề non hẹn biển như anh đã có em hồi mình chưa quen. Hay định mệnh đã run rủi cho anh quen em, dường như có phép lạ nhiệm mầu vô hình, khi mình chưa biết mặt nhau, mà tình anh đã len lén lên ngôi. Có phải vậy không NÀNG THƠ của tôi?
Và tình tôi và thơ tôi sẽ chỉ viết riêng cho em trong ngàn kiếp mai sau...
 
Duy Xuyên
Tacoma
Ngày 14 tháng 3 năm 2018.

 
"Kính đa tạ Niên Trưởng Hoa Văn đã tặng tôi Tuyển Tập thơ Hương Tình Hoài Điệp"
Tặng Hoa Văn bài thơ Phiến Buồn
Em chưa là phiến đá
Tình sầu sao bơ vơ
Trăng buồn rơi trên lá
Em chưa nói lời nào
Chờ em trên phiến đá
Tình sầu thấy bơ vơ
Mạch sầu rơi trên đá
Kiếp buồn vẫn lang thang
Nhớ em tìm phiến đá
Tình mình vẫn đơn côi
Tìm trăng trên chiếc lá
Dáng ai mờ nhạt phai
duy xuyên
Tacoma
 
 
 
Nhớ Mẹ
 
Mẹ ơi!
Thường thường mỗi khi ngày Lễ Vu Lan hay Mother’s Day tràn về, Mùa Nhớ Thương Mẹ, sắp đến, là mỗi lần làm cho con buồn bã, nghĩ vơ nghĩ vẩn, lo sợ viển vông, bởi những ám ảnh ưu phiền, ngày con mất Mẹ trong quá khứ, nó vẫn còn lẩn tha lẩn thẩn đâu đây, để đày đọa tâm tư con lịm chết.
Con đã mất Mẹ trong những ngày gần đến Lễ Vu Lan, của một năm xưa, rất xa mà lúc nào con cũng tưởng như  rất gần. Thật gần! Mới đó mà con đã xa Mẹ lâu lắm rồi!
Nhớ lại những ngày xa xưa, gần ngày Lễ Vu Lan, thành phố Tacoma vẫn có những cơn mưa ngâu bất chợt kéo về, cũng như trong tâm hồn con chợt có những nỗi buồn bất thường. Đêm đêm, xuyên qua kẽ hở của tâm hồn, con tìm đôi mắt Mẹ trong tĩnh lặng, nhắm mắt lại, để con được giữ nguyên vẹn hình ảnh Mẹ khỏi xóa nhòa trong trí nhớ, và đêm nay, trong giấc ngủ chờn vờn, hồn con chết lịm trong cơn mê mất Mẹ!
 
Con không thể nào ngủ được trong đêm nay, dường như có cái gì đó bất ổn trong lòng con. Con cố mím chặt môi, nghe mằn mặn ở đầu lưỡi, nước mắt con đang lưng tròng, chảy dài trên gò má gầy vì tháng năm ưu phiền, nhớ thương Mẹ già trong vô vọng, thương nhớ Mẹ triền miên.
Khi Mẹ còn, con vẫn thường ngồi trước tách cà phê pha thật đậm, nhâm nhi từng giọt đắng trên đầu luỡi, thả hồn trong điệu kinh nguyện cầu của Mẹ. Tiếng Mẹ trước bàn thờ gia tiên đều đều, dạt dào lời nguyện cầu của Mẹ … “Nam Mô A Di Đà  Phật!” Lời nguyện cầu ngàn đời bất diệt, mà âm thanh như chìm xuống vẫn còn lắng sâu trong âm ỷ, đã lâu lắm rồi mà nay vẫn còn lảng vảng đâu đây.
 
 Nỗi buồn mỗi khi gần đến Ngày Lễ Hội Của Mẹ là nỗi buồn len lén vào lòng. Càng nhớ về Người Mẹ thân yêu của mình, con càng nhớ thương những lần Lễ Hội  trước.
Vu Lan nào Mẹ cũng cùng đi với con về chùa cúng Phật, nhất là chùa nào mà nơi đó còn có thiện nam tín nữ, gia đình Phật Tử thân thiết với Mẹ. Nhớ những Lễ Vu Lan xa xưa, con quỳ bên Mẹ, châm trà thêm vào tách, khi Mẹ khàn giọng. Con nói nhỏ bên tai Mẹ, từng vị Đại Đức, từng Thượng Tọa đã dạy con giáo lý Phật Pháp. Mẹ tươi cuời.
 
 Nỗi buồn còn chất ngất khi con nhớ tới các sư sãi còn kẹt lại quê nhà.
Mỗi ngày xa quê hương, mỗi khi Hè về, Vu Lan đến là mỗi phút giây ngơ ngác, muộn phiền tiếp nối với những con mê kéo dài.
Sao ở cái xứ sở quạnh hiu, quanh năm tuyết phủ giá băng này, con không có Cha, có Mẹ, trong lúc Vu Lan về! Lễ Hội  đến! Một thoáng giây tiếc thương ngậm ngùi. Di ảnh của Mẹ, lặng lẽ trên bàn thờ. Hình hài của Cha, không kịp mang theo trong chuyến hành trình đi xa, con đi vội vàng như bỏ quê hương trốn chạy.
Nhìn lại bệ thờ tổ tiên, nụ cười hiền hòa, bao dung của Mẹ, ánh mắt nhân từ, phúc hậu, rực sáng của Mẹ, mong đợi con đem niềm vui trở về.
 Mẹ!  Một vùng kỷ niệm bỗng nhiên lũ lựợt tràn về trong tươi mát nhưng cũng không khỏi vấn vương một chút ngậm ngùi, nghẹn ngào trong tức tưởi vì niềm vui phiêu bạt chưa trọn mà nỗi buồn man mác xâm chiếm tâm hồn con với những đêm dài thao thức, khó ngủ, gợi cho con nhớ đến Mẹ già, mắt trủng, thân gầy, tóc bạc phơ, đang đứng tựa cửa chờ đàn con dại đi hành hương ở các chùa xa chưa về.
Mẹ ơi! Nếu giờ này con còn Mẹ, con không bao giờ để cho Mẹ, phải nghĩ ngợi, lấy tiền đâu, để trả cho hết nợ căn nhà mà con vừa mua.
Khi Mẹ còn sống, chính  đời sống nghiệt ngã đã làm khổ Mẹ. Mẹ lao đao, lận đận, mải miết suốt ngày, làm việc khổ cực, để kiếm tiền nuôi bày con dại.
Mẹ ơi! Con nhớ Mẹ! Con cũng biết con sẽ mãi mãi không còn
đuợc ở bên cạnh Mẹ nữa. Dường như Mẹ đã không có được một ngày vui nào! Hoặc Mẹ có vui nhưng niềm vui của Mẹ không trọn vẹn. Mẹ làm việc vất vả suốt ngày, Mẹ lau bàn thờ ông bà, rồi Mẹ lại nấu cơm, rửa chén bát, chùi nền nhà cho bóng loáng thêm, Mẹ gom quần áo mà các con của Mẹ, vứt bừa bãi trong các hốc kẹt. Mẹ giặt sạch từng vết dơ dính trên túi áo. Mẹ kết lại từng hột nút áo...
Công việc của Mẹ không phải chỉ chừng ấy thôi. Có lúc Mẹ tưới mấy chậu hoa hồng … nên lúc nào con cũng thấy Mẹ lăng xăng, bận rộn suốt ngày, mà khi Mẹ nằm xuống, yên nghỉ, thì con lại không đuợc tha hồ mà quỳ lạy bên Mẹ.
 Ngàn đời con vẫn còn ân hận.
Mẹ tha lỗi bất hiếu của con, nghen Mẹ!
“Cúi lạy Mẹ rộng đuờng tha thứ
Phận làm con chưa trả nợ biển Đông”
 
 Bỗng nhiên, tôi chợt nhớ ra, đêm nay, ngày11 tháng 5 năm 2018. Chỉ còn hai ngày nữa là đến Ngày Lễ Mẹ. Ngày của Mẹ lại bắt đầu. Giá như bây giờ con còn Mẹ, để Mẹ con mình lau sạch lại bàn thờ, mua sắm lễ vật về cúng Phật,  rồi con sẽ tặng quà cho Mẹ, vui biết chừng nào hả Mẹ? Con sẽ giới thiệu cho Mẹ những bạn bè cũ của con. À Mẹ oi! Con sẽ dẫn Mẹ đến gặp Ni Cô Lạc, để Mẹ xem, Ni Cô cũng vẫn còn trẻ, khoẻ mạnh như thuở nào đó Mẹ ạ!
Con sẽ dìu Mẹ về Chùa Từ Tâm, để Mẹ viếng thăm Thầy Phước Tấn.
Mẹ! Con tim réo gọi. Lòng con sao rộn ràng quá!
Con muốn viết lên trang giấy này về Ngày Lễ  Mẹ ! Về các Thầy, các Thượng Tọa, nguời quen kẻ lạ cho Mẹ nghe!
 
 Tìm mãi cho mình nỗi nhớ thương. Muốn ngấu nghiến mà chữ nghĩa lại mù mịt. Lặng thinh. Câm nín. Nạo óc mãi không tìm đuợc hồn văn. Ý tưởng cứ nối vòng chìm nghỉm trong đáy ly cà phê pha vội. Nghe cô đơn len lén trở về, rã rời.  Nỗi nhớ Mẹ buồn đến vỡ con tim!
Chấp cánh cho hồn bay theo từng dòng dĩ vãng. Chập chờn. Quấn quít. Gần gủi và nhớ thương Mẹ vô vàn. Sao hồn con bỗng nhiên buồn tênh như một ngày vừa mới mất Mẹ!
 
Mẹ
Có những đêm con chập chờn nhớ Mẹ
Dường như Mẹ về, cúi xuống hôn con
Mẹ mỉm cười khi con còn bỡ ngỡ
Có lẽ nào? Hồn Mẹ đó hay sao?
Duy Xuyên
Tacoma



 
Bài thơ Thu Tương Tư
đã được Post trên Diễn Đàn Văn Nghệ Tự Do ngày 12 tháng 10 năm 2017.
 
Tôi thiết nghĩ khi đề cập đến các nhà thơ nữ của Trường Nữ Trung Học Huyền Trân Nha Trang mà không đề cập đến những tên tuổi khác như Trân Châu, Lê Thị Hoài Niệm, Song Phượng, Kim Hiến, Tố Anh ... cũng là một điều thiếu sót, bởi vì tất cả những Nhà Thơ, Nhà Văn có tên nêu trên là những tác giả đã thành danh trên con đường Văn Học Nghệ Thuật ở Hải Ngoại. Tôi sẽ tìm đọc lại những bài viết của  Lê Thị Hoài Niêm, Kim Hiến và Trân Châu để trình quý độc giả khi thời gian thích hợp.
Riêng hôm nay tôi mới vừa đọc được bài Thơ Thu Tương Tư của Tố Anh với một cảm xúc thật dồi dào...xúc động.
Kính mời quý độc giả thưởng thức bài thơ THU TƯƠNG TƯ của Tố Anh sau đây:
Mây thu lơ lửng ngang trời,
Gió thu nhè nhẹ ru hời cỏ cây,
Nắng thu đã ngả về tây,
Hồ thu liễu rủ gợi đầy nét thơ.
 
Trăng thu dẫn lối vào mơ,
Mộng thu thức giấc ngác ngơ bàng hoàng,
Sương thu còn đọng chưa tan,
Lá thu nhuốm đổi lên vàng không hay.
 
Mưa thu từng hạt bay bay,
Trời thu cảnh vật đổi thay sắc màu,
Vườn thu lá bỗng nghiêng chao,
Tiếng thu đâu đó làm xao xuyến lòng.
 
Mắt thu buồn mỏi chờ trông,
Lệ thu nhòa nhạt phấn hồng vì đâu?
Dáng thu đẹp nét u sầu,
Tóc thu huyền ảo ngã đầu nhớ thương.
 
Nghìn thu lá đổ vấn vương,
Đời thu nuối tiếc nên tương tư hoài.
Tố Anh
 
Bài thơ Thu Tương Tư của Tố Anh được viết theo thể thơ Lục Bát (câu 6  - câu 8 chữ.)
Thơ được viết thành 18 câu Lục Bát với 4 khổ thơ và 2 câu kết gồm 126 chữ.
Tôi muốn nói, chỉ chừng ấy chữ nghĩa, mà Nhà Thơ Tố Anh đã chuyển tải  được cả một tấm lòng thật "Thu" vừa đơn giản vừa tha thiết như tôi đã tìm thấy bóng dáng của một nàng thơ mang cả nỗi sầu, để ngày ngày nhìn lá thu rơi, có gió heo may vờn nhẹ cỏ hoa, có nắng hoe vàng trong vườn thu, có mây thu lơ lửng ngang trời, bên hồ có liễu rủ....
Chỉ chừng ấy ngôn từ, mà nhà thơ đã cho ta thấy cả một trời thu ảm đạm, có mây thu, trăng thu, sương thu, có lá thu đổi màu vàng, có mưa thu từng hạt rơi, có lá thu bay nghiêng chao trong gió, có dáng dấp người con gái đẹp nét ưu sầu, lại có tóc thu huyền ảo... Cảnh trí của mùa thu, được mô tả thật đầy đủ từng chi tiết kể cả những sợi tóc đang bay trong nắng thu về, làm cho cảnh vật thật vô cùng sống động một cách lạ thường.
 
Tôi thường tìm đọc những bài thơ của Tố Anh trên nhiều và rộng khắp các diễn đàn. Thơ Tố Anh có một chỗ đứng nhất định trong văn học nghệ thuật thi ca Hải Ngoại, nhất là một chỗ đứng riêng biệt trong Văn Bút Hải Ngoại ngày nay, vì lẽ thơ của người nữ sĩ này thật đơn giản nên dễ đi vào hồn của mọi người.
Chữ nghĩa của Tố Anh rất mộc mạc, nụ cười hài hòa thân quen như cận kề, không có khoảng cách cho tất cả mọi người trong Văn Nghệ Tự Do.
Ngôn ngữ Tố Anh đã dùng tuy bình dị, dễ hiểu nhưng nó đã bao hàm sắc thái không phải là 'đời thường' mà là tiếng thơ: 
"Vườn thu lá bỗng nghiêng chao,
Tiếng thu đâu đó làm xao xuyến lòng".
Hồn thơ thật chất phát với những từ ngữ lơ lửng, nhè nhẹ, ru hời cỏ cây, đã ngả về tây, dẫn lối vào mơ...
Những từ ngữ rất thật thà, không trau chuốt nhưng khi đã được nhà thơ ghép vào vần, thì quả là những câu thơ tuyệt tác dễ đi vào hồn người, nên thơ của Tố Anh đã được nhiều nhạc sĩ tài danh như Cung Đàn, Hoàng Cầm, Linh Phương, Linh Mục Si Tình (LMST), Quỳnh Chi, Thuỵ Lữ phổ nhạc.
Sự khắc khoải, vu vơ và lãng mạn của nhà thơ đã đưa hồn mình vào mỗi chiều để ngắm:
"Mưa thu từng hạt bay bay,
Trời thu cảnh vật đổi thay sắc mmàu" ... 
Nhà thơ đã hốt cả mùa Thu vào hồn mình; cho ta có cái cảm giác thu về, lá rụng, có mây trời tím, để lòng ta cũng mang nỗi sầu, để hồn mọi người sẽ phải tái tê theo gió thu về.
Tôi không biết làm thơ, nên không dám bình thơ của nữ sĩ Tố Anh mà tôi chỉ diễn tả với nỗi niềm của người đọc, với nhớ nhung của người Lính năm nào, đã liếm từng giọt sương trên những lá thu mà nghe hồn về trong cõi ộng bâng khuâng, với :
"Dáng THU đẹp nét ưu sầu,
Tóc THU huyền ảo ngã đầu nhớ thương."
 
Tố Anh có cách làm thơ riêng biệt cho chính mình và vì cái riêng của Tố Anh đã dành một chỗ đứng rất khác biệt với mọi người:
" Mắt thu buồn mỏi chờ trông,
Lệ thu nhoà nhạt phấn hồng về đâu?"
 Thơ Tố Anh rất phong phú, chữ nghĩa bình dị như tâm tình của nữ sĩ.
Ngôn ngữ rất dễ thương, đa cảm, dịu dàng như giòng sông Cái thơ mộng của quê hương thuỳ dương cát trắng.
Đọc áng thơ Thu Tương Tư của Tố Anh, tôi thấy tình cảm của nữ sĩ đã dành cho ai đó sao mà thiết tha quá.
Có lẽ đó là lời thề ước của Tố Anh với chàng Thương Anh? Tự nhiên tôi thấy như quen biết từ lâu bởi những lời thơ thành thật của Nhà Thơ Tố Anh đã chiếm trọn cảm tình của người đọc, nhất là ở cuối bài thơ nữ sĩ đã viết:
"Nghìn thu lá đổ vấn vương, 
Đời thu nuối tiếc nên tương tư hoài."
Ôi! còn lời nào thành thật và chân tình hơn câu thơ nói trên. Cho phép tôi nghiền ngẫm, ngấu nghiến, nuốt trọn từng lời thơ, ý thơ của Tố Anh vào chính ngăn tim tôi. Tôi hy vọng nhạc sĩ Cung Đàn khi đọc bài thơ thật hay này, sẽ phổ thành nhạc cho Tố Anh vì bài thơ này tự nó đã tiết lên những âm giai cung điệu của nhạc, có cô nữ sinh Huyền Trân nghiêng nón thì thầm ca tụng thu về trong khoảnh khắc.
Trong thơ Tố Anh đã tạo được nhạc điệu.  Thơ Tố Anh, chữ nghĩa  thật chập chờn tạo được nhạc trong thơ. Đọc thơ mà nghe mình mênh mông dập dình theo thơ làm cho ta đã tải được hồn trong thơ. Thơ của Tố Anh có hồn, nên được xếp vào thơ hay. Tố Anh làm thơ hay không phải là chuyện làm cho chúng ta ngạc nhiên vì thơ của nhà thơ này đã chất chứa cả mùa thu huyền ảo trong trái tim nữ sĩ:
Từ ngữ rất dễ thương, tuy không nói ra nhưng  "tóc thu, mắt thu, dáng thu, lệ thu nhòa nhạt phấn hồng từ đâu?" như chính nàng THU đang tương tư trong niềm thương nỗi nhớ.   Dòng Thơ Thu Tương Tư thật vô cùng lãng mạn, triền miên trong nỗi nhớ, khoắc khoải đợi chờ mà tâm hồn nữ thi sĩ thênh thang, cuốn theo những đám mây thu màu tím, rồi vỡ vụn đâu đó đọng lại thành rêu xanh, để thành mưa thu từng hạt bay bay trong cõi vô cùng, oà vỡ để rồi một sáng mùa thu thức giấc ngác ngơ bàng hoàng. Hoang đường từ đó!
Thơ Tố Anh đưa ta đến những chân trời tím, có tóc của người yêu rủ bên cành liễu xanh, trong thi ca vô cùng lãng mạn nhưng nhà thơ Tố Anh đã biết dùng lý trí để kiềm hãm những cảm xúc tuôn trào như sóng vỗ tràn bờ rồi dừng lại trong khoảnh khắc để cho ta trở về với thi ca cổ điển mà nữ sĩ  luôn là người đại diện cho Văn Học Lãng Mạn và luôn có hoài niệm Cổ Điển trong thi ca nước Việt.
 
Duy Xuyên
Tacoma
12/10/17
Nghĩ break, vào diễn đàn đọc được bài viết này của nhà văn Duy Xuyên. Thật là hay và bất ngờ. Lời thơ của nữ sĩ Tố Anh tuy đơn giản mộc mạc nhưng dễ đi vào lòng người. Lời của nhà văn Duy Xuyên không những chân tình mà còn gần gũi dễ mến. Một thơ một văn đã tạo thành một tác phẩm tuyệt vời. Nếu có sư Huynh nào đó lồng vào hình ảnh THU với một PPS kèm theo tiếng nhạc hoà tấu, hay bài nhạc phổ từ thơ của nữ sĩ Tố Anh thì đây quả là một tác phẩm nghệ thuật đáng lưu lại cho thế hệ mai sau.
Đôi dòng mạo muội chia sẻ.
Kính mến
QThai
 
 
TẢN  MẠN
Tiếng hát TỐ ANH

Người Cổ Tích
(28/05/2017)


Mấy hôm nay,  không biết từ đâu, có đàn chim se sẻ nhỏ bay về đây, thành phố Tacoma, nơi tôi đang cư ngụ. Từng ngày trôi qua buồn hiu vì nắng đi hoang chưa về, bỏ tôi ngồi uống cà phê cô đơn một mình.
Bỗng nhiên, sáng nay,  nắng lung linh trong vườn nhà. Tiếng chim ríu rít bên giàn hoa giấy đỏ thẳm. Những đóa hồng nở rộ khoe sắc thắm.
 Người Cổ Tích lắng nghe, Tiếng hát TỐ ANH và thoang thoảng hương hoa dịu dàng.  Tiếng hát mượt mà, óng ả như màu lá me non đang vang vọng trong nắng sớm, hòa quyện với tiếng nhạc đệm hào hùng trong nhạc phẩm Anh Không Chết Đâu Anh, vừa bi hùng, vừa ngọt lịm và ngây ngất như giọt cà phê trên vành môi người đang thưởng thức. Người Cổ Tích ngẫn ngơ theo tiếng hát thật êm ái ở những cung trầm.
Tiếng hát như dòng suối đã tìm sông rủ nhau trôi ra  biển khơi và trăm con lạch nhỏ cũng cùng hòa tan trong sóng nước mênh mông, tiếng hát xuôi dòng thênh thang. ..Rồi cả gió, và mây cũng  hòa lẫn với tiếng hát, lời nhạc, cùng ngậm ngùi, như thì thầm tiếc nuối, anh chưa chết đâu anh nhưng giấc   mơ đã đã xa lắm rồi! Mà hoài niệm tưởng chừng như vỡ tan trong tiếng nất nghẹn ngào, với nước mắt của người nữ ca sĩ TỐ ANH, đã làm tôi khóc theo.
Tôi khóc cho Người LÍNH Anh Hùng đã nằm xuống, cô đơn trên đỉnh đồi. Tôi khóc cho thân phận của những goá phụ mất chồng trong cuộc chiến. Tôi  cũng đã hòa một vài giọt nước mắt bởi tiếng hát truyền cảm như có thật, có người lính chưa chết thật, tay vẫn cầm  vững súng, và xác giặc thù ngã gục. Hồi đó người Lính đã chết thật nhưng ngay bây giờ, giữa tiếng hát thật GIAO CẢM của CA SĨ TỐ ANH, người LÍnh Trận chưa chết thật. Anh vẫn hiên ngang về với gia đình.
TỐ ANH không phải là một ca sĩ chuyên nghiệp. Tôi không rõ Hoa Hậu Phu Nhân Tố Anh đã hát từ hồi nào nhưng đây là lần đầu tiên tôi nghe TỐ ANH hát, với nỗi xúc động như chính mình có người thân vừa tử trận trên chiến trường xa xưa một thuở nào đó!
Thật tôi không ngờ vì TỐ ANH đã diễn tả lời hát như tiếng reo của đạn...
 
Tiếng hát TỐ ANH, nói lên nỗi day dứt, tiếc nhớ “người xưa giờ đã thật xa, đã chết rồi, nhưng chỉ trong phút chốc: "ANH KHÔNG CHẾT ĐÂU ANH”, và tiếng hát lúc thì bi tráng lúc thì mềm mại như mây nõn bỗng vút cao, nghe khắc khoải, xao xuyến.
Tiếng TỐ ANH  hát như Sương sa mông lung nỗi nhớ!
Tiếng hát quyện vào những notes nhạc lay lắt như lá vàng phai  rồi năm tháng mãi đi qua, người LÍNH đã thật xa...
Tiếng hát như vừa khóc mà sao đêm nay nước mắt tôi rơi.. có giọt buồn trong khe tim.
Rồi lòng tôi lại chùng xuống: 
               
Và tiếng hát lại tha thiết, như lời vỗ về ấm áp, chân tình đem lại niềm lạc quan, một không gian sáng rộng mở.
 
Tiếng hát ngân nga thật truyền cảm với cách luyến láy điêu luyện đã đưa người nghe đến với  nhiều cung bậc cảm xúc.

Đây là lời Tản mạn của người viết qua bài hát Anh không chết đâu anh.
Tôi nghe tiếng hát vọng về từ những tháng năm xa vời vợi, mà cuộc chiến hồi đó, tình khúc này ngày xưa, TỐ ANH vẫn còn là cô nữ sinh Trường Nữ Trung Học Nha Trang, bước chân chim còn dại khờ mà hồn còn trinh nguyên.
Nay thì tiếng hát hòa với tiếng nhạc dìu dặt trong cõi người muôn lối,
Tiếng hát và tiếng nhạc cùng nhau kết mối giao hòa!
Buổi sáng hôm nay thật đẹp, có tiếng hát, tiếng nhạc, có nắng trong bên song cửa, có màu lá nõn, và những nụ hoa e ấp…
Đẹp quá, vì có tiếng hát TỐ ANH , có tiếng đệm nhạc của THƯƠNGANH!
Hạnh phúc vô vàn!
Một chút tâm tình như rượu say… mà vành môi chưa cạn,  khe tim đang tìm suối rủ sóng về với biển khơi, xa tít nghìn trùng…
Dẫu cuộc đời như thoáng mộng, ta vẫn vui ý đời trong tiếng hát hùng tráng của TỐ ANH, có nụ cười trên môi của THƯƠNG ANH và có nụ hôn trìu mến của SONGANH trong căn nhà lộng gió, đêm nay, đêm mai và mãi mãi trong niềm hạnh phúc vô biên.
Cho phép Người Cổ Tích được hân hoan đón chào ngày vui của Hội Văn Nghệ Tự Do!

Tôi thiết tha hơn vì rượu chưa rót, ly nước trái cây chưa ai kịp  uống mà tình bạn, tình đồng đội, tình đồng hương đã say trong lời ca tiếng nhạc dịu vợi , làm ấm lên cõi lòng xa cách.
Tôi có thể hiểu được tiếng hát của TÓ Anh, cùng say sưa với tiếng hát Mỹ nhân Hoàng Yến cùng tiếng hát của vị Mục Sư đáng kính đang thủ thỉ kể cho nghe tiếng lòng...
Cám ơn ĐẤT TRỜi!
Cám ơn các VTH trong Hội VNTD.
Cám ơn các nhạc sĩ trong hội VNTD
 
Người Cổ Tích
duy xuyên
28/05/
 
Tiếng hát NGUYỄN HÀ
và NGỌC QUỲNH
 
Trời Tacoma có gió thu se lạnh.
Có Mây Tím buồn che khuất nẻo về.
Vài chiếc lá vàng thu rơi nhè nhẹ trên hè phố buồn thiu.
Vài hạt mưa gõ nhẹ trên vai của một cặp trai gái đang dìu nhau trên con phố nhỏ…
Tôi ngồi gác chân lên trên lò sưởi, hơ ấm lòng bàn chân trong triền miên của trời đất.
 
Bỗng có tiếng hai người thì thầm hát, chìm nghỉm dưới mạch sầu ray rứt.
Tôi chết lịm trong men tình diệu vợi.
Tiếng hát cất lên từ bể sâu thăm thẳm của một miền thật xa nhưng tưởng như thật gần, từ Úc Châu,  bỗng chốc trỗi dậy trong tiềm thức xa xưa.
Tôi nghe thấy bước chân ai bước nhè nhẹ dưới mưa thu rồi ngập ngừng xót xa trong nỗi mơ màng, hụt hẩng để những âm thanh kết hợp của một người nam, với tiếng đệm ngọt ngào của một người con gái, mà thanh âm dị kỳ, thật xa xăm, thanh thoát, vừa như nủng nịu, vừa như ấp ủ van xin ... bềnh bồng trong cõi hư vô, kế tiếp kéo dài trong nhịp thở. “
Giọ
t buồn mùa thu” Thanh âm thiết tha, cao vút như MÂY Trời lộng gió, như nhớ ai thu buồn”
Tôi ngất đi trong men tình dịu vợi.
Tôi lắng nghe nhưng tiếng hát không trở lại để dư âm như hụt hẩng,  đọng lại ở đâu đó  trên gác chuông nhà thờ gõ 10 tiếng thanh thoát.
Tôi nhìn dưới đáy ly cà phê có bóng dáng của những
hạt mưa
rơi..
Tôi định hình: -Những giọt mưa thu đang rơi mà Nguyễn Hà hát,  màu gì?
Ngỡ ngàng, tôi không thể phân biệt được, tiếng hát có màu sắc gì?
Có lẽ là màu Nguyễn Hà hay màu tóc thật xinh của Ngọc Quỳnh? Màu Mây Trời bàng bạc… Thanh khiết như âm thành ngọt ngào của Ngọc Quỳnh.
 Một màu sắc chỉ có trong âm thanh của tiếng gọi,
tiếng thi th ầm của Người Nữ Ca Sĩ đàng gọi THU VỀ cho Diễn Đàn Văn Nghệ Tự Do thưởng thức.
Ai hát vậy?
Vì chỉ có thanh âm rung cảm của rừng núi tĩnh mịch mới định hiình đuợc màu sắc của giọt mưa Thu đang nỗi bồng bềnh trên những giọt đắng.
Tiếng hát Ngọc Quỳnh chợt tắt hẳn để nhường chỗ cho ký ức lang thang của một vùng nhớ thương trỗi dậy.
Phải rồi, tôi chưa gặp người nữ ca sĩ đó ở một nơi nào thật tĩnh mịch lẫn lộn trong tiếng cười vui của một ngày nắng thật đẹp trong ngôi vườn xinh xắn mà lời ca tiếng hát của Ngọc Quỳnh thật hiền hòa của một tà áo trắng, nữ sinh trên thành phố Úc Châu, có tiếng cười của biển mộng mơ.
Thật hoang đuờng! Tôi giơ hai bàn tay già nua của Người Cổ Tích, 86 tuổi già, tròn 23 năm lính, 6 tuổi tù, để cố rượt bắt những âm thanh kỳ bí đang trôi bềnh bồng, lang thang theo một đám mây tím bay thật thấp.
Hạnh phúc đến với tôi quá  đổi đong đầy. Các âm thanh vừa nằm trọn trong 5 ngón tay của tôi. Tôi cất giữ những âm thanh dị kỳ, huyền hoặc  đó vào kho nhạc riêng tư của tôi để sáng sáng, bên ly cà phê pha thật đậm, tôi chờ Thanh Đào thức dậy, để mở cho nàng nghe những dư âm huyền diệu đó !
Người cổ tích
Cám ơn Nữ Ca Sĩ Ngọc Quỳnh và Nhạc Sĩ Ngyễn Hà
Người Cổ Tích
duy xuyên
 
TỪ TIẾNG HÁT ĐÓ ...
Tiếng hát Nguyễn Hà
Người Cổ Tích
 
Tôi không còn nhớ, đã từ bao giờ, có tiếng hát ngân dài 6 câu vọng cổ của bạn Nguyễn Văn Hà, một nhà văn, một nhà thơ, một nhạc sỉ đã thành danh ở hải ngoại.
Anh Nguyễn văn Hà ca và đệm đàn các bài hát do anh sáng tác thật điêu luyện. Tiếng đàn và lời thơ của anh Hà đã làm nức nỡ bao trái tim! Rộn Ràng! Òa Vỡ! 
 Không những chỉ dừng lại ở đó, mà anh Nguyễn Văn Hà còn cho chúng ta, nghe anh ca vọng cổ thật mùi, như danh ca Hữu Phước. 
Thành thật mà nói, tôi, Nguời Cổ Tích viết bài này, rất mù lòa về tân nhạc và cổ nhạc, nhưng trời phú cho tôi lỗ tai biết nghe các âm thanh kỳ bí đó. Tôi cũng chưa
bao giờ bỏ qua những bài hát vọng cổ của Ngô Truờng Tiến, rồi Quốc Thái ca tân
nhạc với giọng khàn khàn, dễ đi sâu vào tâm tư người nghe như tôi. 
Và cũng trong thời gian đó, bất ngờ Người Xứ Vạn, anh chàng Nguyễn Văn Sanh, còn có cái tên Nguời Miệt Dưới mà không ai có thể quên anh, với những bản nhạc do anh phổ từ thơ của bằng hữu và ngay cả những bài thơ do anh sáng tác với nhạc-danh là Cung Đàn.
Tôi không có cái hạnh phúc to lớn để được quen nhiều với những nguời bạn ở Úc, nhưng những người tôi quen biết đều là những tài danh trên nhiều phương diện như nhà văn, nhà thơ Lương Mỹ Trang, Luật sư Nguyễn Thuần. 
Theo tôi nghĩ, làm một bài thơ hay đã là khó, phải đem hết tâm hồn, gieo vần để khi đọc lên, cái âm hưởng của lời thơ sẽ nằm sâu vào khe tim của người nghe. Rồi phổ từ lời thơ qua notes nhạc quả là kỳ tài.
 
Giá như Nguyễn Tất Nhiên, nhà thơ Nguyên Sa của chúng ta, biết phổ thơ của mình thành những bản nhạc thì nhất định tiếng thơ và lời nhạc sẽ mang một sắc
thái với những cung bậc, âm giai mà mình muốn diễn đạt.Theo tôi nghĩ, vì chính tác giả mới thật sự rung động với lời thơ của mình qua notes nhạc hơn ai hết. 
Cung Đàn và Nguyễn Văn Hà đã thành công trong lãnh vực này vì hai anh đã phổ những bài thơ của chính hai anh qua các bản nhạc. Do đó nhạc của hai anh có một chỗ đứng riêng biệt trong âm thanh huyền bí đó! 
Theo quan niệm lỗi thời của tôi, Người Cổ Tích, 84 cái xuân xanh cứ gói gọn tân nhạc và cổ nhạc là hai lãnh vực khác nhau. Ai đã rành về lãnh vực nào thì gắn bó với lãnh vực đó. Nào ngờ hai chàng trai trẻ, ngưòi Xứ Úc xa xôi lại ôm trọn cả hai lãnh vực này về một mối. Sao cái Xứ Sở Úc lại có nhiều THIÊN TÀI đến thế! 
Cho phép tôi, được đứng nghiêm, giơ tay lên trán, chào Cung Đàn và Nguyễn Văn Hà với tư cách là người cổ tích, trong muôn vàn cái thẩm sâu của kính phục. 
Trở lại nội dung của bài viết này, tôi sẽ nói rõ hơn nguồn gốc của bài Thơ Tiếng Hát Ơi của Thi sĩ Nguyễn Thị Ngọc Vân, do Nhạc si Cung Đàn phổ nhạc và Ngọc Hiếu, một ca sĩ đã làm nức lòng người nghe qua những bài hát như Bốn Mưoi Năm Rồi Sao, thơ của Lê Mâu, do Cung Đàn phổ nhạc.
Ngọc Hiếu đã không những thành công bài hát 40 Mươi Năm Rồi Sao, mà Ngọc Hiếu cũng đã hát ca khúc Tiếng Hát Ơi rất thanh thoát. Giọng Ngọc Hiếu rất sang trọng như chính dáng điệu thanh cao của nàng. 
Sở dĩ Nguyễn Thị Ngọc Vân sáng tác bài thơ thật hay này vì chính Nguời Xứ Vạn đã ca vọng cổ bản Tình Anh Bán Chiếu trên Diễn Đàn Võ Tánh Nữ Trung Học Nhatrang.  
Và từ tiếng ca vọng cổ đó, Ngọc Vân đã ngẫu hứng sáng tác bài thơ Tiếng Hát Ơi để tặng cho Nguyễn Văn Sanh. 
Câu chuyện tuởng như chỉ dừng ở đó, để thời gian sẽ lắng chìm cả lời ca Tình Anh Bán Chiếu và bài thơ Tiếng Hát Ơi! của Ngọc Vân.
 
Bất ngờ, chẳng bao lâu sau, Cung Đàn, chàng trai Xứ Vạn, lại phổ nhạc bài thơ Tiếng Hát Ơi làm quà tặng Thi sĩ Ngọc Vân, và nhờ ca sĩ Ngọc Hiếu hát. 
Tiếng hát Ngọc Hiếu lại trôi dần về khung trời cũ xa xưa, quyện bước chân chim chiều tan trường về, con đường có hàng me xanh che bóng mát in dấu chân cô Nữ Sinh Nữ Trung Học năm nào , nay đã thành bà Dược Sĩ đang hành nghề tại Việt Nam, người đã sáng tác bài thơ Tiếng Hát Ơi! này.
Và cảm kích món quà đặc biệt của NS Cung Đàn, Ngọc Vân đã say sưa tập hát rồi thu âm bài hát này và phổ biến trên Diễn Đàn Võ Tánh Nữ Trung Học Nha Trang. 
Bất ngờ, Nguời Xứ Vạn lại phổ biến bài hát này trên Diễn Đàn Văn Nghệ Tự Do, tiếng hát Ngọc Vân lại lan xa và được nhiều thính giả khen ngợi. 
Trong số những người được nghe bài hát này qua hai diễn đàn khác nhau là Như Mai (Nhà Văn Mai Sa Mạc) Diệu Nga,và chính tôi (Duy Xuyên *Nguời Cổ Tích).
Trong các lần nghe vọng cổ Tình anh bán chiếu và đọc thơ Tiếng Hát Ơi, lần nào tôi cũng có viết bài Cảm Nhận Tình Anh Bán Chiếu - Cảm Nhận Thơ Tiếng Hát Ơi và Tản Mạn về Tiếng Hát Ơi do ca sĩ Ngọc Vân hát. 
Do đó, Như Mai (Mai Sa Mạc) có đề nghị tôi gởi lại cho các bạn trong DĐ Văn Nghệ Tự Do đọc. Tôi nghe lời cô gái áo lụa, ngày ngày vẫn châm thêm nước vào bể sành cho chim uống. Như Mai ngồi trong cửa sổ cắn hạt bí và nhâm nhi ly nước gừng pha mật ong, ngồi ngắm đàn chim se sẽ uống nước, để nàng thả hồn mình với những bài văn hay thật hay.
Trước hết, tôi xin gởi theo đây, bài Tản Mạn để Quý Niên Trưởng và Anh Chị Em trong Văn Nghệ Tự Do đọc cho vui trong những ngày nắng hạ còn reo vui trên khắp nẻo đường.
NGƯỜI  CỔ TÍCH
 
 
"Tôi đang cần một ngọn lửa.
Liệu em có phải là một que diêm?"
Nha Van Nguyen Xuan Hoang)


16-09-2014
Cảm khái về một đoản văn: Tôi cần một ngọn lửa! Của Nhà Văn Nguyễn xuân Hoàng, cựu học sinh Truờng Trung Học Võ Tánh Nha Trang, đăng trên Đai Tiếng Nói Hoa Kỳ ngày 23 tháng 7 năm 2012
Tacoma, ngày ... tháng ... năm 2014
Thanh ơi, Cám ơn em đã gởi cho anh bài văn của Nguyễn Xuân Hoàng. Thật tình mà nói, từ trước đến nay, anh chưa bao giờ được đọc một đoản văn rất ngắn và hay như thế.
Thanh đã hỏi anh: "- Có cảm khái gì về bài văn của Nguyễn xuân Hoàng?" Nói một cách thành thật, chữ nghia của nhà văn Nguyễn xuân Hoàng là ngôn ngữ của riêng Ông. Thứ ngôn ngữ riêng biệt, đa dạng mà Ông đã dùng rất sâu sắc ... mang triết lý trí tuệ vừa mô phạm vừa có ẩn dụ chính trị học, nếu ta chịu khó suy ngẫm những ngôn ngữ đó, nó còn bao hàm cả xã hội học và nhiều lãnh vực khác; mà trong đó tác giả đã ++++++++++++++++++nói lên những xúc cảm của chính mình, của bạn bè, của dân tộc và Ông còn muốn bao hàm cái bất hạnh của cả nhân loại.
Anh không phải là một nhà phê bình văn học nhưng hiện tượng trong văn học kể cả những từ ngữ mà nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng đã dùng nó đã không thể thiếu và cũng không thể thừa, dù chỉ một chữ. Em hỏi thì anh phải nói, chứ tầm thường như anh mà phê bình văn của Nguyễn Xuân Hoàng thì quả là anh quá hàm hồ, tham lam mà vị trí, hoàn cảnh không cho phép anh làm diều đó. Nhưng nếu viết để em theo dõi, tham khảo bài viết: "Tôi cần một ngọn lửa!"; thì anh mới dám giải thích riêng cho em mà thôi. Đó Thanh  tháy không? Đoản văn nói trên vỏn vẹn có 19 dòng, kể cả tên tựa đề của bài viết. Anh cố đếm thử, Ông chỉ viết có 280 chữ, với 5 phân đoạn rất ngắn mà Ông đã diễn tả được ý mình muốn nói, quan điểm sống, lòng yêu tổ quốc, cái bất hạnh của khốn cùng ... cái lạnh cóng của giá rét, cái bụng đói meo ...
Chừng ấy chữ nghĩa mà Ông đã lột trần được một xã hội bất công, một đất nước vinh quang những nghèo đói, lầm than, nô lệ. Anh cũng cô gắng, thử bỏ bớt một chữ trong bài văn cũng không thể được, hoặc anh thêm một chữ nào vào bài văn cũng không xong. Chữ nghĩa như an bài, nó đã trật tự như não bộ của Ông đã xếp sẵn rồi viết ra mà chúng ta không thể nào thêm hay bớt, dù chỉ có một chữ cũng không xong.
Em hãy đọc lại đoản văn này, Thanh sẽ thấy, đây là lối hành văn sáng tạo mang rất nhiều ẩn dụ, dùng một sự việc này để nói lên kết quả của một trạng thái khác. Bức phóng ảnh mà Nhà Văn Nguyễn xuân Hoàng đã cho chúng ta xem là những lăng kính hội tụ, khó phai mờ trong tâm khảm của người đọc, rồi từ đó những ức chế trong lòng ta sẽ được nhìn qua thấu kính hội tụ mà chân dung của nhân vật trong doản văn sẽ hiện rõ như lưu lượng của một dòng sông đang bị tắt nghẽn... hay dòng nước đang chảy xiết vào đại dương mông mênh. Đây, anh giải thích thật giản dị về phân đoạn 5 để kết luận cảm nghĩ của anh, về bài đoản văn này. Nhà Văn Nguyễn xuân Hoàng đã viết: "Tôi đang cần một ngọn lửa. Liệu em có phải là một que diêm?" (NXH) Tên của bài viết: Tôi cần một ngọn lửa! Cuối bài Ông lại viết: Tôi đang cần một ngọn lửa! Đó, em thấy không? Chữ nghĩa và ngôn từ, lời văn và ngay cả ý niệm, chúng ta không thể nào thêm hay bớt một chữ nào. Nếu em đem chữ đang ở cuối bài văn lên 'tên tựa đề' của bài văn thì em sẽ thấy nó khác biệt vô cùng.
Rất tiếc trong phạm trù này, anh cũng không có đủ thời gian để giải thích cho Thanh được, nếu có dịp anh sẽ giải thích thêm thật rõ ràng cho em rõ nhé, "Tôi đang ..." có nghĩa là một hành động đã và đang tiếp diễn trong hiện tại và nó còn tiếp tục trong tưong lai cho mãi đến khi nào Ông, đất nuớc mình, kẻ khốn cùng không còn cần nữa ...ngọn lửa đấu tranh mới thôi! Nếu nói rộng ra, tha nhân, lòng bác ái của Ông, em đừng nghĩ đơn thuần là Ông chỉ ích kỷ nói về Ông, cá nhân Ông mà Ông muốn nói đến đại chúng, một dân tộc Việt và bao hàm cả nhân loại ... Còn câu: "Liệu em có phải là một que diêm?" Trong câu này, anh chỉ nói đến chữ ‘em’ ... thôi. Anh tạm để yên đó, rồi một mai anh sẽ ngấu nghiến từng chữ, từng dấu chấm câu để thấy được đời thuờng này, sao lại có Một Nguời Mà Đã Dùng Chữ Nghia như nhà văn Nguyễn xuân Hoàng.
Trở lại chữ 'em' trong bài nhé. "em" là nhân xung đại danh từ, ngôi thứ 2, số ít: {em, anh, bạn.} Vậy 'em' là ai mà tác giả muốn hỏi: Em cung có thể là nguời vợ, người tình của tác giả. Em cũng còn có nghia bao hàm cà nguời trẻ, thế hệ mai sau. Em cũng có thể là Thanh, là anh. Và nó còn bao hàm cả một nhóm nguời: “Hãy cho tác giả một que diêm, để nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, đốt sáng suởi ấm tâm hồn Ông, rồi que diêm lửa nhỏ đó sẽ bùng lên soi sáng cho quật cuờng của dân tộc đang ... đang ...đang nghèo đói, xã hội đang bất công mà quê hương chúng ta là một nhà tù to lớn, đang nhốt cả 90 triệu đồng bào.
Nguời Cổ Tích
Xin mời đọc bài viết của Nhà Văn Nguyễn Xuân Hoàng
"Tôi cần một ngọn lửa! 
Tôi có một khạp gạo, truớc đây, mỗi ngày vẫn giở nắp ra múc vài lon nấu ăn, nghi rằng mình còn sức khoẻ có thể trồng cấy cày bừa, gặt hái. Nhung một buổi sáng thức dậy, nhìn vào khạp gạo thấy gạo không còn nữa. Buớc ra ruộng, nhìn thấy cánh đồng mênh mông khô cạn, bỗng thấy tứ chi rã rời, đầu óc choáng váng. Hình như máu không còn chảy lên đầu nữa. Tôi ngã xuống trên miếng ruộng tôi đ ã từng cày bừa. Giống như một nông dân, những cánh đồng truớc mặt không còn là đất đai của mình nữa. Tôi đang là một nguời vô gia cư trong chữ nghĩa - một homeless trong một thành phố của đất nuớc trù phú. Tôi đang nằm ngủ d ưới lề đuờng, không mền gối chiếu chăn. Tôi đang co ra lạnh cóng trước một ngôi nhà sáng đèn đầy tiếng nói cười .... Tôi đang đứng trước một nhà hàng ăn mà bụng không một hạt cơm. Tôi tưởng miình đang đứng bên một thùng phuy đầy rác ruới trên bãi đất bên bờ sông dưới gầm cầu Golden Gate của thành phố San Francisco và cần một ngọn lửa ... Tôi đi tìm những que diêm rơi rớt đó đây,
nhưng những que diêm đã cháy. Tôi đi tìm những bật lửa, nhưng những bật lửa chỉ còn tim và đã khô cạn xăng. Tôi đi tìm những cọng rơm, những trang giấy, nhưng tất cả đều đã ướt. Tôi đi tìm những giọt xăng dầu nhưng sao tìm hoài mà không thấy .... Tôi đang cần một ngọn lửa! Liệu em có phải là một que diêm?
{NXH} 23.07.2012} 
duy xuyên
Tacoma


 
1._* Xôn Xao Guốc Gõ, trang 66-70. của Lương Mỹ Trang.
 
Nội dung bài viết như nỗi lòng của tác giả về quá khứ tuổi thơ:
"Bâng khuâng, tôi nhìn thấy một tôi ngày ấy, con bé (người viết thêm chữ:Mỹ Trang) theo Má đi qua những hàng guốc đủ màu của chợ Xóm Mới, đôi mắt trẻ thơ đăm đắm nhìn lên những đôi guốc bé tí, sơn hoa màu sặc sỡ. Đôi guốc là niềm mơ ước của tuổi thơ tôi, mãi cho tới cái Tết năm lên tám. tôi mới có được đôi guốc đầu đời, màu xanh da trời vẽ những chiếc lá lan uốn éo, điểm vài chấm hoa tim tím xinh xinh.  Đôi guốc chưa được mang đến niềm vui nhỏ cho tuổi thơ, cái Tết năm ấy kèm súng đạn pháo kích vào phi trường, tụi nhỏ bị nhốt hết trong nhà, tôi ôm đôi guốc chìm vào giấc mơ đầy tiếng nổ của pháo và của súng."
 
Lương Mỹ Trang, cô bé trong ngôi nhà với khu vuờn rộng bát ngát cây xanh ở đường Nhị Hà, lớn lên trong chiến tranh rất cạnh kề thành phố. Hỏa châu thường xuyên được bắn lên, để soi sáng hàng rào phòng thủ của Phi Trường Quân sự, dọc theo đường Vân Đồn, chỉ cách nhà Lương Mỹ Trang chừng một cây số.
Dịp Tết Mậu Thân 68, Việt Cộng lợi dụng hưu chiến trong 3 ngày Tết, để mọi người được hưởng Xuân, đón giao thừa - bọn họ đã bất ngờ tấn công thành phố Nha Trang, bằng  tiếng pháo đón giao thừa, để xâm nhập các đơn vị chuyên môn trong thành phố Nha Trang.
Nếu đừng có chuyện gì xảy ra, có thể Mỹ Trang đã được Ba-Me cho phép cô bé 8 tuổi của những tháng ngày xa xưa ấy, mang đôi guốc hoa, gõ nhịp rộn ràng mà bóng dáng rất nên thơ  của những con đường có hoa, có nắng, có bụi hồng, duyên dáng trên áo, với đôi mắt tròn xoe hun hút, theo những tiếng gõ dịu dàng qua những con đường nhỏ Nhị Hà, Cửu Long, Trần Nhật Duật ... để những dấu chân xưa vẫn còn là ký ức, vẫn vùi sâu trong tiềm thức đang trỗi dậy...
Nhưng đêm 30 - cái đêm trừ tịch vọng về người em gái còn nhỏ xíu với tiếng pháo nổ chen lẫn với đạn thù, và cô bé Mỹ Trang phải đành ôm đôi guốc mới vào lòng, thiếp đi trong giấc ngủ hãi hùng, để mong sáng mai Mùng Một Tết, được tung tăng, nhưng những ngày đầu xuân được đi qua, thì cuộc chiến vẫn còn âm ỉ kéo dài đến ngày 30 tháng 4, cô bé 8 tuổi Lương Mỹ Trang của Tết Mậu Thân, cô nữ sinh lớp 9 năm 1975 của trường Nữ Trung Học Huyền Trân bị thay tên đổi họ:
"Tôi đi vào đời bằng những đôi guốc đơn sơ làm từ gỗ cây vông nem, loại guốc rẻ tiền và thông dụng nhất. Gỗ vông mềm, đi dễ chịu, không đau chân. Đường đến với ngôi trường trung học đã thay tên, đường lên bục giảng, đường đời gập ghềnh, hầm hố, bùn sình khiến tôi vấp té, hụt hẫng, thì đôi guốc mộc, quai trong suốt của những năm khốn khó đã nâng đỡ bước chân tôi đi tới."
 Phải rồi đó, Lương Mỹ Trang ơi! Những ai đã mang guốc vông sau 75, phải đem theo búa đóng đinh, dăm ba cái đinh, để guốc đứt giữa đường, mình phải tìm một lề đường nào đó, kê guốc lên lề đường, để đóng quai guốc lại rồi tiếp tục đi  nông trường, trả nợ cho 'nghĩa vụ lao động' hàng năm cho mỗi một công dân hạng hai, mỗi năm phải trả nợ 15 ngày, đi đào mương, dẫn thủy nhập điền...
 Phải rồi, hồi đó người thành phố như Lương Mỹ Trang phải mang theo dăm chiếc đinh bé xíu có cái mũ trên đầu loại chuyên dùng đóng guốc và một thanh sắt thay cho cái búa đóng đinh guốc khi cần...
 Hồi đó, hàng trăm ngàn tù nhân chính trị, phải mang 'dép râu' và mỗi người tù, đều phải mang theo một thanh tre mỏng, hay một thanh sắt mỏng, để khi giây dép bị sút ra, có dụng cụ để rút giây cao su khi dép bị sút giây.
Những cảnh trong thành phố, các thiếu nữ phải xách theo tay đôi guốc đứt, bẽn lẽn đi về nhà... hay trong những cánh rừng xa, anh em tù nhân chính trị, phải buộc đôi dép râu bị đứt vào lưng quần, bằng giây chuối khô, để chờ khi được nghỉ lao động mà rút giây dép lại...
 
Tôi vô cùng cám ơn đôi guốc ngày xưa ấy đã đưa Lương Mỹ Trang "đi rất xa quê hương khốn khó ."... khi em "thầm lặng vẫy tay chào chiếc guốc bập bềnh, ngơ ngác trên biển, chào một đoạn đời lùi xa vĩnh viễn..
Văn và thơ của Lương Mỹ Trang rất duyên dáng, mềm mại, hiền hòa như nụ cười của Lương Mỹ Trang, nhưng lời văn và ý thơ thật sâu sắc, hào sảng, mang một triết lý sâu thẳm  mà người đọc, nếu chỉ đọc thoáng qua, sẽ không thể nào tìm được những ẩn dụ thầm kín trong ngôn ngữ  của Lương Mỹ Trang. 
Theo tôi, Lương Mỹ Trang là một hiện tượng rất lạ, rất tài năng kể về thơ, lẫn những bài văn sẽ có một chỗ đứng quan trọng trong văn chương hiện đại.-/
 
Duy Xuyên
Tacoma
 
 
 
"Tôi định hình tiếng hát của em mang màu sắc gì?
Tôi không biết! Có thể là màu lưu ly của Ký ức hoang đường./-" Duy Xuyên
Kính NT Duy Xuyên,
Huynh viết quá nhanh, VHo mới gởi hôm qua mà nay đã có 1 bài nhận định dài, đầy đủ, về người làm thơ, nhạc sĩ phổ nhạc và ca sĩ trình bày. Huynh gởi trọn tâm hồn mình vào lời thơ, điệu nhạc và giọng hát hêt sức sâu sắc, thâm thúy, bằng ngôn ngữ mượt mà, lãng mạn, tình tứ, hấp dẫn, dù bài viết thuộc thể loại phê bình nhận định tác phẩm, nhưng khi đọc VHo cứ tưởng chừng như mình đang đọc 1 truyện ngắn. Môt cách viết phóng khóang và mới lạ! 
Xin đa tạ  nhà văn/ nhà thơ lão thành Duy Xuyên. Thật vinh hạnh cho riêng Vinh Hồ, xin phép Huynh đuợc đăng trên trang nhà của VHo. 
Kính,
Vinh Hồ 
Kính mời quý NT, VH  đọc bài viết của NT Duy Xuyên sau đây:
 
 
 
 
 


BẢN NHẠC ĐƯA TÔI VỀ
NHỮNG QUÁ KHỨ HOANG ĐƯỜNG
 
 
Từ bài thơ này QUÊ TÔI, của nhà thơ Vinh Hồ, đến tiếng hát đó của nữ ca sĩ Hà Thị Thu Thủy với những nốt nhạc lưu ly của nhạc sĩ Linh Mục Si Tình (LMST) đưa tôi về những quá khứ thật vô cùng hoang đường... 


GIỚI THIỆU NHÂN VẬT:
* Thị Thu Thủy: người Bắc, cha đã từng là Lính ở Huấn khu Dục Mỹ, cô đã một thời sinh sống tại Dục Mỹ - Ninh Hòa, vào một thời tuổi thơ. Người nữ ca sĩ đã từng  học tại 2 trường:
Trung học Bán Công Ninh Hòa, Niên khóa 1966-1970
 Trung học Trần Bình Trọng Ninh Hòa, Niên khóa 1970-1972. Hiện người nữ ca sĩ này đang sinh sống chật vật tại Sài Gòn.


 
 
*Nhà thơ Vinh Hồ, gốc Lính, người Ninh Hòa, có rất nhiều kỷ niệm với cây cầu Dinh.
Anh là người đồng sáng lập Hội Văn Nghệ Tự Do tại Florida và đã một thời làm Chủ Tịch Văn Bút Vùng Đông Nam Hoa Kỳ.
 
Anh cũng là một cựu học sinh Trường Trung Học Võ Tánh Nha Trang. Anh đã có những bài văn, thơ trên các Đặc San của Võ Tánh và Nữ Trung Học Nha Trang. Anh đã viết những bài tham khảo về Văn Học Nghệ Thuật, rất có giá trị như bài viết của anh VINH HỒ:
"Vài nét sơ lược về văn học Nghệ thuật KHÁNH HÒa NHA TRANG"
(Đã đọc tại đêm họp mặt đồng hương thân hữu Khánh Hòa - Nha Trang ngày 26/9/98 - Orlando) và đã được đăng trong Đặc San Võ Tánh & Nữ Trung Học Nha Trang - Giai Phẩm 1999 từ trang 75 - 78.
 
*Nhạc sĩ Niên Trưởng LMST (Linh Mục Si Tình) cũng là gốc Lính, Khóa 5 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Ông là nhạc sĩ có trên cả ngàn nhạc bản đủ thể loại. Hiện ông hoạt động với nhiều Diễn Đàn tại Hải Ngoại.
Ông là Phu Quân của giai nhân Hoàng Yến, tuy cũng khá luống tuổi nhưng phong cách, dáng diệu của Hoàng Yến và nhất là nhan sắc của phu nhân vẫn còn thướt tha như thiên sứ của thuở nào.
 

Sau đây tôi xin kính mời Quý độc giả đọc qua bài thơ QUÊ TÔI của nhà thơ Vinh Hồ.
QUÊ TÔI

"Qua cầu Dinh cảnh đẹp như hoa
Cây trái xanh tươi, khí dịu hòa
Núi Vọng giăng mây chờ nắng ngã
Hòn Hèo đội mũ gọi mưa sa
Tối nghe trống sấm rền Thiên Bửu 
Chiều thấy cò bay sáng Ổ Gà
Thương kẻ chân quê, đời vất vả
Nên sông Dinh chở nặng phù sa.
Vinh Hồ
 
 Bài thơ này Vinh Hồ đã sáng tác từ lâu nay nghe lại vẫn thấy hay.
Nhạc điệu Chachacha vừa dồn dập vừa dặt dìu, tình tứ nên dễ khiêu vũ. Qua những nốt nhạc vui tươi, thể hiện m hồn trong sáng với tinh thần thanh thoát của người phổ nhạc, niên trưởng Nhạc sĩ Lmst rất trẻ trung, vui tươi lạc quan yêu đời, yêu người.
 
Lời thơ Thất Ngôn t Cú gồm 8 câu, 56 chữ) của nhà thơ, nhà văn Vinh Hồ đã gói trọn cả tâm tư tình cảm lẫn cảnh trí tĩnh mịch với  tình tự quê hương mà người ở xứ Ninh Hòa - thật thơ mộng, quả thật nhà thơ Vinh Hồ  là một nhân vật kỳ tài, hiếm có.
"Thương kẻ chân quê, đời vất vả
Nên sông Dinh chở nặng phù sa"
 
 Nhà thơ Vinh Hồ là một Cựu Học Sinh Trường Trung Học Võ Tánh Nha Trang - một thành phố biển, tràn ngập sóng nước mênh mông.
 
Hình ảnh anh Vinh Hồ sưu tập và đã tiết tấu thành những vần thơ điêu luyện mà cảnh trí đã làm tôi nhớ quê hương mình như Núi Vọng Phu, mẹ bồng con ngàn kiếp, đứng ngóng trông người chồng đi chinh chiến xa bao năm chưa thấy về.
 
Hòn Hèo, rừng núi trùng trùng điệp điệp, hang động chập chùng, âm u với tiếng chuông chùa Thiên Bửu, vang vọng, mỗi buổi chiều về, làm lòng người chùng xuống, mà tâm hồn đang hướng về lời kinh cầu nguyện: Nam Mô A-Di-Đà Phật, ngàn đời bất diệt.
 
Cầu Dinh, của Vinh Hồ, Quan Dương, Linh Vũ, Thi Thi, Văn Hùng Đốc, mỗi người là mỗi kỷ niệm khó quên, đã đưa vào thi ca văn học nghệ thuật, bát ngát tình yêu mộng mị...
Những địa danh  đó đã làm cho những nốt nhạc cha-cha-cha bay bướm của nhạc sĩ kỳ tài, Người đã sáng tác cả ngàn nhạc bản đi vào lòng người.
Tôi cũng đã không thể giữ yên đôi chân 86 tuổi đời chồng chất, khi ngồi nghe các nhạc phẩm lưu ly của NGƯỜI nhạc sĩ kỳ danh hiếm có với các giai điệu Tango, Cha-Cha-Cha mà LMST (Linh Mục Si Tình) đã cống hiến cho đời khi phổ thơ thành nhạc của Vinh Hồ, Song Phượng, Tố Anh, Người Xứ Vạn, Hoa Văn, Uyên Thúy Lâm...
 
Sáng nay tôi trở về Dục Mỹ để tìm tiếng hát đồng quê với Hà Thi Thu Thủy, để nghe và nhớ về Dục Mỹ, để tìm về bạn bè của Trường Sĩ Quan Pháo Binh, nhớ về Biệt Động Quân và môi mắt của người tình, mà ngày tháng thật lẻ loi, để nhớ lại những đêm sầu ngồi với bạn bè bên nhau khi chúng tôi bị giam cầm, tù tội  tại Lam Sơn, trong những ngày tàn rụi của cuộc đời.
 
Rồi bỗng tiếng hát từ đâu đó, vút lên thật nhịp nhàng thanh thoát của lời ca tựa hồ như một ca sĩ đồng nội vừa cấy lúa vừa hát mà âm thanh lúc thì vút cao lên tận ngọn lúa đang lả lơi, mỉm cười và đôi khi chìm nghỉm như tiếng vẫy đuôi của các con cá trầu đang nằm im để lắng nghe những âm thanh mơ hồ đó!
  
Và tiếng hát của ca sĩ Hà thị Thu Thủy chơn chất, mộc mạc như ruộng đồng bao la  mà lại thanh cao đưa ta vào những kỷ niệm xa xưa của Ninh Hòa- Dục Mỹ, không những  cho những ai đã từng đi qua trong đời Lính để nghe đạn pháo binh nổ ì ầm ngày lẫn đêm của các chàng pháo thủ hay phải nghe tiếng gào thét của các anh hùng Biệt Động quân vang dội lời thề "Biệt-Động-Quân!- Sát! mà các khóa sinh đang treo người lủng lẳng trên dây tử thần để  dỏi mắt  đăm chiêu, nhìn về hướng cờ của chàng trung sĩ Thông, báo hiệu, buông tay khỏi giây thừng, mà định mệnh chỉ quyết định thật nhanh trong 30 giây của tử thần rình rập.
 
Rồi bài thơ đó, tiếng hát này, hòa lẫn trong âm thanh diệu vợi với tiếng nhạc lưu ly của vùng trời huyền thoại, mà hồi đó Quân Trường Lam Sơn luôn luôn đầy ắp những tân binh quân dịch chờ ra trường, để người Lính phải nện những gót giầy,  khắp 4 Vùng Chiến Thuật...
 
Người xứ Ninh hát về xứ Ninh Hòa, cũng không phải là một chuyện lạ, nhưng chàng trai cầu Dinh đã tô điểm, vẽ lại những địa danh mà ai đã đi qua Ninh Hòa cũng phải nhớ phong cảnh kỳ bí đó.
 
Bài hát đó với bài thơ này đã đưa tôi sống lại những hoài bão mông mênh về Bưu Điện Ninh Hòa, tuy thật nhỏ nhưng lúc nào cũng lộng lộng hai tà áo trắng tung bay của Trường Trung Học Trần Bình Trọng, mà hồi đó, mỗi khi công tác từ Nha Trang ra Ninh Hòa, tôi thường lấy cớ ghé thăm thầy Đãi, xuất thân từ Võ Tánh, ra làm Giám Học cho Trường Trần Bình Trọng...
 
Tôi nhớ Xóm Rượu, Xóm Mới của Phạm Hồ Tôn (VT), Quốc Gia Hành Chành,  có bà chị gái trắng như tuyết (Phạm Thị Tuyết (NTH NT) nhưng sau 75, phải ngồi nhổ lông vịt mướn tại Xóm Rượu, mà hồi đó rất nhiều chàng Nam sinh Võ Tánh ngắm nghé nhưng duyên nợ không thành.
 
Bỗng sáng nay lúc 3:00, tại Tacoma có những hạt mưa vỡ vụn ngoài trời.
Mưa buồn lê thê.
Tôi pha vội cho mình một tách cà phê cô đơn, ngồi một mình một cõi.
Cà phê hơi đắng, tôi lấy thêm một mảnh đường, nhỏ, bỏ vào ly.
Tôi khoáy đường cho mau tan, bỗng chốc dưới đáy ly âm vang của một chiều buồn vang vọng!
Phải rồi tình buồn đã vỡ vụn. U hoài!
Người tình mang màu mắt tím xa xưa đã thật sự đi từ quá khứ trong một buổi chiều có tình buồn lảng vảng đâu đây trong tách cà phê quạnh hiu của một sáng ngồi một mình, không bạn bè.
Phải rồi, tôi phải ngập ngừng lắng nghe ai đó như đìu hiu, vang vọng tiếng hát vụn vỡ của nhạc bản QUÊ TÔI!
Phải rồi! Tiếng hát Thu Thủy thân  quen! Tiếng hát từ DỤC MỸ - LAM SƠN của một ngày xa lơ xa lắc, bao giờ cũng quanh quẩn trong tôi như khói suơng, như âm vang của một chiều tiễn biệt.
Tôi đứng yên nhìn theo dáng ai vừa nhẹ bước phiêu bồng.
Tôi nhắm mắt để những bước đi của ai đó, trong một chiều rất cổ tích. Phải rồi tiếng hát Thu Thủy đưa tôi về nơi đó mà em thì hoang vắng dị thường.
Tôi lịm đi trong men tình dịu vợi để quên đi bóng dáng xưa và giờ đây là tiếng hát chập chùng, xa và rất xa nhưng cũng gần như hôm qua. Vụn vỡ mà đôi khi như tôi đang dìu em bước từng bước một của một dêm không trăng sao trong màn sương mù mịt trên đường về nhà em.
Hồi đó! Em như một thiên sứ, còn ta quạnh hiu như một người lính trận.
Tôi hốt hết lời ca của sáng nay, bỏ vào ly cà phê, khoáy lên để tiếng hát được tan nhanh trong bọt biển. Tôi nuốt trọn tiếng hát đang chìm nghỉm trong giọt nhớ  để hồn tôi quỳ xuống dưới chân em như 65 năm xưa nhưng em vẫn để tôi một mình trong một chiều rất lạ! Hụt hẫng. Có dáng ai đang leo lên dốc Huấn Khu Dục Mỹ của ngày tháng xa xưa, khó quên mà ngậm ngùi để nhớ!
Tạ ơn em đã để lại trong tôi vết tích bao giờ cũng hằn lên nỗi khát vọng! Nỗi nhớ triền miên.
 
Phải rồi tôi đã đưa em về con đường xưa cũ đó, cũng như đêm nay tôi đang đợi trong một khoảnh khắc, nhớ thương vời vợi.
Tôi cám ơn em đã cho tôi uống từng giọt đắng, của ngày hôm qua và mãi mãi trong tôi một Quận Lỵ Buồn vì thiếu dáng em đang lững thững leo lên dốc Đèo Bánh Ít mà hồn tôi vẫn mải miết chờ em dưới chân đồi.
Tôi lại ngất đi trong tiếng hát QUÊ TÔI!
Tôi cám ơn ca sĩ nào đó đã cho tôi nhớ lại Nỗi Buồn Vạn Kiếp!
Tôi lại vội vã cúi đầu ĐA TẠ ca sĩ đã làm những giọt nước mắt rụng rời trong ly cà phê sáng nay.
Tôi định hình tiếng hát của em mang màu sắc gì?
Tôi không biết! Có thể là màu lưu ly của Ký ức hoang đường./-

Người Cổ Tích
05/06/18
Viết vội cho kịp ngày Sinh Nhật 86,
để tặng tác gỉa, nhà thơ Vinh Hồ- bài thơ Quê Tôi.
Duy Xuyên
 
 
Người Cổ Tích
 
 

 
 

 
Ngày mai, 5.6.18 là Sinh Nhật thứ 86 của Duy Xuyên.
Kính mời Quý NT và ACE VTH  uống một ly rượu Mừng Sinh Nhật của Duy Xuyên - Tacoma
ĐA TẠ
 
 

Tám Mươi Sáu
 
Tám mươi sáu, tôi còn lang thang trên hè phố
Thất thểu tìm em trên những áng thơ tình
Ôi mắt em hun hút như những ánh sao rơi
Và lịm chết khi hồn Thu nghe rộn rã
 
Tám mươi sáu, vẫn còn mê ly rượu đắng
Vẫn đi hoang với nhạc điệu xập-xình
Vẫn nhìn ai tóc xõa bên hàng liễu xanh
 
Thường ngồi say sưa bên men rượu đắng
Thả tâm tư theo từng tiếng nhạc buồn
 
Tám mươi sáu tôi vẫn tràn đầy mơ mộng
Mơ mái tóc dài và tà áo nữ sinh
Mơ cùng ai trao chén rượu ân tình
Dù bao kiếp tôi vẫn ngồi đây đợi
Ai bảo tám mươi sáu là già
Không! không! tôi vẫn còn là người tình si
Thích ngắm hoa nhìn bướm lượn quanh vườn
Nghe tiếng em hát mà thấy lòng thênh thang
 
Thường ngồi ngắm ánh trăng tan
Nhìn tóc em rũ bên hàng trúc xanh
Trái tim dập dồn nghe hồn rộn rã
Cảm thấy lòng vội vã khi nghe bước chân em về
 Hồn tưởng chừng như cánh gió mềm
Thả đi hoang như hạ trắng rong rêu
Em hững hờ tiếng oanh vàng thỏ thẻ
Sách vở nào cũng phải vứt bỏ đi
Những mơ ước theo hồn ai hối hả
Đứng giảng bài ngày tháng thật bơ vơ
Nhớ sân truờng thơ mộng buổi ban sơ
Đợi giờ học sao Thiên Sứ chưa  vội đến
Buổi học nào em vẫn cứ lặng thinh
Mái tóc dài em vào đời vội vã
Nghe xôn xao tim vỡ tự hồi nào
Thương em lắm!
Áo trắng thơm tuổi học trò
Mắt em buồn như ẩn hiện áng mây trôi
Sao thiên sứ chờ gì mà chưa chịu nói
Cô học trò bé nhỏ bây giờ ở nơi đâu đó
Có mơ về tình lỡ thật lênh đênh
Nhốt kỷ niệm vào tim nghe hồn lạc
Thật hay hư, sao thấy quá hững hờ
Niềm mơ ước nghe chừng như chẳng có
Máu lệ trào lớp học vắng bóng em.
 
Tuổi đã tám mươi sáu, vẩn còn đây hy vọng
Mong một ngày được sống thật với ước mơ…”
 
Duy Xuyên
Tacoma
Ngày 5 tháng 6 năm 2018
Kỷ Niệm Sinh Nhật Thứ 86 của Duy Xuyên
 
 
 
Tiếng hát ân cần của TÂM THƯtừ bài thơ SẮC MÀU KỶ NIỆM của VINH HỒ qua những  nốt nhạc của CUNG ĐÀN
 
Người viết:
Duy Xuyên
(Tacoma)
Sáng sớm hôm nay, trời Tacoma nơi tôi cư ngụ, đang vào hè, nhưng những hạt sương khuya còn rơi rụng đâu đó, để cùng hòa nhịp với tiếng mưa ngâu vội vã rơi từng giọt trên những chiếc lá đang nẩy mầm.
 
Tôi đong đưa ngồi cô đơn, một mình, một cõi, trước ly cà phê pha vội, mà chưa một ai, gọi tên tôi ra hè phố, của một sáng Chủ Nhật, đìu hiu...
 
Tôi nhâm nhi những giọt đắng đang tràn về đầu lưỡi, bỗng từ đâu đó, có tiếng hát của ai vọng về, trong âm thanh thật trìu mến. 
Tôi cho thêm vào ly cà phê đen đậm, một mảng đường thật nhỏ.
 Tiếng muỗng khua trong ly, tuy thật nhỏ như tiếng thủy tinh rơi, cũng đủ làm cho chú chim sẻ đang ngủ gà ngủ gật bên hiên nhà, bỗng hoảng hốt vụt bay đi, để cho tiếng hát từ xa, vụt đến thật gần mà thanh âm vút cao như réo gọi.
 
Tiếng hát như dặn dò:
 "Dòng nước trôi đi bao giờ trở lại?
 Tôi ngồi đây nhặt từng kỷ niệm rời"
 
Tiếng hát lắng sâu trong tâm tư tôi một khoảnh khắc.
Tôi ngồi định hình tiếng hát lưu ly đó là ai?
 
Thật tình tôi nghe tiếng hát rất thân quen nhưng tôi không thể nào nhớ lại giọng ca trong như nắng thủy tinh đó.
 
Phải rồi những kỷ niệm rời rạc của lời thơ, đưa tôi về Sài Gòn, trên con đường đến trường, có lá me bay, quyện gót chân chim... của thuở mộng mơ, trên con đường Cống Quỳnh, gần trường Trung Học Tư Thục Hưng Đạo để lôi tôi về ký ức thật loang lổ của vùng trời huyền thoại nhưng... quả thật bất ngờ, giọng hát của người ca sĩ có một nửa Huế của những ngày ấu thơ và còn lại một nửa còn chất chứa giọng Sài Gòn... đã kéo tôi nhớ lại Người Nữ Ca Sĩ Tâm Thư... mà tôi đã nghe cô hát nhiều lần...
 
Vài giòng giới thiệu ca sĩ TÂM THƯ:
Tâm Thư là một nữ ca sĩ quen thuộc trong giới văn học nghệ thuật. Dù không đứng trên các sân khấu lớn, nhưng ca sĩ Tâm Thư lại là một tên tuổi “lớn” trong lòng người hâm mộ. Người ca sĩ này đã hát và để lại quá nhiều nhạc bản của các nhạc sĩ hải ngoại trong đó có LMST, Minh Nhã, Vĩnh Điện, Cung Đàn, v.v... 

Người ca sĩ khả ái này, với tuổi đời trên dưới 30, gốc Huế, hiện sống ở Saigon và chuyên hát cho các Trung tâm nhạc hoà âm tự do.
 
Tâm Thư là một nữ ca sĩ rất kín đáo nên ít người biết về thân thế của nàng nhưng nàng là một nữ ca sĩ trẻ đẹp, tiếng hát vừa thanh tao vừa sang trọng, tràn đầy sức sống. Tiếng hát của cô đã lôi cuốn được những người thích nghe nhạc.
 
Người nữ ca sĩ này, có thể hát nhiều thể loại khác nhau, không thua gì các ca sĩ đã nổi danh ở Sài Gòn, Việt Nam, hay tại các Trung tâm nhạc PBN hay Asia hiện nay.
Tôi không còn nhớ, đã từ bao giờ, có tiếng hát ngân dài, thanh âm vút cao vừa trong sáng vừa nhẹ nhàng như những hạt sương của ca sĩ Tâm Thư, qua một bài thơ tuyệt tác của Vinh Hồ, một nhà văn, một nhà thơ, đã từng là Chủ Tịch Văn Bút Miền Đông Nam Hoa Kỳ.
 
Bài thơ này đã được một nhạc sĩ quen thuộc ở hải ngoại, xuất thân từ Phong Trào Hưng Ca đã lâu, phổ nhạc.
 
Anh Nguyễn văn Sanh, bút danh Người Xứ Vạn, cũng là một người ham thơ văn có tên trên các văn đàn như Văn Nghệ Tiền Phong.
 
Nhưng thật sự nếu chỉ viết vài dòng quá sơ lược và thật thô thiển về Vinh Hồ và Cung Đàn, quả thật không thể nào nói đủ về tài năng, chỗ đứng trong Văn Học Nghệ Thuật của hai anh.
 
Nhưng điều quan trọng ở đây là cả hai anh đều là học sinh Võ Tánh Nha Trang niên khóa 1968. Một trường Trung Học nổi danh nhất Miền Trung trước năm 1975.
 
Nhạc sĩ Cung Đàn phổ nhạc bài thơ Sắc Màu Kỷ Niệm của thi sĩ Vinh Hồ mà ca sĩ Tâm Thư hát, có những nốt 'rê' nốt 'si' đã làm cho bài ca, tiếng hát thật điêu luyện. Tiếng nhạc của Cung Đàn và lời thơ của Vinh Hồ đã làm nức nở bao trái tim yêu nghệ thuật! Rộn Ràng! Òa Vỡ!
 
Không những chỉ dừng lại ở đó, mà nữ ca sĩ Tâm Thư còn cho chúng ta nghe cô hát như các danh ca của một thời trời đất mênh mông...
 
Thành thật mà nói, tôi, Nguời Cổ Tích viết bài này, rất mù lòa về nhạc lý, nhưng trời phú cho tôi lỗ tai biết nghe các âm thanh kỳ bí đó. Tôi cũng chưa bao giờ bỏ qua những bài hát tựa hồ như lời thơ âm vang của triết học Đông Phương...
 
"Chiều thủy tinh phe phẩy lá vàng rơi
 Tôi lại nhặt những sắc màu kỷ niệm."
 
Tôi đã nghe thấy những vệt nắng thủy tinh bò ngang lối nhỏ khi theo ai tan trường về nhưng nay nhà Thơ Vinh Hồ, tiếng hát Tâm Thư và những nốt nhạc quỷ quái của Cung Đàn đưa tôi về với những 'Chiều thủy Tinh' tôi đứng lang thang chờ một người mà mình không bao giờ dám hẹn, để những gót thủy tinh biền biệt ra khơi, mà biển Nha Trang của tôi bây giờ đang khóc... Thơ Vinh Hồ, Cung Đàn phổ nhạc và tiếng hát liêu trai của Tâm Thư, đã réo gọi  tâm tư người nghe nghe như tôi một tình cảm thật vô cùng dịu vợi. 
Phải rồi tôi phải về Sài Gòn ngay bây giờ, để... ngồi nghe Tâm Thư đang hát.
 
Giọng hát em ngày tháng thật thênh thang... 
Phải rồi, tôi phải về Vạn Giả, để nghe Cung Đàn phổ nhạc, hay tôi phải về Cầu Dinh, ngồi nghe thơ Vinh Hồ nhưng chắc chắn tôi sẽ về Sài Gòn để thăm cô em Út, người dưng khác họ hay tôi sẽ về một xóm nhỏ nào đó ở Hồ Con Rùa để tìm cho được tiếng hát trong như ngọc, buồn như chiều thủy tinh mà tiếng hát của Tâm Thư vẫn còn vang vọng. Tôi chỉ xin, chỉ thêm một lần nữa thôi, cuối cuộc đời, tôi cũng chỉ đứng lặng thinh để được nghe thêm một lần nữa tiếng hát đó...
 
Tôi không có cái hạnh phúc to lớn để được quen nhiều với những nguời bạn ở Úc, nhưng những người tôi quen biết đều là những tài danh trên nhiều phương diện như nhà văn, nhà thơ Lương Mỹ Trang; Luật sư Nguyễn Văn Thuần; nhà thơ, nhà soạn nhạc Nguyễn Văn Hà...
 
Theo tôi nghĩ, làm một bài thơ hay đã là khó, phải đem hết tâm hồn, gieo vần để khi đọc lên, cái âm hưởng của lời thơ sẽ nằm sâu vào khe tim của người nghe. Rồi phổ từ lời thơ qua notes nhạc quả là kỳ tài.
 
Giá như Vinh Hồ của chúng ta, biết phổ thơ của mình thành những bản nhạc thì nhất định tiếng thơ và lời nhạc sẽ mang một sắc thái với những cung bậc, âm giai mà mình muốn diễn đạt.
 
Theo tôi nghĩ, vì chính tác giả mới thật sự rung động với lời thơ của mình qua notes nhạc hơn ai như nhạc bản “Em Còn Đâu Em Yêu Dấu” của Cung Đàn, đã làm cho trái tim người tỵ nạn có thân nhân chết trên Biển Đông vụn vỡ trong triền miên của nỗi nhớ người thân thật hoang đường mà Biển Nhớ, Biển Động, Biển Xưa, Biển Mộng của riêng tôi còn đang dại khờ từ lệ đá khô cằn...
Cung Đàn vừa làm thơ xong, sau đó anh tự phổ nhạc, vì thế nhạc anh phổ qua thơ thật linh động xúc tích vì chính anh đã trải con tim của mình qua thơ.
 
 
 
Còn Vinh Hồ, một nhà thơ tên tuổi từ những năm anh còn là học sinh của Trường Trung Học Võ Tánh Nha Trang.
 
 
Anh đã làm nhiều thơ và đủ mọi thể như thơ tự do, thơ mới, thơ Đường luật... đã góp cho đời và làm cho độc giả say mê qua những âm điệu hay những giai tầng trong thơ của anh đã có nhạc. 
 
 
Vì hai anh đã phổ những bài thơ đó thành nhạc. Do đó thơ-nhạc của hai anh có một chỗ đứng riêng biệt trong âm thanh huyền bí đó!
 
*Duy xuyên
(Tacoma)
 





No comments:

Post a Comment